Quảng Ninh: Phát triển du lịch gắn với cây chè
Lễ hội trà Đường Hoa năm 2024 lần đầu tiên được huyện Hải Hà (Quảng Ninh) tổ chức, dự kiến sẽ diễn ra từ ngày 14-15/9 tại cánh đồng chè thôn 8, xã Quảng Long (huyện Hải Hà).
Chè là cây trồng chủ lực của huyện Hải Hà. Đây cũng là vùng chè lớn nhất của tỉnh Quảng Ninh với khoảng 800ha diện tích trồng chè. Trong đó, nổi tiếng là cây chè Đường Hoa đã có lịch sử phát triển 60 năm tại vùng đất Hải Hà.
Kể từ năm 2018 đến 2023, Ngày hội văn hóa du lịch trà Đường Hoa được xã Quảng Long tổ chức thường niên để quảng bá và tôn vinh những giá trị của thương hiệu trà Đường Hoa.
Năm 2024, sự kiện văn hóa du lịch cấp xã này đã được huyện Hải Hà phát triển và nâng tầm thành Lễ hội trà Đường Hoa với quy mô rộng hơn và nhiều hoạt động thú vị, hấp dẫn hơn. Điều này cho thấy sự quan tâm đặc biệt của huyện đối với thương hiệu trà Đường Hoa nói riêng và cây chè nói chung.
Lễ hội trà Đường Hoa năm 2024 lần đầu tiên được huyện Hải Hà (Quảng Ninh) tổ chức, dự kiến sẽ diễn ra từ ngày 14-15/9 tại cánh đồng chè thôn 8, xã Quảng Long (huyện Hải Hà).
Lễ khai mạc sẽ diễn ra với các hoạt động chính như: Nghi lễ rước nước đầu nguồn, rước cây chè cổ thụ; nghi thức "khởi sinh" tưới nước cho cây chè và trao cây chè giống cho thế hệ trẻ vùng chè; trình diễn nghệ thuật pha trà;...
Phần hội nổi bật với cuộc thi hái chè, sao chè, bình xét chè ngon; giải đua xe đạp và giải chạy tập thể khám phá đồi chè; thi chế biến, giới thiệu món ăn từ hương vị trà xanh; thi đấu bóng chuyền hơi, đẩy gậy, kéo co;...
Trong xuyên suốt 2 ngày diễn ra lễ hội còn có triển lãm ảnh đẹp "Vùng trà Đường Hoa Cương" và không gian giới thiệu, sản phẩm trà Đường Hoa cùng các sản phẩm OCOP của huyện Hải Hà. Nhân dịp này, huyện cũng tổ chức cuộc thi trình diễn trang phục truyền thống và chung kết Giọng hát hay huyện Hải Hà lần thứ II - 2024...
Trao đổi với PV, ông Hoàng Phi Trường, Phó Chủ tịch UBND huyện Hải Hà khẳng định: Thông qua lễ hội, chúng tôi mong muốn từng bước xây dựng các sản phẩm du lịch nông nghiệp, sinh thái đồi chè để phục vụ nhân dân và du khách. Qua đó góp phần phát triển du lịch và thu hút truyền thông, doanh nghiệp lữ hành, nhà đầu tư vào Hải Hà. Đồng thời, đẩy mạnh quảng bá thương hiệu chè Hải Hà, cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp và những nét đẹp văn hóa của nhân dân các dân tộc trong huyện...
Theo thông tin từ Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Hải Hà, hiện toàn huyện có hơn 56 cơ sở lưu trú với hơn 500 phòng, có thể đáp ứng được cho khoảng 2000 khách đến tham quan, nghỉ dưỡng tại đây trong dịp lễ hội diễn ra.
Ngoài các đồi chè, du khách về với Hải Hà còn có nhiều sự lựa chọn khác như: Tham quan, nghiên cứu, trải nghiệm văn hóa dân tộc Dao tại xã Quảng Đức và xã Quảng Sơn; nghỉ dưỡng biển, đảo cao cấp kết hợp chơi golf, tham quan, nghiên cứu sinh thái tại xã đảo Cái Chiên; nghỉ dưỡng hồ trên núi, kết họp vui chơi giải trí cuối tuần và tham quan, trải nghiệm văn hóa cộng đồng tại hồ Trúc Bài Sơn (xã Quảng Sơn)....