Quảng Ninh: Thắng lợi vụ hè-thu

Mặc dù chịu ảnh hưởng bởi diễn biến bất thường của thời tiết nhưng nhờ sự chủ động về giống, nguồn nước và phòng trừ sâu bệnh kịp thời, nông dân huyện Quảng Ninh vẫn có một vụ hè-thu thắng lợi, cây trồng được mùa, năng suất cao.

Lúa hè-thu đạt năng suất cao

Vụ hè-thu năm nay, xã Vĩnh Ninh gieo trồng các bộ giống chủ lực gồm HT1, HN6… với tổng diện tích hơn 338ha.

Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Ninh Nguyễn Đức Phùng cho biết, để bảo đảm cho vụ mùa thắng lợi, UBND xã đã tập trung chỉ đạo đưa các bộ giống lúa có năng suất, chất lượng cao, khả năng chống chịu, kháng sâu bệnh vào sản xuất phù hợp với từng đồng đất. Các thôn, hợp tác xã (HTX) dịch vụ nông nghiệp chủ động cung ứng giống, phân bón và các khâu vật tư nông nghiệp cần thiết cho bà con nông dân; đồng thời vận động bà con áp dụng phương pháp sản xuất thâm canh lúa cải tiến SRI nhằm tiết kiệm chi phí sản xuất. Nhờ nguồn nước tưới bảo đảm, nông dân tích cực chăm bón, phòng trừ sâu bệnh nên cây lúa phát triển tốt. Vụ hè-thu năm nay được mùa hơn so với những năm trước, năng suất đạt 56,5 tạ/ha, sản lượng đạt khoảng 1.910 tấn (tăng gần 95 tấn so với vụ hè-thu năm 2023).

Nông dân được mùa vụ hè-thu.

Nông dân được mùa vụ hè-thu.

Vụ mùa năm nay, xã Vĩnh Ninh đã thực hiện thí điểm sản xuất lúa theo quy trình VietGAP tại HTX Sản xuất, kinh doanh, dịch vụ nông nghiệp Vĩnh Trung. Trên diện tích 20ha, HTX đã phối hợp với Công ty TNHH MTV Giống cây trồng Quảng Bình thực hiện chuỗi liên kết và tiêu thụ sản phẩm lúa HT1. Tham gia chuỗi liên kết, người dân chỉ tập trung sản xuất còn công ty cung ứng giống, phân bón và tiêu thụ sản phẩm cho bà con. Nhờ chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật nên năng suất đạt cao từ 58-60 tạ/ha. Từ diện tích thí điểm này, Vĩnh Ninh sẽ tiến tới nhân rộng diện tích sản xuất theo quy trình VietGAP để tăng năng suất, sản lượng và chất lượng, hướng tới sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị.

Vụ hè-thu năm 2024, xã Lương Ninh gieo trồng hơn 172ha lúa, với các giống lúa chủ yếu, như: HN6, HG12, TBR1… Phó Chủ tịch UBND xã Lương Ninh Lê Ngọc Thể cho biết, để vụ hè-thu đạt năng suất, chất lượng cao, UBND xã đã tập trung tuyên truyền người dân tuân thủ lịch thời vụ, đưa giống chất lượng cao vào sản xuất; gieo đồng vùng, đồng giống, tạo thuận lợi trong công tác chăm sóc và thu hoạch. Nhờ chủ động nguồn nước tưới tiêu cho sản xuất lúa, bảo đảm phòng trừ sâu bệnh kịp thời, đúng thời điểm nên lúa phát triển tốt, năng suất cao với hơn 58,8 tạ/ha, sản lượng đạt hơn 1.000 tấn.

Theo Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Quảng Ninh Trần Đức Thuận, ngay sau khi hoàn thành thu hoạch vụ đông-xuân, bà con nông dân đã bắt tay vào sản xuất vụ hè-thu. Nông dân huyện đã tích cực áp dụng phương pháp cải tiến thâm canh SRI, giảm lượng giống lúa gieo trên một đơn vị diện tích để vừa tiết kiệm chi phí sản xuất, hạn chế sâu bệnh vừa nâng cao năng suất thu hoạch. Nhờ tập trung chỉ đạo sản xuất đúng lịch thời vụ, đưa các giống mới có năng suất cao, chất lượng tốt vào sản xuất, nông dân đã tập trung đầu tư thâm canh, áp dụng quy trình kỹ thuật vào chăm sóc nên cây lúa phát triển tốt. Đây được xem là vụ mùa thắng lợi, cây trồng được mùa, năng suất cao. Nhiều địa phương đạt năng suất trên 60 tạ/ha, như: Xuân Ninh, An Ninh, Gia Ninh…

Chủ động sản xuất vụ đông-xuân

Thắng lợi về năng suất, sản lượng ở vụ hè-thu là động lực để huyện Quảng Ninh quyết tâm cho vụ đông-xuân năm 2024-2025. Theo kế hoạch, vụ mùa này, huyện sản xuất 5.200ha lúa, 200ha ngô, 100ha khoai lang, 350ha sắn, 250ha lạc...

Vụ hè-thu năm 2024, huyện Quảng Ninh sản xuất 3.514ha lúa, năng suất 57,66 tạ/ha, sản lượng 20.266 tấn; diện tích lúa tái sinh 532ha, sản lượng 510 tấn; diện tích sắn 328ha, sản lượng đạt 6.500 tấn; lạc 80ha, sản lượng ước 160 tấn... Tổng sản lượng lương thực vụ hè-thu trên địa bàn huyện đạt 20.818 tấn, tăng 2.027 tấn so với cùng kỳ.

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Quảng Ninh Trần Đức Thuận cho biết, để bảo đảm sản xuất vụ đông-xuân thắng lợi, huyện sẽ quy hoạch vùng sản xuất phù hợp với từng loại giống, vùng thâm canh lúa chất lượng cao; gắn sản xuất với chế biến, tạo thương hiệu cho sản phẩm hàng hóa nông sản ở địa phương; tập trung đưa các giống có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất phù hợp với từng chân đất, tăng tỷ lệ sử dụng giống xác nhận trên 60%; giảm lượng giống gieo trên đơn vị diện tích, lúa thuần chỉ nên gieo 5kg/sào, nhằm tiết kiệm chi phí và nâng cao hiệu quả sản xuất.

Huyện cũng tập trung chỉ đạo gieo cấy đúng lịch thời vụ, ưu tiên cơ cấu các giống trung và ngắn ngày có năng suất, chất lượng, như: TBR1, VNR20, lúa lai, QS88... vào sản xuất nhằm tránh thiệt hại do thời tiết mưa rét đầu vụ gây ra, nhất là diện tích thấp trũng các xã: Gia Ninh, Tân Ninh, An Ninh, Vạn Ninh, Võ Ninh; chủ động công tác dự tính dự báo chính xác để phòng trừ kịp thời, chủ động xây dựng phương án phòng trừ sâu, bệnh ngay từ đầu vụ, đặc biệt công tác diệt chuột, ốc bươu vàng, bệnh đạo ôn...

Các địa phương tiếp tục vận động nhân dân cải tạo đồng ruộng, tăng cường đầu tư thâm canh ở các xã: An Ninh, Vạn Ninh, Tân Ninh, Xuân Ninh, Gia Ninh...; tích cực áp dụng kỹ thuật thâm canh lúa cải tiến vào sản xuất, tăng cường đầu tư thâm canh, đa dạng hóa sản phẩm để nâng cao giá trị trên đơn vị diện tích; tăng cường liên kết với các doanh nghiệp, đẩy mạnh thực hiện cánh đồng mẫu lớn. Các chi nhánh thủy nông phối hợp với các địa phương để chủ động kiểm tra nguồn nước, xây dựng kế hoạch tưới, tiêu hợp lý ngày từ đầu năm; rà soát lại khả năng điều tiết nước của kênh tưới từ hồ Rào Đá để chủ động nguồn nước sản xuất.

Lan Chi

Nguồn Quảng Bình: https://www.baoquangbinh.vn/kinh-te/202409/quang-ninh-thang-loi-vu-he-thu-2220836/
Zalo