Quảng Ninh tập trung phòng chống bão số 2, hơn 3000 du khách ở lại trên các đảo

Trước diễn biến của bão số 2 (Bão Prapiroon), các địa phương của tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức di chuyển khách về đất liền đảm bảo an toàn. Hiện còn hơn 3000 du khách ở lại trên các tuyến đảo của Quảng Ninh.

Trước diễn biến của bão số 2 (Bão Prapiroon), các địa phương ở Quảng Ninh đã chủ động, khẩn trương triển khai các phương án ứng phó, tổ chức di chuyển khách về đất liền đảm bảo an toàn.

Để ứng phó với cơn bão số 2 và hoàn lưu sau bão có khả năng diễn biến phức tạp, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn thị xã Quảng Yên, Quảng Ninh tổ chức triển khai công tác phòng chống cơn bão số 2 (Prapiroon).

Bộ đội Biên phòng Quảng Ninh đang tuần tra, yêu cầu các chủ tàu di chuyển phương tiện vào nơi tránh trú bão.

Bộ đội Biên phòng Quảng Ninh đang tuần tra, yêu cầu các chủ tàu di chuyển phương tiện vào nơi tránh trú bão.

Theo đó, các cuộc họp không cần thiết buộc phải dừng để tập trung triển khai các biện pháp phòng chống bão số 2 theo các chỉ đạo của Trung ương, Tỉnh ủy, UBND tỉnh. Tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, tập trung cao nhất công tác phòng chống cơn bão số 2, gắn trách nhiệm của người đứng đầu.

Chính quyền thị xã Quảng Yên ra thông báo yêu cầu chủ các phương tiện đang hoạt động trên biển biết vị trí và diễn biến của bão để chủ động về nơi tránh trú, không đi vào vùng nguy hiểm; chỉ đạo, đôn đốc gia cố lại các lồng bè nuôi trồng thủy sản, chủ động đưa người tại các khu sản xuất trên biển lên bờ (ưu tiên phụ nữ, người già, trẻ nhỏ lên trước). Mọi hoạt động này hoàn thành trước 16 giờ ngày 22/7/2024, yêu cầu liên lạc kết nối với tất cả các chủ tàu thuyền, các đầm, chòi đang nuôi trồng thủy sản di chuyển vào đất liền. Yêu cầu các đơn vị quản lý hồ chứa chủ động theo dõi mực nước hồ, sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn hồ chứa trong tình huống mưa sau bão.

Các xã, phường của Quảng Yên khẩn trương thực hiện ngay các biện pháp phòng chống bão theo phương châm "3 trước - 4 tại chỗ", tổ chức thông tin cho người dân biết về diễn biến bã, căn cứ tình hình thực tế và khả năng ảnh hưởng của bão, mưa lũ để người dân chủ động kịp thời ứng phó. Rà soát địa bàn, các khu vực xung yếu, sẵn sàng lực lượng, phương tiện cho phương án di dân tới nơi an toàn khi cần.

Ban Chỉ huy Quân sự, Công an thị xã chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, đảm bảo triển khai hỗ trợ các địa phương, đơn vị khi có yêu cầu. Đối với các công trường đang thi công các dự án, yêu cầu các chủ đầu tư, nhà thầu rà soát kiểm tra không để công nhân, người lao động ở lại các lán trại trên các khu vực đất yếu, gần sông biển đảm bảo tuyệt đối an toàn về người và tài sản.

Tại huyện Vân Đồn, tính đến 13 giờ ngày 22/7/2024, đã có 1.526 phương tiện tàu cá của các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Vân Đồn được kêu gọi và nắm được thông tin để di dời vào các nơi tránh trú an toàn; 618 nhà bè nuôi trồng thủy sản (NTTS) đã được chính quyền các địa phương thông tin và yêu cầu hoàn thành việc gia cố, chằng chống trước 16h ngày 22/7; đồng thời, chuẩn bị sẵn sàng sơ tán người già, trẻ em lên bờ.

Huyện Vân Đồn cũng đã di dời được 400/700 người lên bờ.

Huyện Vân Đồn cũng đã di dời được 400/700 người lên bờ.

Các phương tiện vận chuyển khách phục vụ các tuyến đảo đã chủ động tránh trú tại các bến Cảng an toàn.

Các phương tiện vận chuyển khách phục vụ các tuyến đảo đã chủ động tránh trú tại các bến Cảng an toàn.

Huyện Vân Đồn cũng đã di dời được 400/700 người lên bờ, số người còn trên bè trông coi NTTS là 300 người, đã ký cam kết với các địa phương trong chiều nay (22/7) di dời toàn bộ người lao động và chủ các nhà bè, tàu xi măng lên bờ. Cùng với đó, 81 phương tiện vận chuyển khách phục vụ các tuyến đảo đã chủ động tránh trú tại các bến Cảng cao cấp Ao Tiên, khu tránh trú bão Cảng Cái Rồng, Quan Lạn, Minh Châu, Thắng Lợi, Ngọc Vừng, Bản Sen an toàn.

Hiện, huyện Vân Đồn còn 1.002 khách du lịch đang trên đảo, trong đó xã Minh Châu 489 khách; Quan Lạn 479 khách; Ngọc Vừng 34 khách. Toàn huyện có 25 công trình hồ đập đã được các địa phương, đơn vị quản lý chủ động, lập phương án trong tình huống khẩn cấp đối với các hồ chứa trên địa bàn quản lý.

Huy động tất cả các lực lượng, tập trung thực hiện tốt phương châm 3 trước (chủ động phòng chống trước, phát hiện xử lý trước, phương tiện, vật tư chuẩn bị trước) và "4 tại chỗ" (lực lượng, chỉ huy, phương tiện, hậu cần tại chỗ). Chủ động rà soát hệ thống đê điều, các khu vực xung yếu, có nguy cơ sạt trượt, ngập lụt cao, triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người và tài sản trong mọi tình huống. Đồng thời, tổ chức trực canh 24/24 giờ nhằm hạn chế thấp nhất các thiệt hại do mưa, bão gây ra.

Cùng ngày (22/7), các địa phương của tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức di chuyển khách về đất liền đảm bảo an toàn. Đối với một số du khách có nhu cầu ở lại tuyến đảo, Sở Du lịch và địa phương đã chỉ đạo các doanh nghiệp du lịch tổ chức đón tiếp chu đáo.

Theo thông tin từ Cảng vụ đường thủy Nội địa và Sở Du lịch Quảng Ninh, hiện có 3.512 khách du lịch trên các tuyến đảo ở Quảng Ninh.

Hiện trên địa bàn toàn tỉnh có 398 tàu du lịch đang hoạt động bình thường và sẽ hoàn thành việc di chuyển về nơi tránh trú trong chiều tối nay.

Tàu bè vào nơi tránh trú bão khu vực cảng Cái Rồng huyện Vân Đồn, Quảng Ninh.

Thế Nam

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/quang-ninh-tap-trung-phong-chong-bao-so-2-hon-3000-du-khach-o-lai-tren-cac-dao-169240722163349442.htm
Zalo