Quảng Ninh: Hơn 1.895 tỷ đồng để phòng, chống thiên tai
Từ năm 2021 đến năm 2024, Quảng Ninh đã dành tổng kinh phí hơn 1.895 tỷ đồng để triển khai 156 nhiệm vụ, dự án phục vụ công tác phòng, chống thiên tai.
Đánh giá về tình hình thiên tai diễn ra trên địa bàn tỉnh trong những năm qua, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Văn Đức cho rằng: Đối với tỉnh Quảng Ninh, thiên tai xảy ra tương đối phù hợp quy luật nhưng vẫn có những yếu tố cực đoan, bất thường như bão muộn (năm 2022), nắng nóng diện rộng (năm 2023) và năm 2024 mưa lớn xuất hiện sớm với lượng mưa trung bình cao hơn nhiều năm...
Từ năm 2021 đến nay, thiệt hại về vật chất trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh do thiên tai gây ra là khoảng 11,5 tỷ đồng giảm nhiều so với giai đoạn trước (giai đoạn 2015 - 2020 là 2.818 tỷ đồng).
Theo ông Đức, để có được kết quả trên có thể đánh giá là sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, sự phối hợp đồng bộ giữa các đơn vị và sự đồng thuận của người dân trong công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN).
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Ninh thông tin: Từ năm 2021 đến năm 2024, Quảng Ninh đã dành tổng kinh phí hơn 1.895 tỷ đồng để triển khai 156 nhiệm vụ, dự án phục vụ công tác phòng, chống thiên tai.
Các nhiệm vụ, dự án phục vụ công tác phòng, chống thiên tai trên địa bàn tỉnh tập trung chủ yếu vào: Xây dựng, nâng cấp hồ chứa nước; duy tu bảo dưỡng đê điều; xây dựng các khu neo đậu tránh trú bão; cải tạo, nâng cấp tuyến kênh tiêu thoát nước và trồng, chăm sóc bảo vệ rừng...
Bên cạnh đó, Ban chỉ huy PCTT&TKCN và Phòng thủ dân sự tỉnh Quảng Ninh cũng đầu tư trọng điểm cho công tác dự phòng, cảnh báo thiên tai sớm như lắp đặt 75 điểm đo mưa tự động tại các khu vực xung yếu thường xuyên bị ảnh hưởng của thiên tai và thượng lưu các hồ chứa lớn; 11 trạm khí tượng thủy, hải văn kết nối với các trang thông tin của Tổng cục Khí tượng Thủy văn, Bộ NN&PTNT để phát ra các cảnh báo chất lượng, nhất là mỗi khi có mưa lớn, kéo dài.
Thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục rà soát các phương án PCTT&TKCN của địa phương, đơn vị phù hợp, sát thực tiễn. Đồng thời, nâng cao năng lực xử lý tình huống, sự cố, chỉ huy, điều hành tại chỗ để kịp thời ứng phó thiên tai đạt hiệu quả, tránh tư tưởng chủ quan.
Cùng với đó, tỉnh cũng sẽ tăng cường công tác quản lý nhà nước về PCTT&TKCN trên địa bàn và tổ chức kiểm tra các công trình PCTT trên địa bàn, rà soát các nguy cơ tiềm ẩn mất an toàn để kịp thời xử lý....