Quảng Trị: 14/18 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch năm 2024
Sáng 4/12, tại TP. Đông Hà đã khai mạc Kỳ họp thứ 28, HĐND tỉnh Khóa VIII, nhiệm kỳ 2021-2026. Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Đăng Quang và Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Trần Huy chủ tọa kỳ họp.
Dự kỳ họp có: Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Hà Sỹ Đồng; Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Đào Mạnh Hùng; Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hoàng Đức Thắng;…
Thể hiện quan điểm, chính kiến khi xem xét, quyết định đối với từng nội dung
Phát biểu khai mạc kỳ họp, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Đăng Quang cho biết: Kỳ họp diễn ra trong thời điểm toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đang nỗ lực, phấn đấu với quyết tâm cao nhất hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; tập trung cao độ triển khai thực hiện Kết luận của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước để tăng tốc, bứt phá “về đích” các mục tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, với tâm thế sẵn sàng cùng với cả nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.
Kỳ họp lần này có ý nghĩa hết sức quan trọng, HĐND tỉnh xem xét thông qua nhiều nội dung, đặc biệt sẽ tập trung đánh giá việc thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 và cả giai đoạn 2021-2024; trên cơ sở đó, bàn thảo, quyết định các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm 2025 để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, khơi thông nguồn lực, khắc phục các điểm nghẽn, đón đầu cơ hội mới, góp phần thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025.
Cũng theo Chủ tịch HĐND tỉnh, tại kỳ họp, bên cạnh thảo luận, phân tích, đánh giá khách quan, toàn diện về những kết quả về kinh tế - xã hội… HĐND tỉnh cũng sẽ xem xét phân bổ ngân sách, vốn đầu tư công để bảo đảm nguồn lực thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh năm 2025, gồm: Báo cáo quyết toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn, chi ngân sách địa phương năm 2023; báo cáo tài chính nhà nước tỉnh năm 2023; báo cáo dự toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn, chi ngân sách địa phương năm 2024 và dự toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn, chi ngân sách địa phương năm 2025; báo cáo thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2024 và kế hoạch năm 2025; phân bổ kế hoạch vốn đầu tư phát triển thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia; điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025; điều chỉnh kế hoạch năm 2024 và kế hoạch năm 2023 kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân sang năm 2024; kéo dài thời gian bố trí vốn các dự án sử dụng nguồn vốn ngân sách phân cấp cho cấp huyện quản lý; phê duyệt và điều chỉnh chủ trương đầu tư một số dự án.
Bên cạnh đó, HĐND tỉnh cũng xem xét, thông qua các chính sách: Phân cấp quản lý tài sản công; quy định thẩm quyền quyết định, phê duyệt nhiệm vụ đầu tư, mua sắm; quy định mức thu, đơn vị tính phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản; quy định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh; quy định mức hỗ trợ đối với người cai nghiện ma túy tại cơ sở cai nghiện ma túy và mức trợ cấp đặc thù đối với người làm việc tại cơ sở cai nghiện ma túy công lập; quy định việc hỗ trợ về xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước ở cộng đồng dân cư; quy định nội dung, mức chi các giải thưởng và mức chi hỗ trợ công tác tổ chức giải thưởng, các cuộc thi, hội diễn thuộc lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật; quy định các biện pháp bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở; quy định mức chi thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, chuẩn tiếp cận pháp luật và hòa giải ở cơ sở; quy định chế độ chi đón tiếp, thăm hỏi, chúc mừng do Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp thực hiện; đặt tên đường, công trình công cộng trên địa bàn thành phố Đông Hà. Xem xét, quyết định giao số lượng cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã năm 2025; chỉ tiêu biên chế công chức, số người làm việc, hợp đồng lao động và biên chế hội năm 2025.
Thực hiện Luật Đất đai, Luật Lâm nghiệp và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, HĐND tỉnh xem xét và thông qua danh mục các dự án thu hồi đất, dự án chuyển mục đích đất trồng lúa, đất rừng sản xuất, đất rừng phòng hộ vào các mục đích khác; quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để thực hiện dự án; thông qua danh mục các khu đất thực hiện đấu thầu dự án đầu tư có sử dụng đất; quy định các tiêu chí để quyết định đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư dự án đầu tư có sử dụng đất… Đồng thời, xem xét các báo cáo của UBND, TAND, VKSND và Cục THADS tỉnh theo luật định. Xem xét các báo cáo, tờ trình của Thường trực HĐND tỉnh về: Kết quả giám sát giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 26; tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 28; kết quả hoạt động năm 2024 và chương trình công tác năm 2025; kế hoạch tổ chức các kỳ họp thường lệ HĐND tỉnh năm 2025; tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn…
Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Đăng Quang cũng nhấn mạnh: Những quyết nghị tại kỳ họp lần này có ý nghĩa rất quan trọng, khẳng định quyết tâm và sự chuẩn bị vững chắc để tỉnh nhà bước vào năm 2025 - năm quyết định hoàn thành kế hoạch 5 năm (2021 - 2025), mở ra một thời kỳ mới của quê hương đất nước. Vì vậy, đề nghị các đại biểu HĐND tỉnh, đại biểu tham dự tập trung nghiên cứu, dân chủ thảo luận, chất vấn, thể hiện quan điểm, chính kiến khi xem xét, quyết định đối với từng nội dung kỳ họp.
Nông nghiệp tiếp tục là bệ đỡ vững chắc của nền kinh tế
Báo cáo tại kỳ họp về tình hình kinh tế - xã hội năm 2024, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Hà Sỹ Đồng cho biết: Năm 2024, mặc dù tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhưng tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh đạt nhiều kết quả trên tất cả các lĩnh vực. Cụ thể, ước có 14/18 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch. Khu vực nông nghiệp là điểm sáng và tiếp tục là bệ đỡ vững chắc của nền kinh tế; vụ Đông Xuân và Hè Thu được mùa, năng suất và sản lượng lúa đạt cao nhất từ trước đến nay, ước tính bình quân 59 tạ/ha, tổng sản lượng lương thực có hạt ước đạt 31,13 vạn tấn, đặc biệt cây lúa cho năng suất và sản lượng cao nhất từ trước đến nay…
Các chương trình, dự án động lực đã được tập trung chỉ đạo quyết liệt, một số dự án được tái khởi động, khởi công và đẩy nhanh tiến độ thi công… Đã tập trung chuẩn bị chu đáo và tổ chức thành công các ngày lễ lớn trong năm 2024, đặc biệt Lễ hội Vì hòa bình và chuỗi các hoạt động, tạo ấn tượng tốt đẹp, hiệu ứng và sức lan tỏa mạnh mẽ, thể hiện quyết tâm và nỗ lực to lớn của cả hệ thống chính trị nhằm kích hoạt và khơi dậy các tiềm năng quý giá của tỉnh nhà. Các hoạt động quảng bá, thu hút du lịch được triển khai có hiệu quả, lượng khách du lịch đến Quảng Trị ước tăng 48,4% so với cùng kỳ…
Đồng thời, tỉnh cũng đã tổ chức thành công Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; thành phố Đông Hà được công nhận đô thị loại II; các chương trình mục tiêu Quốc gia được khẩn trương thực hiện; các chương trình, dự án động lực được tập trung chỉ đạo quyết liệt và đẩy nhanh tiến độ thi công; các nhiệm vụ giáo dục, y tế, văn hóa, an sinh xã hội, chế độ chính sách đối với thương binh, bệnh binh, người có công, gia đình liệt sỹ và đời sống Nhân dân tiếp tục được quan tâm; quốc phòng - an ninh được giữ vững; trật tự an toàn xã hội được bảo đảm.
Cùng với đó, hoạt động đối ngoại, kinh tế đối ngoại và vận động xúc tiến đầu tư được quan tâm thực hiện, đạt kết quả tốt. Trong đó, nổi bật là hoạt động của các đồng chí trong Thường trực Tỉnh ủy thăm và làm việc tại các tỉnh Salavan, Savannakhet, Champasak, Sekong (Lào); Hội nghị xúc tiến đầu tư tại Hàn Quốc; tổ chức thành công Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 kết hợp với xúc tiến đầu tư. Kết quả, toàn tỉnh đã thu hút 40 dự án với tổng mức đầu tư hơn 12.000 tỷ đồng, tăng gấp 4 lần về tổng vốn đăng ký so với năm 2023…
Tuy nhiên, ngành công nghiệp – xây dựng và thương mại – dịch vụ gặp nhiều khó khăn; hàng hóa tiêu thụ chậm, tồn kho nhiều, không thu hồi được công nợ đã ảnh hưởng đến hoạt động của các doanh nghiệp, công nhân thiếu việc làm. Tốc độ tăng khu vực công nghiệp chỉ đạt 5,72%; năng lực cạnh tranh so với các khu vực trong nước còn thấp, chưa đủ sức hấp dẫn; công tác giải phóng mặt bằng vẫn là khâu yếu, chậm được khắc phục…
Phấn đấu tốc độ tổng sản phẩm tăng 6,5-7%
Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Hà Sỹ Đồng cũng cho biết: Năm 2025, tỉnh Quảng Trị đặt mục tiêu phấn đấu tốc độ tổng sản phẩm trên địa bàn (theo GRDP) tăng 6,5-7% so với năm 2024, trong đó khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,5-3%; khu vực công nghiệp - xây dựng tăng 9,5-10%; khu vực dịch vụ tăng 6,5-7%... GRDP bình quân đầu người đạt 87 triệu đồng; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt 27.500 tỷ đồng; thu ngân sách trên địa bàn dự kiến đạt 4.965 tỷ đồng; sản lượng lương thực có hạt đạt 28 vạn tấn; chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 9,5% so với năm 2024; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 37.000 tỷ đồng; tạo việc làm mới cho 14.000 lao động...
Để đạt mục tiêu trên, tỉnh Quảng Trị sẽ tập trung chỉ đạo, hoàn thành các báo cáo chuyên đề phục vụ biên tập Văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2025-2030 bảo đảm chất lượng nội dung và tiến độ theo yêu cầu của Tỉnh ủy và Tiểu ban Văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII và nhiệm vụ phục vụ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII theo phân công của Tỉnh ủy. Tập trung mọi nỗ lực để triển khai thực hiện ý kiến kết luận của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm theo Thông báo số 101-TB/VPTW ngày 28.10.2024 của Văn phòng Trung ương Đảng về kết quả chuyến thăm và làm việc của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước và Văn bản số 8386/VPCP-QHĐP ngày 15.11.2024 của Văn phòng Chính phủ về việc xử lý kiến nghị của Tỉnh ủy Quảng Trị tại buổi làm việc của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm.
Đồng thời, tổ chức thực hiện kịp thời, đồng bộ, hiệu quả các chính sách, giải pháp điều hành của Chính phủ về tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh, tăng cường sức chịu đựng của nền kinh tế; huy động, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư của nền kinh tế; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình dự án, công trình trọng điểm, xây dựng nông thôn mới; tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ quy hoạch...
Bên cạnh đó, tiếp tục thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển doanh nghiệp; nâng cao chất lượng và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực, giáo dục đào tạo; đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, ứng dụng và phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ; phát triển toàn diện, đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, xã hội, bảo đảm an sinh, phúc lợi xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới; quản lý, khai thác và sử dụng hiệu quả, bền vững tài nguyên thiên nhiên; bảo vệ môi trường sống; chủ động ứng phó có hiệu quả với biến đổi khí hậu, phòng chống giảm nhẹ thiên tai... Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số, cải cách hành chính tư pháp, phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và giải quyết khiếu nại tố cáo; củng cố, tăng cường quốc phòng – an ninh, nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại...