Quảng Ninh xác định kinh tế biển là động lực phát triển quan trọng

Với ưu thế cạnh tranh nổi trội so với các địa phương khác trong khu vực, kinh tế biển được Quảng Ninh xác định là động lực quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh giai đoạn đến năm 2030.

Phát triển Quảng Ninh trở thành trung tâm kinh tế biển mạnh

Năm 2019, Tỉnh ủy Quảng Ninh đã phê duyệt một nghị quyết riêng về phát triển cảng biển và dịch vụ cảng biển (Nghị quyết số 15-NQ/TU). Mục tiêu của nghị quyết này là đưa tỉnh Quảng Ninh thành một trong những trung tâm kinh tế biển hàng đầu của cả nước, đồng thời đóng vai trò là cửa ngõ và động lực cho sự phát triển của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, liên kết với hệ thống cảng biển nước sâu. Các địa phương trọng tâm trong chiến lược này gồm Hạ Long, Cẩm Phả, Móng Cái, Quảng Yên, Vân Đồn, Cô Tô, và Hải Hà.

Sau khi Nghị quyết 15 được ban hành, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh đã nhanh chóng thành lập Ban Chỉ đạo phát triển cảng biển và dịch vụ cảng biển cho giai đoạn đến năm 2025, với tầm nhìn mở rộng đến năm 2030.

Từ năm 2019 đến tháng 6/2024, tổng lượng khách du lịch biển đảo tại Quảng Ninh đạt 43,3 triệu lượt. Ảnh: Tiến Dũng.

Từ năm 2019 đến tháng 6/2024, tổng lượng khách du lịch biển đảo tại Quảng Ninh đạt 43,3 triệu lượt. Ảnh: Tiến Dũng.

Đến nay, qua 5 năm thực hiện Nghị quyết, chiến lược phát triển kinh tế biển của Quảng Ninh đã có những bước tiến rõ rệt, đạt được nhiều kết quả khả quan. Cụ thể, tổng doanh thu từ dịch vụ cảng biển trong giai đoạn 2019-2023 đã vượt 14.840 tỷ đồng, tỷ trọng đóng góp của dịch vụ này vào GRDP của tỉnh đạt khoảng 0,49%, tăng 0,07% so với năm 2018. Từ 2019 đến tháng 6/2024, tổng lượng khách du lịch đến Quảng Ninh đạt 64,75 triệu lượt, trung bình mỗi năm đạt khoảng 12,95 triệu lượt. Lượng khách du lịch biển đảo ghi nhận đạt 43,3 triệu lượt, vượt 184% so với kế hoạch và mục tiêu đề ra cho năm 2025 trong nghị quyết.

Ngoài ra, nhiều khách sạn đạt tiêu chuẩn 4-5 sao cùng các sản phẩm du lịch đa dạng, chất lượng cao liên quan đến du lịch biển đảo đã được đầu tư và đưa vào hoạt động, với việc phát huy giá trị của di sản và kỳ quan thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long.

Quy mô ngành kinh tế hàng hải ngày càng gia tăng, chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong giá trị gia tăng của kinh tế biển Quảng Ninh. Tổng sản lượng hàng hóa thông qua cảng 5 năm (2019-2023) đạt 627,7 triệu tấn; bình quân đạt 124,1 triệu tấn/năm, vượt mục tiêu đến năm 2025.

Đồng thời, ngành thủy sản cũng đã có sự phát triển toàn diện, bao gồm nuôi trồng, khai thác và chế biến. Ngành công nghiệp ven biển được thúc đẩy theo hướng bền vững với việc ứng dụng công nghệ hiện đại nhằm nâng cao năng suất và bảo vệ môi trường, qua đó tăng cường tỷ trọng công nghiệp chế biến và chế tạo.

Hơn nữa, hệ thống hạ tầng phục vụ cho phát triển kinh tế biển đang được cải thiện liên tục. Từ năm 2019, tỉnh đã chủ động mở rộng các cơ chế tạo thuận lợi để thu hút đầu tư vào hạ tầng cảng biển. Nhiều dự án hạ tầng quan trọng như Bến cảng cao cấp Ao Tiên, Cảng khách quốc tế Hòn Gai, và Bến Cảng tổng hợp Vạn Ninh đã được triển khai.

Bên cạnh đó, Quảng Ninh đã quy hoạch các khu chức năng, dịch vụ nhà hàng, và trung tâm mua sắm hiện đại tại những cảng khách quốc tế như Tuần Châu và cảng Hòn Gai, cùng với Sân bay quốc tế Vân Đồn. Hiện tại, tỉnh đang tiến hành 6 dự án đầu tư cho phát triển cảng biển và dịch vụ hậu cần, logistics, với diện tích quy hoạch lên tới 6.956 ha ở khu kinh tế ven biển Quảng Yên.

Vẫn còn nhiều tiềm năng chưa khai thác

Mặc dù đã đạt được một số kết quả tích cực, song sự phát triển kinh tế biển của tỉnh Quảng Ninh vẫn chưa thể phát huy hết với tiềm năng và lợi thế sẵn có. Đặc biệt trong lĩnh vực logistics, cảng biển, khai thác thủy sản và phát triển du lịch biển đảo. Một phần nguyên nhân là do tác động nặng nề của dịch bệnh Covid-19 đối với nền kinh tế toàn cầu. Hơn nữa, các quy định về hành lang pháp lý liên quan đến hàng hải và cảng biển còn thiếu sót; nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực cảng biển và dịch vụ liên quan cũng đang khan hiếm.

Bên cạnh đó, việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng hàng hải cần một lượng vốn lớn, trong khi các cơ chế và chính sách của tỉnh hiện tại chưa đủ mạnh để thu hút những doanh nghiệp lớn tham gia vào các lĩnh vực kinh tế biển, đặc biệt là cảng biển, dịch vụ cảng biển và logistics.

Hệ thống hạ tầng phục vụ cho phát triển kinh tế biển đang được Quảng Ninh cải thiện liên tục.

Hệ thống hạ tầng phục vụ cho phát triển kinh tế biển đang được Quảng Ninh cải thiện liên tục.

Tại lễ tổng kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 15-NQ/TU, bà Trịnh Thị Minh Thanh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Quảng Ninh, khẳng định: "Được sự quan tâm chỉ đạo của Trung ương, nỗ lực của cả hệ thống chính trị toàn tỉnh, sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TU, kinh tế cảng biển và dịch vụ cảng biển của Quảng Ninh đã cơ bản phát triển đúng hướng, bước đầu đã đạt được những kết quả khả quan. Đây là tiền đề quan trọng để tới đây tỉnh Quảng Ninh tiếp tục thực hiện mục tiêu về phát triển kinh tế biển".

Trong thời gian tới, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh đã thống nhất sẽ xây dựng, ban hành Nghị quyết mới về phát triển nhanh, bền vững kinh tế biển tỉnh Quảng Ninh thay thế Nghị quyết 15. Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh Quảng Ninh sẽ là cơ quan chỉ đạo tham mưu xây dựng đề án, tờ trình, dự thảo nghị quyết mới. Đề án sẽ đảm bảo hài hòa giữa phát triển chung của tỉnh, môi trường đầu tư kinh doanh, phù hợp với thẩm quyền phân cấp quản lý giữa Trung ương và địa phương. Đồng thời, đề án cũng sẽ nghiên cứu những vấn đề phát sinh sau cơn bão số 3. Quá trình xây dựng đề án sẽ trưng cầu ý kiến của các nhà khoa học, chuyên gia, hoặc tổ chức các hội thảo.

Trong thời gian chưa ban hành Nghị quyết mới, các cấp ủy Đảng, cơ quan, đơn vị, địa phương tại Quảng Ninh sẽ tiếp tục triển khai thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, giải pháp đã đề ra trong Nghị quyết 15. Trong đó, yêu cầu người đứng đầu cấp ủy, tổ chức Đảng, địa phương và các cơ quan chức năng, thành viên Ban Chỉ đạo thực hiện Nghị quyết 15 phải tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ được phân công và nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước, công tác tác kiểm tra, giám sát, đồng thời, tiếp tục nâng cao năng lực quản lý, khai thác tối đa công suất của các bến cảng hiện hữu; đẩy nhanh tiến độ đầu tư Bến cảng tổng hợp Vạn Ninh và phát triển dịch vụ xếp dỡ hàng hóa tại các khu neo đậu, chuyển tải hàng hóa và dịch vụ kho bãi.

Để tiếp tục phát huy hết thế mạnh của biển, hiện tỉnh Quảng Ninh đang tập trung rà soát, hiện thực hóa các quy hoạch và có định hướng dài hơi cho phát triển. Trong đó, chú trọng kêu gọi thu hút đầu tư và hỗ trợ đầu tư hạ tầng cảng biển và đầu tư hoàn thiện hạ tầng giao thông kết nối để làm cơ sở thu hút đầu tư ngoài ngân sách cho lĩnh vực này, đồng thời, nâng cao chất lượng, dịch vụ cảng biển.

Tiến Dũng

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/quang-ninh-xac-dinh-kinh-te-bien-la-dong-luc-phat-trien-quan-trong-161075.html
Zalo