Quảng Ninh: Nhiều diện tích đất nông nghiệp của huyện miền núi Bình Liêu bị khô hạn do thiếu nước

Trong nhiều tháng qua, thời tiết trên địa bàn huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh không mưa, nắng nóng kéo dài đã làm cho mực nước tại một số hồ chứa, kênh mương, suối cạn kiệt. Nhiều nơi không thể cấp nước phục vụ cho nông dân làm đất, gieo cấy vụ chiêm và người dân đang phải đối mặt với việc thiếu lương thực, hoa màu do hạn hán.

Nhiều sông suối trên địa bàn các xã ở huyện Bình Liêu cạn nước ở mức báo động.

Nhiều sông suối trên địa bàn các xã ở huyện Bình Liêu cạn nước ở mức báo động.

Vụ đông xuân năm 2025, toàn huyện Bình Liêu dự kiến gieo trồng hơn 2.000ha, tuy nhiên do thời tiết nắng nóng, hanh khô, cho nên nhiều diện tích đất trồng lúa chưa có nước để thực hiện gieo trồng, những cánh đồng lúa, ngô, dong riềng đang thiếu nước nghiêm trọng.

Gia đình ông Hoàng Dì Thím phải tự kéo dây bơm nước từ suối về tưới cho diện tích lúa mới cấy.

Gia đình ông Hoàng Dì Thím phải tự kéo dây bơm nước từ suối về tưới cho diện tích lúa mới cấy.

Để có nước cày cấy, nhiều gia đình đã tự khắc phục bằng cách kéo đường dây dài hàng trăm mét để bơm nước từ khe suối về ruộng.

Ông Hoàng Dì Thím, ở thôn Phiêng Sáp, xã Đồng Tâm chia sẻ: “Gia đình tôi có hơn 3.000m2 ruộng gieo cấy vụ này, nhưng do thời tiết nắng nóng kéo dài, cho nên không có nước để cấy, do đó, gia đình tôi đã phải lấy vòi bơm nước ở suối lên để cấy; sau 3 ngày bơm nước, hiện gia đình tôi mới cấy được khoảng 2/3 diện tích”.

Nhiều diện tích cấy lúa của thôn Pắc Phe, xã Lục Hồn để không do không có nước để cấy lúa.

Nhiều diện tích cấy lúa của thôn Pắc Phe, xã Lục Hồn để không do không có nước để cấy lúa.

Đến thời điểm này, do không có mưa, mực nước tại các ao hồ, sông, suối đã xuống mức thấp, ảnh hưởng lớn đến việc tưới tiêu và sản xuất nông nghiệp, nhiều diện tích trồng lúa gần như bị bỏ không.

Nhiều diện tích trồng ngô của người dân bị khô héo do thiếu nước.

Nhiều diện tích trồng ngô của người dân bị khô héo do thiếu nước.

Bí thư, Trưởng thôn Phiêng Sáp Phùn Dương Huy cho biết: “Năm nay, thời tiết khắc nghiệt, từ đầu năm đến giờ không có mưa, cho nên rất nhiều hộ gia đình trong thôn không đủ nước để cày cấy. Nhiều gia đình đã phải mua máy bơm và đường ống để bơm nước từ dưới khe suối lên ruộng. Nhiều diện tích dong riềng, ngô của các hộ dân do không có nước tưới nên không thể phát triển được. Thậm chí nhiều hộ gia đình giờ đã phải đi gánh nước ở khe, suối để phục vụ nước sinh hoạt hằng ngày”.

Dự kiến vụ đông xuân năm nay toàn huyện Bình Liêu gieo trồng gần 2.000ha các loại, trong đó diện tích gieo cấy gồm: 481ha lúa, 370ha ngô, 102ha khoai, 88ha sắn, 160ha dong riềng, 174ha lạc, khoai sọ 63ha, rau 227ha, mía 36,5ha, tương 20ha…. Tuy nhiên, đến thời điểm này, do hạn hán kéo dài, toàn huyện mới gieo cấy các loại đạt diện tích thấp và nếu thời tiết còn khô hạn kéo dài thì khả năng mất mùa đối với bà con nông dân trên địa bàn huyện là khó tránh khỏi.

Do nắng nóng, hạn hán dẫn đến nhiều ruộng mạ thiếu nước, ruộng trồng nứt nẻ.

Do nắng nóng, hạn hán dẫn đến nhiều ruộng mạ thiếu nước, ruộng trồng nứt nẻ.

Trước tình hình khô hạn đang diễn ra gay gắt, huyện Bình Liêu đã chỉ đạo các xã, thị trấn tích cực đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân thực hiện các biện pháp tiết kiệm nước và sử dụng hiệu quả nguồn nước hiện có.

Cùng với với đó, người dân cần chủ động thích ứng bằng cách sử dụng các phương pháp tưới tiêu hợp lý, tưới luân phiên, hoặc chuyển đổi sang cây trồng có khả năng chịu hạn tốt hơn.

Lãnh đạo xã Đồng Tâm hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp tưới tiêu tiết kiệm và sử dụng hiệu quả nguồn nước hiện có.

Lãnh đạo xã Đồng Tâm hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp tưới tiêu tiết kiệm và sử dụng hiệu quả nguồn nước hiện có.

Không chỉ huyện miền núi Bình Liêu, mà hiện nay mực nước tại các hồ, sông suối trên địa bàn huyện miền núi Đầm Hà cũng đã xuống thấp và có nơi xuống dưới mực nước chết; dự báo thời gian tới, biến đổi khí hậu sẽ còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ và có diễn biến phức tạp, khó lường.

Chính vì vậy, tỉnh Quảng Ninh đã chỉ đạo các ngành chức năng theo dõi, phối hợp chặt chẽ với các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân cần tiếp tục theo dõi diễn biến thời tiết và chủ động chuẩn bị các phương án đối phó với tình trạng hạn hán kéo dài để giảm thiểu tối đa thiệt hại đến vật nuôi và cây trồng.

QUANG THỌ

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/quang-ninh-nhieu-dien-tich-dat-nong-nghiep-cua-huyen-mien-nui-binh-lieu-bi-kho-han-do-thieu-nuoc-post874122.html
Zalo