Quảng Ninh phấn đấu tăng trưởng kinh tế quý III đạt trên 19,6%

Ngày 17/7/2025, Kỳ họp thứ 29 của Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Ninh khóa XIV, nhiệm kỳ 2021–2026 đã diễn ra thành công sau 2 ngày làm việc (16 và 17/7), với trọng tâm là đánh giá kết quả kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và đề ra các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng mạnh mẽ trong 6 tháng cuối năm 2025.

Trong bối cảnh vẫn còn nhiều thách thức, kinh tế Quảng Ninh đã ghi nhận những dấu hiệu phục hồi tích cực và đầy triển vọng. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) trong 6 tháng đầu năm đạt mức 11,03% – cao nhất kể từ năm 2020.

Một trong những nội dung được tỉnh Quảng Ninh chú trọng là việc đẩy mạnh làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống như công nghiệp, dịch vụ, du lịch, đồng thời tăng tốc phát triển các lĩnh vực mới như kinh tế số, khoa học – công nghệ, đổi mới sáng tạo. Tỉnh cũng quyết tâm giải ngân 100% vốn đầu tư công trong năm 2025, đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm, tạo cú hích cho phát triển hạ tầng, dịch vụ và thương mại.

Tổng thu ngân sách đạt 30.056 tỷ đồng, tương đương 52% dự toán cả năm, phản ánh khả năng điều hành hiệu quả và sự phát triển ổn định của kinh tế địa phương. Môi trường đầu tư tiếp tục được cải thiện mạnh mẽ khi vốn đầu tư ngoài ngân sách tăng gấp 13,4 lần so với cùng kỳ. Cùng với đó, số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng 22%, cho thấy sức hút ngày càng lớn của tỉnh đối với cộng đồng doanh nghiệp và nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Tại kỳ họp lần này, Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh Quảng Ninh đã đặt mục tiêu cho nửa cuối năm 2025, với tăng trưởng GRDP cả năm đạt trên 14%, trong đó quý III dự kiến tăng trên 19,6% và quý IV trên 14,43%. Để hiện thực hóa các chỉ tiêu trên, kỳ họp đã thông qua nhiều nghị quyết quan trọng, tập trung vào các nhóm giải pháp điều hành kinh tế, giải ngân đầu tư công, cải cách hành chính, chuyển đổi số và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên.

Quang cảnh Kỳ họp thứ 29, HĐND tỉnh Quảng Ninh. Ảnh T.D

Quang cảnh Kỳ họp thứ 29, HĐND tỉnh Quảng Ninh. Ảnh T.D

Về chính sách thu hút đầu tư, HĐND tỉnh Quảng Ninh đã thông qua nghị quyết miễn tiền thuê đất đối với các dự án sản xuất, kinh doanh thuộc lĩnh vực hoặc địa bàn ưu đãi đầu tư theo quy định pháp luật. Đây là bước đi cụ thể nhằm khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào các lĩnh vực then chốt, góp phần hình thành các chuỗi giá trị bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh cho nền kinh tế địa phương.

Ngoài ra, danh mục 05 khu đất được lựa chọn để triển khai các dự án thí điểm theo Nghị quyết số 171/2024/QH15 của Quốc hội cũng đã được thông qua, với tổng diện tích hơn 30 ha và tổng vốn đầu tư hàng nghìn tỷ đồng. Các dự án bao gồm tổ hợp chung cư – văn phòng, khu nghỉ dưỡng, khách sạn, dịch vụ thương mại và khu nhà ở đô thị cao cấp, hứa hẹn sẽ góp phần hiện đại hóa diện mạo đô thị và thúc đẩy phát triển các ngành dịch vụ chất lượng cao.

Không chỉ tập trung vào phát triển đô thị và công nghiệp, kỳ họp cũng dành sự quan tâm đáng kể đến khu vực nông nghiệp và lâm nghiệp, với các nghị quyết về hỗ trợ trồng rừng, bảo vệ đất trồng lúa và khôi phục sản xuất vùng bị ảnh hưởng bởi thiên tai. Cụ thể, mức hỗ trợ trồng rừng sản xuất lên tới 15 triệu đồng/ha/chu kỳ, trong khi đó các hộ nông dân bị thiệt hại do thiên tai có thể nhận được hỗ trợ giống, kỹ thuật và thiết bị để khôi phục sản xuất. Các trung tâm giống cây lâm nghiệp đạt chuẩn có thể được hỗ trợ đầu tư lên đến 5 tỷ đồng. Đây là các chính sách thể hiện định hướng phát triển kinh tế toàn diện, hài hòa giữa tăng trưởng và bảo vệ môi trường.

Tuy đạt được nhiều kết quả khả quan, Hội đồng nhân dân tỉnh cũng thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại cần sớm khắc phục. Tăng trưởng GRDP tuy cao nhưng vẫn thấp hơn kịch bản đề ra. Thu hút vốn FDI mới chỉ đạt 17% so với cùng kỳ. Một số sản phẩm công nghiệp chế biến – chế tạo chưa đạt kế hoạch, giải ngân đầu tư công còn chậm. Những điểm nghẽn trong cải cách hành chính, quy trình thủ tục đầu tư và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp vẫn cần sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa từ các cấp chính quyền.

Tỉnh Quảng Ninh đã đặt mục tiêu tăng trưởng GRDP cả năm đạt trên 14%.Ảnh VP Đông Bắc

Tỉnh Quảng Ninh đã đặt mục tiêu tăng trưởng GRDP cả năm đạt trên 14%.Ảnh VP Đông Bắc

Trước thực trạng đó, Hội đồng nhân dân tỉnh nhấn mạnh vai trò giám sát, đồng hành cùng UBND tỉnh trong công tác điều hành và tổ chức thực hiện. Các cấp, các ngành cần nâng cao trách nhiệm, cải tiến quy trình, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, đồng thời đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu để đảm bảo triển khai hiệu quả các nghị quyết đã thông qua. Một điểm mới đáng chú ý tại kỳ họp lần này là chính sách thu hút nhân lực chất lượng cao trong các lĩnh vực khoa học, công nghệ và chuyển đổi số. Theo nghị quyết, công chức, viên chức chuyên trách chuyển đổi số có thể nhận hỗ trợ lên đến 3 triệu đồng/tháng. Đồng thời, tỉnh cũng ban hành chính sách hỗ trợ đào tạo sau đại học cho cán bộ chuyên ngành công nghệ thông tin, với mức hỗ trợ từ 200 đến 400 triệu đồng/người, đặc biệt ưu tiên cho nữ và người dân tộc thiểu số.

Phát biểu bế mạc Kỳ họp thứ 29, HĐND tỉnh khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026, bà Trịnh Thị Minh Thanh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì nhấn mạnh: Các Nghị quyết được thông qua tại kỳ họp là để kịp thời cụ thể hóa chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, tình hình thực tiễn; đồng thời, tạo cơ sở pháp lý để các cấp, các ngành triển khai thực hiện, góp phần hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong năm 2025 và cả giai đoạn 2021 - 2025.

Với tinh thần đổi mới, cầu thị và quyết liệt hành động, kỳ họp thứ 29 của Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Ninh đã khép lại với việc thông qua 26 nghị quyết quan trọng, trong đó nhiều nghị quyết có tác động trực tiếp và lâu dài đến định hướng phát triển kinh tế của tỉnh. Đây sẽ là nền tảng pháp lý và động lực thúc đẩy Quảng Ninh tiếp tục vững vàng trên hành trình trở thành một cực tăng trưởng kinh tế năng động của khu vực miền Bắc và cả nước.

Tiến Dũng

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/quang-ninh-phan-dau-tang-truong-kinh-te-quy-iii-dat-tren-196-180154.html
Zalo