Quảng Ninh: Quyết liệt và kịp thời khắc phục thiệt hại sau bão số 3

Với tinh thần 'kỷ luật và đồng tâm', ý chí tự lập, kiên cường vượt khó, cả hệ thống chính quyền cùng các doanh nghiệp, nhân dân trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã tranh thủ từng giờ, thậm chí từng phút để đưa hoạt động sản xuất kinh doanh phục hồi sớm nhất.

Hạ Long thu gom 12.000 tấn rác thải sau bão

Bão số 3 gây thiệt hại nặng đối với TP.Hạ Long, có 4 người tử vong, hơn 200 người bị thương, hàng nghìn nhà tốc mái, hàng trăm hộ phải sơ tán, cơ sở hạ tầng bị hư hỏng nặng nề, hàng chục nghìn ha rừng và cây xanh bị thiệt hại. Tổng thiệt hại ước tính lên đến hàng nghìn tỷ đồng.

TP.Hạ Long triển khai Chiến dịch 7 ngày đêm khắc phục hậu quả bão số 3 từ ngày 9 - 15/9, chia thành 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 (từ ngày 9 - 11/9) tập trung xử lý, dọn dẹp cây xanh, cột điện gãy đổ dọc các tuyến đường chính và trong các khu dân cư, đảm bảo an toàn, giao thông thông suốt và đảm bảo vệ sinh môi trường. Giai đoạn 2 (từ ngày 12 - 15/9) xử lý, khắc phục các thiệt hại về công trình, cơ sở vật chất và các thiệt hại khác, nhằm sớm ổn định đời sống nhân dân, khôi phục sản xuất, kinh doanh và hoạt động du lịch dịch vụ.

Thu gom rác trên Vịnh Hạ Long sau cơn bão số 3. Ảnh: Báo Quảng Ninh

Thu gom rác trên Vịnh Hạ Long sau cơn bão số 3. Ảnh: Báo Quảng Ninh

Trong 7 ngày, thành phố huy động gần 65.000 người, 2.000 phương tiện, lập 541 tổ tình nguyện cắt tỉa hàng chục nghìn cây xanh, dọn dẹp hơn 1.000 tuyến đường, khôi phục trên 90% hệ thống điện, nước, viễn thông và thu gom 12.000 tấn rác. TP.Hạ Long cũng đã hỗ trợ khẩn cấp 14 tỷ đồng cho 33 xã, phường. Hiện 100% trường học đã hoạt động trở lại. Thành phố tiếp tục tập trung dọn dẹp vệ sinh, chỉnh trang đô thị, đánh giá thiệt hại và triển khai các chính sách hỗ trợ, đồng thời thực hiện các dự án phát triển hạ tầng và quản lý đô thị.

Hoạt động du lịch biển đảo được khôi phục ngay sau bão

Để tiếp tục khẳng định điểm đến an toàn, thân thiện, hấp dẫn đối với khách du lịch, các cảng tàu trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh vừa song song triển khai khắc phục hậu quả sau bão, vừa tổ chức đón khách an toàn. Trong 3 ngày mở cửa hoạt động trở lại (từ 13 đến 16/9), Cảng tàu khách quốc tế Tuần Châu đã đón gần 8.000 lượt khách tham quan.

Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long cũng đã tiến hành kiểm tra, rà soát toàn bộ hạ tầng sau bão, từ đó thực hiện đánh giá công tác an toàn và tiến hành tổ chức đón khách du lịch từ ngày 13/9. Sau 3 ngày, cảng đã có hơn 7.000 khách du lịch qua cảng để đi thăm Vịnh Hạ Long. Các hoạt động dịch vụ - du lịch cơ bản khôi phục hoàn toàn như trước thời điểm bão đến.

Tại Cảng Ao Tiên (Vân Đồn), để đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa, thực phẩm, đi lại của nhân dân, du khách ra các tuyến đảo, ngay sau bão cảng đã liên hệ với các phương tiện là những tàu lớn, cấp độ vượt sóng cao để tham gia vào hoạt động vận chuyển. Tuy lượng khách du lịch ra các đảo thời điểm này chưa nhiều nhưng hoạt động đi lại của nhân dân đã rất thuận lợi, những chuyến hàng là nhu yếu phẩm, đồ dùng thiết yếu khắc phục sau bão lần lượt rời cảng để đến Cô Tô, Minh Châu, Quan Lạn…

Từ ngày 13-16/9, Cảng tàu khách quốc tế Tuần Châu đã đón gần 8.000 lượt khách tham quan. Ảnh: Báo Quảng Ninh

Từ ngày 13-16/9, Cảng tàu khách quốc tế Tuần Châu đã đón gần 8.000 lượt khách tham quan. Ảnh: Báo Quảng Ninh

Nỗ lực khôi phục điện, nước và viễn thông

Theo đại diện Điện lực Quảng Ninh, bão số 3 đã gây thiệt hại nặng nề đối với hạ tầng ngành điện. Trên địa bàn tỉnh có tổng số 9 cột 110kv thì có đến 4 cột đổ, 5 cột bị nghiêng; 13 trạm biến áp hư hỏng, hơn 300 cột trung áp bị gãy và nghiêng.

Ngành điện, nước, viễn thông trên địa bàn tỉnh này đã tập trung tối đa nhân lực, làm việc xuyên ngày đêm để khắc phục thiệt hại, sớm cung cấp những điều kiện sinh hoạt thiết yếu cho nhân dân. Hơn 1.000 “người lính áo cam” của Điện lực Quảng Ninh, Tổng Công ty Điện lực miền Bắc và các đơn vị tỉnh bạn đã không quản ngày đêm trên các tuyến đường dây, khôi phục điện sáng cho mọi nhà.

Công ty CP Nước sạch Quảng Ninh đã huy động 100% cán bộ công nhân viên tập trung khắc phục hậu quả bão lụt, sớm khôi phục hoạt động các nhà máy để 100% người dân có nước sạch sử dụng. Đối với những khách hàng quan trọng như bệnh viện, trường học, cơ sở bảo trợ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, Công ty dùng xe téc nước để cung cấp nước kịp thời, không để gián đoạn việc khám chữa bệnh và khắc phục thiệt hại sau cơn bão.

Để sớm đưa dịch vụ viễn thông hoạt động trở lại phục vụ nhân dân trên địa bàn tỉnh, cả 3 doanh nghiệp viễn thông MobiFone, VinaPhone và Viettel đã tập trung lực lượng rà soát, thống kê các điểm, trạm thu phát sóng bị mất kết nối, bị hư hỏng và nhanh chóng tổ chức khắc phục, sửa chữa. Hiện tại các nhà mạng đã khôi phục hoàn toàn hoặc cơ bản khôi phục mạng lưới thông tin liên lạc phục vụ người dân và công tác chỉ đạo, điều hành của Quảng Ninh.

Tập trung dọn vệ sinh môi trường

Công tác vệ sinh môi trường, dọn dẹp hạ tầng, cây xanh đổ gãy cũng được triển khai gấp rút sau khi cơn bão đi qua. Ngay sau bão tan, các công ty môi trường trong toàn tỉnh đã tập trung nhân lực, phương tiện, thiết bị, khẩn trương xử lý các cành cây gãy, thu gom rác, vệ sinh môi trường, giải phóng các tuyến đường giao thông thông suốt, cố gắng đảm bảo cho nhân dân đi lại được thuận tiện. Ngoài những đơn vị phụ trách môi trường, các lực lượng: Quân đội, công an, đoàn viên thanh niên cũng tích cực tham gia thu dọn cây xanh đổ, gãy, chất thải rắn xây dựng trên tuyến đường, địa điểm công cộng.

Tại các khu dân cư, người dân dọn dẹp tại các ngõ xóm, nhà cửa và xung quanh khu vực để ổn định cuộc sống. Các cơ quan, doanh nghiệp huy động cán bộ, nhân viên dọn dẹp trong khuôn viên đơn vị để ổn định công việc, sản xuất. Đặc biệt, trong 2 ngày 14 và 15/9, 13/13 địa phương trong toàn tỉnh đã đồng loạt ra quân dọn vệ sinh môi trường để nhanh chóng đưa cuộc sống sinh hoạt và sản xuất của người dân đi vào trạng thái bình thường.

Công nhân môi trường dọn dẹp tại tuyến đường Lê Thánh Tông (TP.Hạ Long). Ảnh: Báo Quảng Ninh

Công nhân môi trường dọn dẹp tại tuyến đường Lê Thánh Tông (TP.Hạ Long). Ảnh: Báo Quảng Ninh

Mặc dù là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của bão số 3, tuy nhiên với tinh thần hào sảng, nghĩa tình, Quảng Ninh đã xin nhường lại gói hỗ trợ 100 tỷ đồng từ Chính phủ cho các địa phương miền núi phía Bắc khó khăn hơn đang phải chịu ảnh hưởng của thiên tai. Còn với nhân dân tỉnh nhà, Quảng Ninh phân bổ ngay 180 tỷ đồng (đợt 1) để hỗ trợ các địa phương khắc phục thiệt hại sau thiên tai.

Tỉnh Quảng Ninh cũng đang xây dựng, điều chỉnh một số chính sách theo hướng áp dụng tối đa các điều kiện hỗ trợ có lợi cho người dân, tổ chức để ổn định đời sống nhân dân, khôi phục sản xuất. Đồng thời, báo cáo Chính phủ, Bộ, ngành Trung ương có chỉ đạo, hướng dẫn chung đến các địa phương bị thiệt hại, ảnh hưởng bởi bão số 3 như các chính sách: Khoanh nợ, giãn nợ, miễn giảm thuế, phí nghĩa vụ tài chính.

Sông Hồng

Nguồn Kinh tế Môi trường: https://kinhtemoitruong.vn/quang-ninh-quyet-liet-va-kip-thoi-khac-phuc-thiet-hai-sau-bao-so-3-93281.html
Zalo