Quảng Ninh: Lắng nghe tâm tư của người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số

Ngày 14/10, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Ninh tổ chức hội nghị gặp mặt, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn tỉnh.

Hỗ trợ vùng DTTS tái thiết sau bão số 3

Hội nghị đã cùng lắng nghe các đại biểu là người có uy tín trong đồng bào DTTS trên địa bàn toàn tỉnh bày tỏ tâm tư, nguyện vọng và chia sẻ câu chuyện, kinh nghiệm thực tiễn tại cơ sở. Nổi bật là về vấn đề khắc phục hậu quả và tái thiết cuộc sống sau bão số 3, đặc biệt là ở vùng đồng bào DTTS.

Quang cảnh hội nghị gặp mặt, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người có uy tín trong đồng bào DTTS tỉnh Quảng Ninh.

Quang cảnh hội nghị gặp mặt, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người có uy tín trong đồng bào DTTS tỉnh Quảng Ninh.

Trước những thiệt hại nặng về rừng do cơn bão số 3 vừa qua gây ra, ông Lý Tài Thông, người có uy tín xã Tân Dân (TP Hạ Long) đề nghị: Tỉnh và Trung ương xem xét có cơ chế, chính sách hỗ trợ kinh phí cho các hộ gia đình có rừng tự nhiên đã được Nhà nước giao cho khoanh nuôi quản lý bảo vệ như cơ chế chính sách khoán kinh phí bảo vệ rừng đối với ngành Kiểm lâm và rừng phòng hộ. Bên cạnh đó, sớm hình thành khu chế xuất dược liệu để thúc đẩy và nhân rộng việc phát triển mở rộng, trồng các loại cây dược liệu dưới tán rừng đảm bảo đầu ra cho người dân thực hiện sản xuất có thêm thu nhập...

Các đại biểu là người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số trình bày tâm tư, nguyện vọng tại hội nghị.

Các đại biểu là người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số trình bày tâm tư, nguyện vọng tại hội nghị.

Ông Nình Văn Cun, người có uy tín xã Đại Dực (huyện Tiên Yên) chia sẻ: Do ảnh hưởng của hoàn lưu sau bão, mưa lũ đã gây hư hại cho 4 công trình thủy lợi trên địa bàn huyện Tiên Yên khiến hàng trăm hộ dân lâm vào cảnh ngập lụt, thiệt hại tài sản; ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng cấp tưới nước cho lúa và hoa màu. Trước tình hình thời tiết, thiên tai được dự báo sẽ có những diễn biến phức tạp và khó lường, tôi mong muốn tỉnh quan tâm nâng cấp các công trình thủy lợi, đê điều ứng phó với thiên tai để bà con có thể an tâm sản xuất, nhanh chóng ổn định cuộc sống.

Phát triển du lịch vùng DTTS

Tại hội nghị, các đại biểu cũng đã thẳng thắn chia sẻ, tham góp nhiều ý kiến nhằm phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững Quốc phòng - An ninh vùng đồng bào DTTS.

Trong đó, một số ý kiến nhấn mạnh tính hiệu quả và "lợi ích kép" của việc bảo tồn, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc gắn với phát triển du lịch cộng đồng, nâng cao thu nhập vùng DTTS. Tuy nhiên để phát triển du lịch bền vững vùng DTTS cũng đặt ra không ít khó khăn, thách thức; đòi hỏi sự quan tâm và các cơ chế, chính sách hỗ trợ của các cấp chính quyền.

Từ thực tiễn hoạt động giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Tày ở Bình Liêu để làm du lịch cộng đồng, bà Chu Bích Sen, Bí thư Chi bộ, Trưởng khu Nà Phạ (thị trấn Bình Liêu, huyện Bình Liêu) cho rằng: Cần phải tạo dựng lại được những cộng đồng người Tày (cụ thể là các làng, bản người Tày) với đầy đủ những nét văn hóa đặc sắc, riêng có để tham gia du lịch cộng đồng một cách bền vững, tạo được sự thu hút, hấp dẫn với du khách.

Bà Sen bày tỏ mong muốn rằng: Nhà nước, chính quyền địa phương sẽ có những cơ chế, chính sách khuyến khích và đặc biệt là hỗ trợ các nhóm hộ hoặc bản người Tày xây dựng, cải tạo kiến trúc nhà truyền thống, khôi phục nghề truyền thống, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc... Ví dụ như việc tạo điều kiện để chuyển đổi mục đích sử dụng đất nếu thấy phù hợp và cần thiết để có được những cộng đồng, bản làng đậm chất truyền thống.

Phụ nữ Dao Thanh Y trình diễn nghệ thuật thêu truyền thống và bán các sản phẩm thủ công từ nghề thêu cho du khách tại Mô hình du lịch cộng đồng xóm Gốc Đa, thôn Khe Sú 2.

Phụ nữ Dao Thanh Y trình diễn nghệ thuật thêu truyền thống và bán các sản phẩm thủ công từ nghề thêu cho du khách tại Mô hình du lịch cộng đồng xóm Gốc Đa, thôn Khe Sú 2.

Để phát triển du lịch cộng đồng dân tộc Dao Thanh Y dưới chân non thiêng Yên Tử, ông Đặng Ngọc Hai, Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn Khe Sú 2 (xã Thượng Yên Công, TP Uông Bí) mong muốn: Các cấp có thẩm quyền quan tâm quy hoạch, xây dựng làng du lịch cộng đồng tập trung, đồng bộ và đầu tư mở rộng không gian trưng bày văn hóa dân tộc Dao Thanh Y tại thôn Khe Sú 2 để xứng tầm quy mô nhất là khi Yên Tử trở thành di sản thế giới; tổ chức các lớp tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ làm du lịch cộng đồng cho người dân theo hướng cầm tay chỉ việc;...

Còn theo nguyện vọng của ông Triệu Văn Sáng, Bí thư Chi bộ, Trưởng bản, người có uy tín thôn Thìn Thủ (xã Quảng An, huyện Đầm Hà) thì cần có lớp tập huấn, bồi dưỡng, trang bị kỹ năng sử dụng, khai thác mạng internet hiệu quả để áp dụng chuyển đổi số hỗ trợ phát triển sản xuất, quảng bá du lịch cộng đồng. Nhất là đối với đội ngũ cán bộ chủ chốt và người dân là đồng bào DTTS nòng cốt, trách nhiệm trong tham gia các hoạt động phát triển KT-XH tại mỗi địa phương...

Ghi nhận những ý kiến đóng góp, tâm tư, nguyện vọng của người có uy tín trong đồng bào DTTS tại hội nghị, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Văn Hồi khẳng định: Ủy ban MTTQ tỉnh sẽ tiếp thu ý kiến đóng góp của các đại biểu để tổng hợp và gửi đến các cơ quan, đơn vị có thẩm quyền xem xét, nghiên cứu ban hành và đưa ra các chủ trương, định hướng, giải pháp thiết thực, nhằm cụ thể hóa mong muốn của người dân, trong đó có người dân vùng đồng bào DTTS trong thời gian tới.

Ngọc Anh

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/quang-ninh-lang-nghe-tam-tu-cua-nguoi-co-uy-tin-trong-dong-bao-dan-toc-thieu-so-10292271.html
Zalo