Quảng Trị - hình mẫu trong công tác rà phá bom mìn sót lại sau chiến tranh
Người điều hành Chương trình rà phá vũ khí thông thường đánh giá Quảng Trị không chỉ là hình mẫu cho Việt Nam và Đông Nam Á, mà còn là hình mẫu trên thế giới trong rà phá bom mìn chưa nổ.

Được thành lập vào tháng 8/2018, MAT 19 là tên gọi của đội nữ rà phá bom mìn do tổ chức phi chính phủ (MAG) triển khai hoạt động tại tỉnh Quảng Trị, đã phát hiện và hủy nổ hàng trăm vật liệu nổ các loại, trả lại đất an toàn cho người dân canh tác. (Ảnh: Hồ Cầu/TTXVN)
Sau gần 30 năm (1996-2025) hợp tác với các tổ chức quốc tế, tỉnh Quảng Trị đã trở thành hình mẫu trong công tác rà phá bom mìn còn sót lại sau chiến tranh.
Theo Sở Ngoại vụ tỉnh Quảng Trị, ông Jerry Guilbert, người điều hành Chương trình rà phá vũ khí thông thường (CWD) thuộc Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã đánh giá “Quảng Trị không chỉ là hình mẫu cho Việt Nam và Đông Nam Á, mà còn là hình mẫu trên thế giới trong rà phá bom mìn chưa nổ."
Giảm thiểu tai nạn bom mìn
Quảng Trị là một địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi bom mìn và vật nổ sau chiến tranh (khoảng 80% tổng diện tích đất bị ảnh hưởng bởi bom mìn và vật nổ).
Bom mìn còn sót lại vẫn đang là mối đe dọa lớn đối với sự an toàn của người dân trong đời sống, sản xuất. Đây cũng là trở ngại đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.
Từ năm 1975 đến nay, bom mìn và vật nổ còn sót lại ở Quảng Trị đã gây ra tai nạn cho 8.640 người; trong đó 5.271 người bị thương và 3.369 người thiệt mạng.
Ở tỉnh có gần 1/2 tổng số tai nạn bom mìn xảy ra khi người dân sản xuất nông nghiệp.
Đa số nạn nhân thường là lao động chính, dẫn đến tổn thất nghiêm trọng cho gia đình và cộng đồng. Đặc biệt, tỉnh có gần 1/3 tổng số nạn nhân bom mìn là trẻ dưới 18 tuổi do thiếu nhận thức về sự nguy hiểm.
Hàng chục năm qua, Quảng Trị đã nỗ lực khắc phục hậu quả bom mìn, hàn gắn vết thương chiến tranh. Đây là địa phương đầu tiên được Chính phủ cho phép hợp tác với các tổ chức quốc tế (năm 1996), thực hiện các dự án rà phá bom mìn.
Đến nay, Quảng Trị là tỉnh duy nhất có đầy đủ các hợp phần của chương trình hành động bom mìn theo tiêu chuẩn quốc tế.
Thời gian qua, hàng chục quốc gia, tổ chức đã hỗ trợ Quảng Trị trong công tác rà phá bom mìn sót lại sau chiến tranh; trong đó Hoa Kỳ hỗ trợ nhiều nhất.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt và Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Marc E. Knapper ấn nút hủy nổ bom mìn tại xã Hướng Tân, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị. (Ảnh: Nguyên Linh/TTXVN)
Từ năm 1996 đến nay, Chính phủ Hoa Kỳ đã hỗ trợ thông qua các tổ chức phi chính phủ nước ngoài triển khai các chương trình, dự án trong nhiều lĩnh vực; trong đó ngân sách cho các chương trình, dự án khắc phục hậu quả bom mìn là khoảng 104,8 triệu USD.
Hiện nay, các tổ chức: Nhóm cố vấn bom mìn (MAG) của Anh, Viện trợ nhân dân Na Uy (NPA), Cây hòa bình Việt Nam (PTVN) của Hoa Kỳ hợp tác triển khai các chương trình khảo sát và rà phá bom mìn từ nguồn viện trợ của Chính phủ Hoa Kỳ.
Các chương trình, dự án khắc phục hậu quả chiến tranh do Chính phủ Hoa Kỳ đã và đang góp phần quan trọng trong việc giảm thiểu nguy cơ từ bom mìn còn sót lại, giải phóng đất đai phục vụ phát triển sinh kế và mang lại sự an toàn cho cộng đồng, hỗ trợ người khuyết tật; tạo việc làm cho hơn 1.000 lao động.
Theo Ban Chỉ đạo khắc phục hậu quả bom mìn tỉnh Quảng Trị, chương trình hợp tác khắc phục hậu quả bom mìn từ nguồn viện trợ của Chính phủ Hoa Kỳ đã đạt được nhiều kết quả, quan trọng, góp phần không nhỏ vào việc tác xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế-xã hội.
Các chương trình, dự án đã làm sạch khoảng 260 triệu m2 đất ô nhiễm bom mìn; nhận thức của người dân về nguy cơ bom mìn đã được nâng cao.
Đặc biệt, chương trình giáo dục phòng tránh bom mìn đã được tỉnh đưa vào chương trình chính khóa ở bậc tiểu học và trung học cơ sở; qua đó giúp tai nạn bom mìn giảm từ 60 vụ mỗi năm (giai đoạn 2006-2010) xuống chỉ còn 2 vụ (giai đoạn 2020-2024).
Hướng đến “tỉnh an toàn” với bom mìn
Điểm khác biệt của chương trình hợp tác quốc tế khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh ở tỉnh Quảng Trị với những nơi khác đó là các chương trình không tiến hành riêng lẻ mà được lồng ghép với nhau, như giáo dục phòng tránh bom mìn, xử lý bom mìn lưu động, rà phá bom mìn, tái định cư tại các vùng đất đã hoàn thành việc rà phá bom mìn; hỗ trợ phục hồi chức năng, tái hòa nhập cộng đồng và hỗ trợ sinh kế cho người khuyết tật.
Các chương trình được triển khai gắn với hoạt động xóa đói, giảm nghèo, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

Cán bộ Đoàn công binh Tháng Tám (Binh chủng công binh) tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về hiểm họa bom, mìn, cách phòng ngừa tai nạn bom, mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh cho đồng bào Vân Kiều ở xã Đa Krông, huyện Đa Krông, tỉnh Quảng Trị. (Ảnh: Phạm Thị Huế/TTXVN)
Địa phương đã thành lập Trung tâm Hành động bom tỉnh Quảng Trị (QTMAC) để thực hiện các hoạt động. Đây là đơn vị điều phối cấp tỉnh đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam; là sáng kiến mang tính đột phá, giúp tối ưu hóa việc điều phối các tổ chức phi Chính phủ nước ngoài tham gia hoạt động khắc phục hậu quả bom mìn.
Trung tâm triển khai các đội liên lạc cộng đồng để thu thập thông tin về khu vực ô nhiễm bom mìn; thành lập đội xử lý yêu cầu khẩn nhằm hủy bỏ các vật nổ gây nguy hiểm tức thời cho cộng đồng; khai thác công nghệ và sáng kiến để thúc đẩy quá trình rà phá bom mìn; triển khai dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế-xã hội; giáo dục phòng tránh bom mìn cho học sinh và người dân.
Ở Quảng Trị, riêng diện tích đất bị ô nhiễm bom chùm (loại bom có độ sát thương rất lớn) được xác định lên tới 61.946ha; trong đó đã có 37.705ha đất đã được rà phá an toàn với trên 830.700 vật nổ được xử lý.
Dưới sự điều phối của Trung tâm Hành động bom tỉnh Quảng Trị, từ năm 2015 đến tháng 4/2023, Tổ chức Viện trợ nhân dân Na Uy (NPA) đã hoàn thành khảo sát dấu vết bom đạn chùm tại tất cả khu vực tiếp cận được ở Quảng Trị; xác định được 1.270 khu vực nguy hiểm.
Việc này giúp các bên liên quan có cái nhìn tổng thể về tình hình ô nhiễm bom mìn, vật nổ ở Quảng Trị để hỗ trợ lập kế hoạch hiệu quả các nguồn lực rà phá.
Theo Trung tâm Hành động bom mìn tỉnh Quảng Trị, địa phương đang hướng đến mục tiêu là tỉnh đầu tiên trong nước “an toàn” không chịu tác động của bom mìn, vật liệu nổ còn sót lại sau chiến tranh.
Mục tiêu này không có nghĩa là tất cả loại bom mìn, vật liệu nổ được rà phá hết mà hướng đến việc hoàn thành khảo sát, lập bản đồ các các khu vực bị ô nhiễm bom chùm để giám sát xử lý; 100% người dân được trang bị kiến thức và được cung cấp các dịch vụ hỗ trợ để sống và làm việc an toàn, giảm thiểu tai nạn do bom mìn, vật liệu nổ gây ra.
Ngoài ra, tỉnh đặt mục tiêu các loại bom mìn nguy hiểm nhất được xử lý; khu vực ô nhiễm bom mìn cao có nhu cầu sử dụng đất được khoanh vùng để rà sạch; khu vực còn lại được kiểm soát và xử lý theo thứ tự ưu tiên, phù hợp với nhu cầu sử dụng đất.
Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Trị Hoàng Nam cho biết tỉnh mong muốn thời gian tới, Chính phủ Hoa Kỳ tiếp tục tài trợ các dự án khắc phục hậu quả bom mìn thông qua các tổ chức phi chính phủ quốc tế để thực hiện mục tiêu trở thành “tỉnh an toàn” với bom mìn còn sót lại sau chiến tranh trong năm 2025.
Trong chuyến làm việc tại Quảng Trị ngày 2/4 vừa qua, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Marc Evans Knapper khẳng định Chính phủ Hoa Kỳ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam, đặc biệt là tỉnh Quảng Trị trong khắc phục hậu quả chiến tranh, dựa trên nguyên tắc trung thực với quá khứ và hướng tới tương lai thịnh vượng./.