Người dân sống trong Vành đai 1 Hà Nội nói gì về cấm xe máy chạy xăng?

Một số người dân sống trong Vành đai 1 Hà Nội đã bày tỏ quan điểm về việc dự kiến sẽ cấm xe máy chạy xăng ở Vành đai 1 từ tháng 7-2026.

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Chỉ thị số 20về một số nhiệm vụ cấp bách, quyết liệt ngăn chặn, giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường. Trong đó đáng chú ý, Thủ tướng yêu cầu Hà Nội lên phương án cấm xe máy chạy xăng trong Vành đai 1 kể từ tháng 7-2026.

Ông Nguyễn Kim Sơn ở phường Ngọc Hà thuộc Vành đai 1 Hà Nội nói về cấm xe máy chạy xăng. Video: Nguyễn Thế

Cụ thể, tại Chỉ thị số 20, Thủ tướng giao UBND TP Hà Nội thực hiện các giải pháp, biện pháp để các tổ chức, cá nhân chuyển đổi phương tiện theo lộ trình: Đến ngày 1-7-2026 không có xe mô tô, xe gắn máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch lưu thông trong Vành đai 1.

Theo Quy hoạch giao thông vận tải thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Hà Nội có 7 tuyến đường vành đai, trong đó có 5 tuyến vành đai chính (gồm: Vành đai 1, 2, 3, 4, 5) và 2 tuyến vành đai hỗ trợ (vành đai 2,5 và 3,5).

Người dân lưu thông trên đường Đê La Thành - một trong những tuyến đường thuộc trong Vành đai 1 Hà Nội. Ảnh: Nguyễn Thế

Người dân lưu thông trên đường Đê La Thành - một trong những tuyến đường thuộc trong Vành đai 1 Hà Nội. Ảnh: Nguyễn Thế

Tuyến Vành đai 1 là trục chính đô thị kết nối từ Đông sang Tây, đi qua khu vực trung tâm của Hà Nội gồm phố Trần Khát Chân - Đại Cồ Việt - Xã Đàn - Hoàng Cầu - Voi Phục với tổng chiều dài 7,2 km. Cụ thể, Vành đai 1 sẽ bao gồm các tuyến đường, phố: Trần Khát Chân (ngã ba Trần Khát Chân - Nguyễn Khoái) - Đại Cồ Việt - Xã Đàn - Ô Chợ Dừa - Đê La Thành - Hoàng Cầu - Đê La Thành - Cầu Giấy - đường Bưởi - Lạc Long Quân - Âu Cơ - Nghi Tàm - Yên Phụ - Trần Nhật Duật - Trần Quang Khải - Trần Khánh Dư- Nguyễn Khoái - Trần Khát Chân.

Phạm vi của tuyến đường sẽ chạy qua địa bàn các quận Cầu Giấy, Tây Hồ, Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa (cũ).

Phạm vi tuyến Vành đai 1 - các tuyến đường ở Hà Nội dự kiến sẽ cấm xe máy chạy xăng kể từ 1-7-2026. Ảnh: Văn Duẩn/Googlemaps

Phạm vi tuyến Vành đai 1 - các tuyến đường ở Hà Nội dự kiến sẽ cấm xe máy chạy xăng kể từ 1-7-2026. Ảnh: Văn Duẩn/Googlemaps

Cấm xe máy xăng trong Vành đai 1 Hà Nội: Người dân cần được hỗ trợ chuyển đổi phương tiện

Trong số những người dân chúng tôi gặp, trao đổi, họ đều đồng thuận với quan điểm cần quyết liệt ngăn chặn, giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường ở Thủ đô bằng nhiều giải pháp.

Ông Nguyễn Kim Sơn, 69 tuổi sống ở đường Đội Cấn, phường Ngọc Hà mới (phường Liễu Giai, quận Ba Bình cũ) cho biết theo quy hoạch, gia đình nhà ông nằm trọn trong khu vực vùng lõi của tuyến Vành đai 1 Hà Nội và gia đình ông hiện có 3 xe máy chạy xăng. Suốt 40 năm qua, ông Sơn mưu sinh bằng nghề chạy xe ôm trên phố Đội Cấn. Mấy hôm nay, ông Sơn suy nghĩ rất nhiều về việc kể từ ngày 1-7-2026 xe máy chạy xăng có thể không còn được lưu thông trong Vành đai 1.

Ông Nguyễn Kim Sơn ở phường Ngọc Hà thuộc Vành đai 1 Hà Nội nói về cấm xe máy chạy xăng. Ảnh: Nguyễn Thế

Ông Nguyễn Kim Sơn ở phường Ngọc Hà thuộc Vành đai 1 Hà Nội nói về cấm xe máy chạy xăng. Ảnh: Nguyễn Thế

Theo ông Sơn, bản thân ông và gia đình đang dùng xe chạy bằng xăng, giờ chủ trương của Nhà nước là phải chuyển sang xe chạy bằng điện, ông hoàn toàn nhất trí, ủng hộ.

Nhưng TP Hà Nội cần có chính sách hỗ trợ tài chính cụ thể như thế nào để người dân chuyển đổi phương tiện bởi cả thành phố này có hàng triệu xe máy chạy xăng" – ông Sơn nói.

Cùng với đó, theo ông Sơn, việc chuyển đổi từ xe máy chạy xăng sang xe máy điện phải có lộ trình, phải đánh giá tác động đến những người dân sinh sống, làm việc trong khu vực Vành đai 1 bị ảnh hưởng. "Chúng tôi hay những người sống ở ngoài khu vực Vành đai 1 muốn chở hàng, phải dùng xe xăng chứ không thể dùng xe điện được. Chính sách của TP hợp lý, tôi nghĩ người dân sẽ đồng thuận" - ông Sơn cho hay.

Cách đó không xa, ông Vũ Văn Kiều đang ngồi đợi khách trên chiếc xe máy cà tàng ở ngã tư Đội Cấn - Văn Cao. Ông Kiều quê ở xã Xuân Hồng, tỉnh Ninh Bình, hai vợ chồng lên Hà Nội mưu sinh hơn 20 năm nay và trọ ở ngõ 379 phố Đội Cấn, phường Ngọc Hà - ông chạy xe ôm và chở hàng thuê, vợ đi buôn đồng nát.

Ông Vũ Văn Kiều: "Nếu TP Hà Nội không có chính sách hỗ trợ để chuyển đổi xe xăng sang xe máy điện, tôi chỉ còn cách chuyển đổi nghề nghiệp cũng như phải chuyển ra khỏi khu vực Vành đai 1 để sinh sống"- Ảnh: Nguyễn Thế

Ông Vũ Văn Kiều: "Nếu TP Hà Nội không có chính sách hỗ trợ để chuyển đổi xe xăng sang xe máy điện, tôi chỉ còn cách chuyển đổi nghề nghiệp cũng như phải chuyển ra khỏi khu vực Vành đai 1 để sinh sống"- Ảnh: Nguyễn Thế

Nói về chuyển xe xăng sang xe điện, ông Kiều khẳng định với nghề của mình, ở thời điểm hiện nay, xe chạy xăng sẽ tiện hơn xe điện "xe chở hàng khỏe hơn, đổ xăng tiện hơn" - ông Kiều nói.

Tuy vậy, theo ông Kiều, nếu TP có chính sách hỗ trợ kinh phí hợp lý để chuyển đổi xe xăng sang xe điện, cùng với đó việc sạc pin xe cũng thuận tiện hơn, thì ông cũng đồng thuận để chuyển đổi sang xe máy điện. "Còn nếu không, vợ chồng tôi chỉ còn cách chuyển đổi nghề nghiệp cũng như phải chuyển ra khỏi khu vực Vành đai 1 để sinh sống" - ông Kiều nói.

Thống kê của Sở Giao thông Vận tải, đến hết năm 2024 Hà Nội có trên 9,2 triệu phương tiện các loại đang hoạt động trên địa bàn (chưa bao gồm xe của cơ quan trung ương). Trong đó thành phố đang quản lý hơn 8 triệu phương tiện, gồm 1,1 triệu ô tô và trên 6,9 triệu xe máy.

Tốc độ gia tăng phương tiện của Hà Nội nói chung khoảng 4-5%/năm, gấp từ 11 đến 17 lần tốc độ mở rộng đường sá. Đặc biệt, ôtô cá nhân đang tăng khoảng 10%/năm, cao gấp hơn 30 lần tốc độ gia tăng đất dành cho giao thông.

Trong khi đó, mạng lưới đường sắt đô thị chưa phát triển, tỉ lệ vận tải hành khách công cộng vẫn còn thấp, mới đạt được khoảng 20% nên việc sử dụng phương tiện cá nhân của người dân trong đô thị vẫn phổ biến.

Bài, ảnh, video: Nguyễn Thế

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/nguoi-dan-song-trong-vanh-dai-1-ha-noi-noi-gi-ve-cam-xe-may-chay-xang-196250714174758843.htm
Zalo