Quảng Ninh xử lý 56 vụ vi phạm an toàn thực phẩm, tiêu hủy hàng gần 1,7 tỷ đồng

Trong 'Tháng hành động vì an toàn thực phẩm', lực lượng quản lý thị trường (QLTT) đã chủ động, phối hợp với các ngành, lực lượng chức năng tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật; triển khai các biện pháp nghiệp vụ, kiểm tra các cơ sở kinh doanh. Qua kiểm tra, kiểm soát thị trường đã liên tiếp phát hiện nhiều vụ việc hàng hóa vi phạm.

Phát hiện, xử lý nhiều vụ việc

Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Quảng Ninh cho biết, trong Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2025 với chủ đề “Bảo đảm an toàn thực phẩm, trong đó chú trọng an toàn thực phẩm bếp ăn tập thể, dịch vụ ăn uống và thức ăn đường phố”. Chi cục đã chỉ đạo các Đội QLTT chủ động, phối hợp với các ngành, lực lượng chức năng tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật; triển khai các biện pháp nghiệp vụ, kiểm tra các cơ sở kinh doanh; tập trung các mặt hàng ngành Công Thương quản lý, các cơ sở sản xuất, buôn bán rượu và rượu thủ công; các cơ sở buôn bán thực phẩm tươi sống, thực phẩm đóng gói (sữa, …); các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, bếp ăn tập thể, thức ăn đường phố, tuyến phố đi bộ, các cửa hàng gần khu vực trường học …; các các phương tiện thường xuyên vận chuyển thực phẩm từ các tỉnh vào Quảng Ninh và từ khu vực biên giới vào nội địa, các điểm tập kết, kho chứa hàng hóa (thực phẩm ...) trên địa bàn.

Đội Quản lý thị trường số 2 tuyên truyền pháp luật về ATTP tại huyện Hải Hà, Quảng Ninh.

Đội Quản lý thị trường số 2 tuyên truyền pháp luật về ATTP tại huyện Hải Hà, Quảng Ninh.

Đội QLTT số 5 phối hợp với các lực lượng chức năng kiểm tra Hộ kinh doanh Trần Đức Lương - Quảng Ninh.

Đội QLTT số 5 phối hợp với các lực lượng chức năng kiểm tra Hộ kinh doanh Trần Đức Lương - Quảng Ninh.

Các Đội QLTT trên toàn tỉnh Quảng Ninh đã bám sát chỉ đạo của Chi cục, triển khai các biện pháp nghiệp vụ, phát hiện, xử lý nhiều vụ việc. Theo đó, từ ngày 15/4 đến 13/5/2025, Chi cục QLTT tỉnh Quảng Ninh đã kiểm tra, xử lý 56 vụ vi phạm về an toàn thực phẩm, phạt tiền 680 triệu đồng, buộc tiêu hủy gần 3.000 kg thực phẩm đông lạnh, nội tạng động vật …, 2.502 đơn vị sản phẩm bánh kẹo, 250 viên thực phẩm chức năng, 331 kg hoa quả và 320 lít rượu thủ công .... không rõ nguồn gốc, xuất xứ, nhập lậu.

Đội QLTT số 4 giám sát buộc tiêu hủy 300kg lòng lợn sấy khô không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Đội QLTT số 4 giám sát buộc tiêu hủy 300kg lòng lợn sấy khô không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Đơn cử như: Ngày 29/4, Đội QLTT số 5 phối hợp Phòng Cảnh sát Kinh tế - Công an tỉnh Quảng Ninh và Phòng Y tế thành phố Hạ Long kiểm tra Hộ kinh doanh Nguyễn Thanh Huyền (địa chỉ: Lô 8, ô 12, tổ 5, khu 9A, phường Bãi Cháy, thành phố Hạ Long) do bà Nguyễn Thanh Huyền làm chủ hộ; phát hiện 1.105kg thực phẩm đông lạnh nhập lậu gồm: chân gà, tai lợn, tràng lợn, thịt, sụn, sườn lợn, sụn gà, bắp trâu có trị giá theo giá niêm yết là 45.870.000 đồng.

Ngày 4/5, Đội QLTT số 5 kiểm tra Cửa hàng Trang sức Vịnh Hạ Long (địa chỉ: Ô 36, Khu đô thị Cảng tàu Tuần Châu, phường Tuần Châu, thành phố Hạ Long) do ông Trần Văn Đức làm chủ; phát hiện, xử lý hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ là thực phẩm gồm: 10,3kg Nhung hươu sấy khô các loại, 16 kg Cỏ khai cúc và 45 kg sâm đá sấy khô; tổng trị giá hàng hóa theo giá niêm yết là 870.320.000 đồng.

Gần 1,2 tấn hoa quả không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Gần 1,2 tấn hoa quả không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Tiêu hủy gần 1,2 tấn hoa quả không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Tiêu hủy gần 1,2 tấn hoa quả không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Ngày 12/5 Đội QLTT số 5 phối hợp với các lực lượng chức năng UBND thành phố Hạ Long và Công an phường Hà Phong kiểm tra Hộ kinh doanh Trần Đức Lương (địa chỉ: Số nhà 110, đường Vũ Văn Hiếu, tổ 37B, khu 4B, phường Hà Phong, thành phố Hạ Long); phát hiện hộ kinh doanh đang bày bán 998 kg thực phẩm đông lạnh (gồm: bì, lòng non, cuống họng, thịt, mỡ, sụn lợn) không rõ nguồn gốc, xuất xứ, có trị giá theo giá niêm yết là 36.379.000 đồng.

Ngày 13/5, Đội QLTT số 4 phối hợp với Đội Cảnh sát giao thông số 3, Phòng Cảnh sát Giao thông Công an tỉnh Quảng Ninh khám xe ô tô biển kiểm soát 14C-142.85 do ông N.Q.T (địa chỉ: Thôn Lục Phủ, xã Bắc Sơn, thành phố Móng Cái, Quảng Ninh) điều khiển, phát hiện trên xe vận chuyển 360kg nầm lợn đông lạnh và 224 kg xúc xích không rõ nguồn gốc, xuất xứ, trị giá gần 50 triệu đồng. Trước đó, ngày 10/5/2025, Đội QLTT số 4 tiến hành khám xe ô tô biển kiểm soát 14C-218.99 do ông Bùi Vĩnh Cương (địa chỉ: Khu 1, phường Ka Long, thành phố Móng Cái, Tỉnh Quảng Ninh) phát hiện trên xe vận chuyển 300 kg lòng lợn sấy khô không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Toàn bộ thực phẩm trên được các đối tượng mua trôi nổi trên thị trường, không có hóa đơn, chứng từ, giấy tờ hợp pháp kèm theo, là thực phẩm không đảm bảo an toàn và được tiêu hủy theo quy định của pháp luật.

Trước đó, trong 3 ngày 22, 23 và 26/4/2025, Đội QLTT số 1 đã chủ động, phối hợp kiểm tra, xử lý 4 vụ vi phạm về an toàn thực phẩm với 6.078 sản phẩm thực phẩm nhập lậu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ trị giá 377.606.000 đồng trong đó có 3 trường hợp kinh doanh hàng hóa nhập lậu trên nền tảng thương mại điện tử qua ứng dụng Facebook.

Lực lượng chức năng Nghệ An phát hiện gần 500kg chân gà, đuôi lợn không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Lực lượng chức năng Nghệ An phát hiện gần 500kg chân gà, đuôi lợn không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Siết chặt kiểm tra thị trường sữa và thực phẩm chức năng

Trước tình trạng sữa giả, thực phẩm chức năng giả xuất hiện tại nhiều địa phương, lực lượng QLTT tỉnh Quảng Ninh đã khẩn trương vào cuộc, tăng cường kiểm tra, kiểm soát nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và đảm bảo an toàn sức khỏe cộng đồng.

Theo thống kê từ Sở Công Thương Quảng Ninh, hiện tỉnh có 133 chợ, 26 siêu thị, 7 trung tâm thương mại, 384 cửa hàng tiện lợi và khoảng 24.000 cửa hàng, hộ kinh doanh bán lẻ thực phẩm. Ngay sau khi xuất hiện thông tin về hàng giả trên thị trường, lực lượng QLTT đã nhanh chóng triển khai các biện pháp kiểm tra diện rộng tại các điểm kinh doanh có dấu hiệu vi phạm.

Ông Lê Trọng Niệm, Phó Đội trưởng Đội QLTT số 5 (Chi cục QLTT tỉnh Quảng Ninh) cho biết, đơn vị đã phát hiện hai vụ vi phạm liên quan đến nguồn gốc xuất xứ sữa, trong đó có những thương hiệu được tiêu thụ phổ biến trên thị trường. "Chúng tôi đã thành lập bốn tổ công tác thường trực 24/24h, liên tục kiểm tra, kiểm soát tại các điểm nóng và các cơ sở kinh doanh sữa, thực phẩm chức năng", ông Niệm nhấn mạnh.

Lực lượng QLTT tỉnh Quảng Ninh cũng tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật, tổ chức ký cam kết với các cửa hàng kinh doanh, đồng thời kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi như buôn bán sản phẩm không rõ nguồn gốc, vi phạm quy định ghi nhãn, hàng nhập lậu…

Bên cạnh lực lượng QLTT, ngành Y tế Quảng Ninh cũng đã thành lập các đoàn kiểm tra chuyên đề tại 927 nhà thuốc, quầy thuốc có kinh doanh thực phẩm chức năng, trong đó tập trung vào nhóm sản phẩm sữa bổ sung dinh dưỡng và các sản phẩm hỗ trợ điều trị. Tính đến thời điểm hiện tại, chưa ghi nhận trường hợp sữa bột giả nào được phát hiện lưu hành trên địa bàn tỉnh.

Tuy nhiên, các lực lượng chức năng vẫn tiếp tục duy trì giám sát thường xuyên, không lơ là, chủ quan. Với sự chủ động, quyết liệt của lực lượng QLTT, tỉnh Quảng Ninh đang thể hiện rõ vai trò là điểm sáng trong công tác ngăn chặn hàng giả, hàng kém chất lượng xâm nhập thị trường, nhất là với các mặt hàng ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe cộng đồng như sữa và thực phẩm chức năng.

Trong thời gian tới, Cục QLTT tỉnh Quảng Ninh sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các ngành liên quan, tăng cường kiểm tra đột xuất, mở rộng giám sát tại các kênh phân phối mới như thương mại điện tử, bán hàng online… nhằm đảm bảo quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng và giữ vững ổn định thị trường.

Nghệ An tiếp tục tăng cường kiểm tra, kiểm soát hàng hóa

Trong “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm”, Chi cục QLTT Nghệ An cũng đã tiến hành kiểm tra đột xuất và liên tiếp phát hiện nhiều hàng hóa vi phạm. Cụ thể, ngày 13/5, Đội QLTT số 3 đã tiến hành kiểm tra đột xuất cơ sở chế biến, kinh doanh măng tươi do ông Lê Đức S. có địa chỉ tại phường Quang Trung, TP. Vinh, tỉnh Nghệ An làm chủ.

Qua kiểm tra, phát hiện tại cơ sở có 600kg măng đã qua sơ chế. Số măng này không có nhãn mác, hóa đơn hay chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp, vi phạm quy định về an toàn thực phẩm. Chủ cơ sở không xuất trình được giấy tờ liên quan. Lực lượng chức năng đã lập biên bản, xử phạt hộ kinh doanh số tiền 12 triệu đồng, đồng thời thời tiến hành tiêu hủy toàn bộ số hàng vi phạm trị giá 12 triệu đồng theo quy định của pháp luật.

Cùng ngày, Đội QLTT số 3 phối hợp với phối hợp với lực lượng chức năng kiểm tra Công ty TNHH xuất nhập khẩu thực phẩm sạch NK và phát hiện gần 350 kg chân gà, 125 kg đuôi lợn đông lạnh. Số hàng hóa được chứa trong các bao tải, không có hóa đơn, chứng từ hợp pháp. Đội QLTT số 3 đã ra Quyết định xử phạt vi phạm hành chính công ty với số tiền 34 triệu đồng. Đồng thời, tịch thu toàn bộ số hàng trên để xử lý theo quy định của pháp luật, tổng giá trị hàng hóa vi phạm gần 26 triệu đồng.

Cũng trong ngày 13/5, Đội QLTT số 11 phối hợp với Phòng Cảnh sát kinh tế - Công an tỉnh Nghệ An đã phát hiện và tạm giữ 3 tấn đường cát nhập lậu. Lực lượng chức năng đã kiểm tra xe tải hiệu THACO mang BKS 74C-xxx do ông Trần Quốc Tuấn (có địa chỉ tại quận Phú Xuân, TP. Huế) điều khiển tại khu vực khu đô thị Cửa Tiền, phường Vinh Tân, TP. Vinh, tỉnh Nghệ An và phát hiện trên xe đang vận chuyển 03 tấn đường cát vàng Thái Lan mang nhãn hiệu BURIRAM SUGAR loại 50kg/bao, trị giá lô hàng là 45 triệu đồng.

Trong thời gian tới, Chi cục QLTT Nghệ An tiếp tục tăng cường kiểm tra, kiểm soát hàng hóa, tập trung các loại hàng là thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm chức năng; ngăn chặn việc sản xuất, kinh doanh thực phẩm giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ, thực phẩm nhập lậu, không đảm bảo chất lượng.

Phát hiện, xử lý gần 1,2 tấn hoa quả không rõ nguồn gốc tại Thái Nguyên

Tiếp tục triển khai thực hiện Kế hoạch “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2025 của Chi cục QLTT tỉnh Thái Nguyên, ngày 12/5, Đội QLTT số 2 (Chi cục QLTT tỉnh Thái Nguyên) đã tiến hành kiểm tra 1 cơ sở kinh doanh hoa quả, phát hiện gần 1,2 tấn hoa quả không rõ nguồn gốc xuất xứ. Tổng trị giá hàng hóa vi phạm là 17.760.000 đồng. Đây là hàng hóa thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, có nguy cơ gây hại cho sức khỏe của người tiêu dùng khi sử dụng.

Đội QLTT số 2 đã ra quyết định xử phạt hộ kinh doanh trên với hành vi vi phạm là kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, số tiền xử phạt là 12 triệu đồng và giám sát việc buộc tiêu hủy toàn bộ số hàng hóa vi phạm trên theo quy định.

Phan Đức

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/kinh-te/quang-ninh-xu-ly-56-vu-vi-pham-an-toan-thuc-pham-tieu-huy-hang-gan-1-7-ty-dong-i768340/
Zalo