Quảng Ninh triển khai đề án khôi phục, tái thiết kinh tế sau bão
Để sớm khắc phục thiệt hại sau bão, khôi phục hoạt động sản xuất, tái thiết các công trình xây dựng, tài sản, cơ sở vật chất bị thiệt hại… UBND tỉnh Quảng Ninh đang chỉ đạo các đơn vị liên quan xây dựng đề án khôi phục, tái thiết kinh tế.
Bão số 3 có sức tàn phá lớn, với cường độ rất mạnh đã đổ bộ vào các tỉnh miền Bắc nước ta, gây thiệt hại nghiêm trọng cho nhiều người dân, tổ chức, đơn vị và doanh nghiệp. Tại Quảng Ninh, theo thống kê sơ bộ đến ngày 18/9, thiệt hại trên địa bàn tỉnh ước tính trên 24.200 tỷ đồng.
Điển hình, Quảng Ninh có trên 434.000ha rừng và đất lâm nghiệp, chiếm đến 70% tổng diện tích đất tự nhiên ở địa phương, độ che phủ đạt gần 55%. Tuy nhiên, bão số 3 đã khiến 117.311,8ha rừng trong tỉnh bị hư hỏng, cây gãy đổ, ước tính tổng thiệt hại trên 5.000 tỷ đồng.
Với mục tiêu cấp bách nhằm tái thiết các công trình xây dựng, tài sản, cơ sở vật chất bị thiệt hại, khôi phục mạnh mẽ hoạt động sản xuất của các ngành, các khu vực kinh tế… UBND tỉnh Quảng Ninh đã giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp tham mưu thành lập Tổ công tác do Chủ tịch UBND tỉnh làm Tổ trưởng để xây dựng đề án khôi phục, tái thiết kinh tế sau cơn bão số 3, báo cáo UBND tỉnh trước ngày 25/9.
Nội dung đề án sẽ hướng đến những nhiệm vụ cần triển khai trước mắt và lâu dài của tỉnh Quảng Ninh.
Trọng tâm là thực hiện các chính sách hỗ trợ nhà ở cho người dân bị hư hại; sử dụng nguồn lực đầu tư công và các nguồn lực xã hội khác để đầu tư tái thiết, xây dựng lại các công trình cơ sở hạ tầng, các công trình để ứng phó với biến đổi khí hậu, các nhà máy, xí nghiệp, các cơ sở sản xuất kinh tế, thu xếp việc làm và ổn định đời sống nhân dân…
Bên cạnh đó, nghiên cứu các giải pháp để tối ưu, nâng cao hiệu quả hơn nữa trong phát triển các ngành, lĩnh vực thế mạnh của tỉnh. Như du lịch có thể phát triển đội tàu du lịch, đầu tư nâng cao chất lượng các điểm thu hút khách du lịch...; khai thác than có thể đầu tư khai thác xuống sâu, công nghệ sản xuất chế biến than...
Chủ động nắm bắt thời cơ để khắc phục những điểm yếu trong phát triển kinh tế của địa phương trong thời gian qua như: Áp dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ mới, loài nuôi mới vào nuôi trồng thủy sản; lập lại quy hoạch 3 loại rừng, cơ cấu lại các loại cây trồng trong phát triển lâm nghiệp; tăng cường thu hút đầu tư công nghiệp chế biến, chế tạo, giá trị gia tăng cao, công nghiệp bán dẫn...