Quảng Ninh: UBND xã yêu cầu dừng thi công, xưởng dăm gỗ vẫn hoạt động mạnh
Thời gian qua, UBND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành quy hoạch mạng lưới cơ sở sản xuất dăm gỗ sẽ phải giảm dần. Tuy nhiên, tình trạng 'tự ý' chế biến dăm gỗ của doanh nghiệp đang có dấu hiệu gia tăng.
Theo đó, ngày 23 tháng 4 năm 2017, UBND tỉnh Quảng Ninh đã có Văn bản số 2126/UBND-NLN2 về việc tăng cường công tác quản lý, kiểm soát hoạt động sản xuất kinh doanh của các cơ sở sản xuất dăm gỗ trên địa bản tỉnh đến năm 2020 trong đó nêu rõ:
Về chủ trương của tỉnh là không điều chỉnh, bổ sung cơ sở sản xuất băm dăm mà thực hiện giảm dần các cơ sở đảm bảo theo đúng quy hoạch được duyệt đến năm 2024 tại Quyết định số 3599/QĐ-UBND ngày 30/12/2013, giao Sở NN và PTNT chủ trì, phối hợp với các ngành và địa phương có liên quan tiếp tục tăng cường kiểm tra, rà soát và kiên quyết yêu cầu dừng hoạt động đối với các cơ sở sản xuất có vi phạm về thủ tục đầu tư, địa điểm, môi trường, nguyên liệu...
Xưởng chế biến dăm gỗ của Công ty cổ phần Xây dựng Đất Việt Hạ Long đang hoạt động
Theo phản ánh của một số người dân tại xã Thống Nhất, TP Hạ Long vẫn tồn tại cơ sở băm dăm gỗ hoạt động. Theo ghi nhận thực tế, cơ sở chế biến gỗ trên diện tích cả nghìn m2 này với đầy đủ máy móc đang hoạt động băm dăm gỗ. Rất nhiều gỗ được xếp gọn ở một phần xưởng. Trong quá trình sản xuất, bụi dăm gỗ gây ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.
Qua tìm hiểu, trước đây Công ty CP Xây dựng Đất Việt Hạ Long đã thuê lại địa điểm này để làm bãi thu mua băm gỗ nguyên liệu. Ngày 17/10/2024 UBND xã Thống Nhất đã có Thông báo số 79/TB-UBND về việc dừng thi công công trình tại thửa đất số 96, tờ bản đồ địa chính số 97, xã Thống Nhất đồng thời gửi Giấy mời đại diện Công ty lên làm việc.
Tại Quyết định số 3599/QĐ-UBND ngày 30/12/2013 về việc phê duyệt Quy hoạch chế biến gỗ trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh có nêu rõ: "Để từng bước hạn chế việc băm dăm thô, chỉ sản xuất trên cơ sở nguyên liệu là sản phẩm cây nhỏ, cây cong vênh, cành ngọn tận thu; còn cây gỗ dành cho xẻ dùng cho ván ghép và sản xuất đồ mộc. Do vậy, các cơ sở băm dăm sẽ phải giảm dần (không cấp mới giấy phép) xuống 25 cơ sở vào năm 2015 và 11 cơ sở vào năm 2020, tập trung ở các địa phương có nguồn nguyên liệu lớn: Hoành Bồ, Tiên Yên, Hải Hà, Đầm Hà, Ba Chẽ; Các địa phương: Hạ Long, Cẩm Phả, Vân Đồn và các địa phương khác trong tỉnh không còn cơ sở băm dăm.
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, việc băm dăm gỗ tại địa điểm này vẫn đang hoạt động.
Báo Kinh tế & Đô thị sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.