Quảng Ninh tập trung chuyển đổi số, phát triển kinh tế số

Với mục tiêu đến năm 2025, kinh tế số sẽ chiếm 25% trong GRDP và đến năm 2030 chiếm 30%, tỉnh Quảng Ninh đang thúc đẩy quá trình ứng dụng các tiện ích số trong phát triển kinh tế.

Chuyển đổi số là xu thế phát triển tất yếu

Xác định chuyển đổi số là xu thế phát triển tất yếu của đời sống xã hội, tỉnh Quảng Ninh đã và đang tích cực triển khai chuyển đổi số toàn diện ở cả 3 trụ cột là chính quyền số, kinh tế số, xã hội số. Trong đó, tỉnh Quảng Ninh xác định quan điểm người dân, doanh nghiệp luôn là trung tâm, chủ thể, mục tiêu và động lực của chuyển đổi số; thụ hưởng những tiện ích chuyển đổi số đem lại.

Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của công nghiệp 4.0, nhiều doanh nghiệp của tỉnh Quảng Ninh cũng đã và đang tận dụng thế mạnh của công nghệ, khai thác nền tảng số để gia tăng giá trị kinh doanh, mở rộng đầu ra tiêu thụ sản phẩm. Hiện 100% doanh nghiệp điện, nước, viễn thông tại tỉnh Quảng Ninh đã chuyển đổi sang sử dụng hợp đồng điện tử; 100% doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử.

Cơ quan chức năng hướng dẫn thanh toán không dùng tiền mặt cho người dân ở huyện Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: MĐ.

Cơ quan chức năng hướng dẫn thanh toán không dùng tiền mặt cho người dân ở huyện Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: MĐ.

Thanh toán điện tử đang phát triển khá mạnh trên địa bàn tỉnh. Mô hình chợ 4.0 - thanh toán không dùng tiền mặt được triển khai đến 100% chợ trung tâm tại các huyện, thị xã, thành phố của tỉnh Quảng Ninh.

Riêng sàn thương mại điện tử (TMĐT) OCOP Quảng Ninh tại địa chỉ “https://ocopquangninh.com.vn/” hiện giới thiệu 393/393 sản phẩm OCOP từ 3-5 sao của tỉnh. Nhiều sản phẩm được người tiêu dùng biết đến, tin tưởng sử dụng, như: Miến dong Bình Liêu, trà hoa vàng Ba Chẽ, nước mắm Vân Đồn, nông sản Đông Triều, hải sản Cô Tô, gà Tiên Yên, trứng vịt biển Đồng Rui…

Sàn TMĐT OCOP Quảng Ninh cũng được thiết lập liên kết trên các sàn giao dịch điện tử lớn, đồng thời, tất cả sản phẩm đưa lên sàn TMĐT OCOP Quảng Ninh đều chấp nhận các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt, tạo thuận lợi cho người tiêu dùng trong tất cả các khâu từ lựa chọn sản phẩm, chọn hình thức giao hàng, chọn phương thức thanh toán.

Hoạt động livestream tại Hội chợ OCOP khu vực Đông Bắc - Quảng Ninh 2024. Ảnh: MĐ.

Hoạt động livestream tại Hội chợ OCOP khu vực Đông Bắc - Quảng Ninh 2024. Ảnh: MĐ.

Ngoài ra, để đáp ứng xu hướng mua sắm trực tuyến thông qua các sàn thương mại điện tử, mạng xã hội đang nở rộ, các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, thậm chí người nông dân trên địa bàn tỉnh cũng đã thích ứng nhanh, tự tạo kênh bán hàng riêng của mình, tự đăng các sản phẩm rao bán, livestream bán hàng trực tuyến.

Tỉnh Quảng Ninh đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ có 55% dân số tham gia mua sắm trực tuyến; 50% siêu thị, trung tâm mua sắm, cơ sở phân phối hiện đại, các hộ gia đình và cá nhân sử dụng phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt trong mua sắm, tiêu dùng; có 80% doanh nghiệp có trang thông tin điện tử, thực hiện đặt hàng hoặc nhận đơn đặt hàng thông qua các phương tiện điện tử; 90% các giao dịch mua hàng trên website/ứng dụng TMĐT có hóa đơn điện tử...

Như tại Đại Dực là xã vùng cao của huyện Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh, với 100% người dân là đồng bào dân tộc thiểu số. Mặc dù vẫn còn nhiều khó khăn trong vấn đề xây dựng hạ tầng phục vụ chuyển đổi số, cũng như kỹ năng công nghệ của người dân chưa đồng đều nhưng hiện nay, công nghệ số đã cải thiện nhiều mặt trong đời sống kinh tế - xã hội tại xã.

Anh Lỷ Văn Quạn (thôn Phài Giác, xã Đại Dực) cho biết, nhờ sự hướng dẫn của Tổ chuyển đổi số cộng đồng, anh Quạn đã biết dùng điện thoại thông minh để lập tài khoản trên sàn thương mại điện tử Postmart, đưa nông sản lên sàn để tiêu thụ; có tài khoản ngân hàng để thanh toán trực tuyến không dùng tiền mặt. Hiện sản phẩm “ớt chào mào” của gia đình anh Quạn đã được đánh giá 3 sao và cập nhật lên sàn thương mại điện tử OCOP của tỉnh Quảng Ninh.

"Từ khi được cán bộ thôn, xã hỗ trợ phổ biến kiến thức và tự tìm hiểu về quy trình bán hàng trên sàn thương mại điện tử, sản phẩm ớt của gia đình tôi đã được nhiều người biết đến, đầu ra luôn ổn định, mang lại thu nhập khá" - anh Quạn chia sẻ.

Chuyển đổi số trên tất cả các lĩnh vực

Bên cạnh đó, hiện các địa phương trong tỉnh Quảng Ninh đều thực hiện chi trả qua tài khoản cho các đối tượng hưởng chính sách xã hội. Việc thu ngân sách nhà nước, thanh toán viện phí, học phí, tiền điện nước hàng tháng, các loại phí, lệ phí trong giao dịch thủ tục hành chính, phí tham quan Vịnh Hạ Long cũng thực hiện trực tuyến không dùng tiền mặt.

Cán bộ Ban Quản lý Vịnh Hạ Long xuất hóa đơn trực tuyến cho du khách. Ảnh Dương Hà

Cán bộ Ban Quản lý Vịnh Hạ Long xuất hóa đơn trực tuyến cho du khách. Ảnh Dương Hà

Trong lĩnh vực cung cấp xăng dầu, 100% cơ sở kinh doanh, bán lẻ xăng dầu trên địa bàn tỉnh đã triển khai ít nhất 1 giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt khi thực hiện thanh toán mua bán xăng dầu, như: Thanh toán qua thẻ ngân hàng, QR code, ví điện tử hoặc thẻ xăng dầu.

Hiện số dịch vụ công được cung cấp trực tuyến đã đạt trên 98,5%. Ngoài ra, Quảng Ninh còn là địa phương có tỷ lệ thanh toán trực tuyến qua cổng dịch vụ công quốc gia thuộc hàng đầu cả nước. Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh và 13 trung tâm hành chính công cấp huyện đều đã thực hiện thu phí, lệ phí hoàn toàn không dùng tiền mặt; giúp người dân, doanh nghiệp tiết giảm thời gian, chi phí khi thực hiện các thủ tục hành chính; góp phần nâng cao tính minh bạch, phòng ngừa tiêu cực trong các lĩnh vực quản lý nhà nước, xây dựng nền hành chính hiện đại, liêm chính, vì nhân dân phục vụ.

Trong thời gian tới, nhiệm vụ chuyển đổi số toàn diện sẽ tiếp tục được Quảng Ninh triển khai thực hiện đồng bộ. Trong đó, tỉnh và các sở, ngành chức năng xác định sẽ tiếp tục tập trung ưu tiên cho chuyển đổi số trong các ngành, lĩnh vực trọng điểm được xác định là động lực phát triển, như: Y tế, Giáo dục và Đào tạo, du lịch, công nghiệp, giao thông vận tải, logistics...

Tỉnh Quảng Ninh đang phấn đấu quy tụ 50 doanh nghiệp số, trong đó, ít nhất 3 doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo phát triển sản phẩm, dịch vụ số; tỷ lệ doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nền tảng số đạt trên 50%; tỷ lệ nhân lực lao động kinh tế số trong lĩnh vực lao động đạt trên 2%; 100% hộ kinh doanh cá thể, doanh nghiệp được tiếp cận và có năng lực sử dụng nền tảng số. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 60% doanh nghiệp tại các khu công nghiệp, khu chế xuất ứng dụng các nền tảng số trong quản trị, sản xuất để thay đổi quy trình sản xuất, kinh doanh, tăng năng suất, hiệu quả hoạt động, giảm phát thải…

Tiến Dũng

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/quang-ninh-tap-trung-chuyen-doi-so-phat-trien-kinh-te-so-162074.html
Zalo