Quảng Ninh xin ý kiến Ban Bí thư về Đề án Khu kinh tế Vân Đồn
Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh đã họp và thống nhất trình xin ý kiến Ban Bí thư về Đề án xây dựng cơ chế, chính sách thí điểm phát triển Khu kinh tế Vân Đồn.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh vừa họp, nghe và cho ý kiến về một số vấn đề. Trong đó có quy hoạch một số phân khu của TP Hạ Long, đặc biệt là dự thảo tờ trình và đề án xây dựng cơ chế, chính sách thí điểm phát triển Khu Kinh tế Vân Đồn trình xin ý kiến Bộ Chính trị.
Theo đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy thống nhất trình xin ý kiến Ban Bí thư về Đề án xây dựng cơ chế, chính sách thí điểm phát triển Khu kinh tế Vân Đồn.

Quảng Ninh thống nhất xin ý kiến Ban Bí thư về Đề án Khu kinh tế Vân Đồn.
Cụ thể, Ban Thường vụ Tỉnh ủy sẽ báo cáo và đề nghị Thường trực Ban Bí thư Trung ương bổ sung vào chương trình công tác của Bộ Chính trị và đề nghị Bộ Chính trị cho phép tỉnh Quảng Ninh chủ trì, phối hợp với một số bộ, ngành Trung ương để xây dựng, hoàn thiện “Đề án xây dựng cơ chế, chính sách thí điểm phát triển Khu kinh tế Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh” để báo cáo cấp có thẩm quyền theo quy định.
Khu kinh tế Vân Đồn được Thủ tướng Chính phủ thành lập vào năm 2007 và điều chỉnh quy hoạch chung vào năm 2020.
Khu kinh tế này được định hướng là khu kinh tế biển đa ngành, đa lĩnh vực, du lịch biển - đảo cao cấp, dịch vụ tổng hợp; là cửa ngõ giao thương quốc tế để tạo ra những sản phẩm độc đáo, khác biệt, hiện đại với chất lượng cao, có thương hiệu và khả năng cạnh tranh quốc tế…
Chính phủ đã giao tỉnh Quảng Ninh chủ trì phối hợp với các bộ, ngành triển khai thực hiện Đề án Xây dựng cơ chế, chính sách thí điểm phát triển Khu kinh tế Vân Đồn.
UBND tỉnh Quảng Ninh sau đó đã thành lập tổ công tác triển khai lập đề án; triển khai rà soát, cập nhật thông tin về hiện trạng phát triển Khu kinh tế Vân Đồn để cập nhật vào nội dung đề án; kết nối với các nhóm chuyên gia và học hỏi kinh nghiệm phát triển của một số địa phương để xây dựng dự thảo đề cương.
Trên cơ sở đề cương đề án, đã hai lần thực hiện lấy ý kiến các sở, ngành tham gia vào các cơ chế chính sách đặc thù về: nhóm cơ chế chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư; nhóm cơ chế chính sách về thẩm quyền và thủ tục hành chính; nhóm cơ chế chính sách về mô hình tổ chức, bộ máy.