Quảng Ninh kỷ niệm 70 năm ngày Giải phóng vùng Mỏ

Tối 25/4, tại thành phố Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh đã diễn ra Chương trình Kỷ niệm 70 năm Giải phóng vùng Mỏ (25/4/1955 - 25/4/2025), với chủ đề 'Vùng Mỏ bất khuất - Khát vọng hùng cường'.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long (bên phải) tham dự chương trình.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long (bên phải) tham dự chương trình.

Tham dự có Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long, lãnh đạo các bộ, ban ngành Trung ương; lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh, cùng hàng nghìn người dân, du khách.

Chương trình là sự kiện trọng đại nhằm tôn vinh lịch sử đấu tranh cách mạng kiên cường, ghi nhớ công lao của các thế hệ công nhân mỏ và nhân dân vùng Mỏ. Đồng thời, thể hiện lòng biết ơn sâu sắc tới các thế hệ cha anh - những người đã không tiếc máu xương, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân.

Phát biểu tại chương trình, ông Phạm Đức Ấn, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh nhấn mạnh: “Chương trình kỷ niệm khẳng định vị thế quan trọng của tỉnh Quảng Ninh đối với sự phát triển chung của đất nước, qua đó, củng cố niềm tin, niềm tự hào, khích lệ, khơi dậy và phát huy mạnh mẽ giá trị văn hóa, con người Quảng Ninh, tinh thần “Kỷ luật và Đồng tâm”, truyền thống cách mạng, văn hóa, sự năng động và khát vọng đổi mới, sáng tạo, ý chí tự lực, tự cường, vươn lên mạnh mẽ và bền vững của nhân dân các dân tộc tỉnh Quảng Ninh, đồng thời thông qua các hoạt động góp phần quảng bá mạnh mẽ; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, tổ chức trong và ngoài tỉnh có cơ hội gặp gỡ, trao đổi, liên kết, xúc tiến đầu tư; thu hút khách du lịch, góp phần hiện thực hóa mục tiêu thu hút 20 triệu khách du lịch và tăng trưởng 14% GRDP năm 2025”.

Tiết mục văn nghệ tại chương trình.

Tiết mục văn nghệ tại chương trình.

Chương trình đã mang đến cho người dân và du khách những màn biểu diễn nghệ thuật đặc sắc của các nghệ sĩ, diễn viên chuyên nghiệp và không chuyên, thông qua 3 chương (Ký ức vùng Mỏ; Đất nước trọn niềm vui và Bừng sáng miền đất Mỏ) khắc họa lại tinh thần kiên cường đấu tranh, dưới ngọn lửa cách mạng soi đường, sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Đảng, của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, quân và dân Khu mỏ Hồng Quảng đã đoàn kết, sát cánh bên nhau với tinh thần “Kỷ luật và đồng tâm” để giải phóng và tiếp quản Khu mỏ.

Cùng với đó, chương trình tái hiện lại bức tranh sống động về cuộc sống của những người thợ mỏ, thể hiện được tinh thần của “vùng Mỏ bất khuất - Khát vọng hùng cường” luôn đấu tranh không ngừng nghỉ góp phần vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Sau khi giành được chiến thắng trên quê hương đất mỏ, tập thể con người đất mỏ cùng nhau tái thiết cuộc sống, lao động hăng say, góp phần vào chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, ngày 12/11/1936, đã nổ ra Cuộc tổng bãi công của hơn ba vạn thợ mỏ. Từ phong trào này đã làm nên khí phách, bản lĩnh, tinh thần "Kỷ luật và Đồng tâm" của giai cấp công nhân và của cả dân tộc Việt Nam. Trở thành biểu tượng tinh thần của vùng Mỏ cho đến tận ngày hôm nay và mãi sau này.

Chương trình thu hút đông đảo người dân và du khách.

Chương trình thu hút đông đảo người dân và du khách.

Sau thất bại của quân Pháp tại Điện Biên Phủ, ngày 20/7/1954, Hiệp định Geneva được ký, đình chỉ chiến tranh, khôi phục hòa bình, chính thức chấm dứt chế độ thực dân Pháp tại Đông Dương. Theo nội dung Hiệp định, đại bộ phận đặc khu Hòn Gai, Cẩm Phả, tỉnh Quảng Yên cùng Hải Phòng nằm trong vùng tập kết 300 ngày của quân đội Pháp. Ngày 24/4/1955, lính Pháp cuối cùng rút khỏi khu mỏ, chấm dứt 72 năm, quân Pháp xâm chiếm, vơ vét than ở vùng mỏ Quảng Ninh. Ngày 25/4/1955, tại thị xã Hòn Gai, quân và dân Hồng Quảng đã mít tinh trọng thể mừng Khu mỏ được giải phóng. Ủy ban Quân chính Hồng Quảng ra mắt trước toàn thể nhân dân.

Trải qua hơn 60 năm xây dựng và phát triển, Quảng Ninh nhiều năm liền tăng trưởng GRDP trên 2 con số; GRDP bình quân đầu người đạt gần 10.300 USD; tổng thu ngân sách nhà nước luôn trong nhóm dẫn đầu cả nước. Trong đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2024 đạt 8,42%, tăng trưởng quý I năm 2025 đạt 10,91%; quy mô nền kinh tế đạt gần 350.000 tỷ đồng, đứng thứ 3 vùng Đồng bằng sông Hồng, đứng thứ 7 cả nước. Tổng thu ngân sách nhà nước vượt dự toán Trung ương giao. Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt trên 2,8 tỷ USD, nằm trong nhóm các địa phương dẫn đầu cả nước.

Tổng lượng khách đến Quảng Ninh đạt trên 17 triệu lượt, trong đó có 3,5 triệu lượt khách quốc tế. Với kết quả này, Quảng Ninh là một trong những địa phương thành công nhất trong phục hồi ngành du lịch sau đại dịch, đưa du lịch ngày càng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn gắn với phát triển kinh tế biển.

Tin, ảnh: Đức Hiếu (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/thoi-su/quang-ninh-ky-niem-70-nam-ngay-giai-phong-vung-mo-20250425223320492.htm
Zalo