Quảng Ninh: Hoàn thành 'nhiệm vụ kép' trong 4 tháng đầu năm 2020
Mặc dù là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh Covid-19, nhưng với sự nỗ lực của chính quyền các cấp, người dân và doanh nghiệp, 4 tháng đầu năm 2020, tỉnh Quảng Ninh đã cơ bản hoàn thành 'nhiệm vụ kép', vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế -xã hội.
Cơ bản kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh Covid-19
Xác định dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, đồng thời là địa phương tiềm ần nhiều nguy cơ lây lan dịch bệnh cao, 4 tháng đầu năm tỉnh Quảng Ninh đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp phòng chống dịch bệnh; xây dựng và ban hành đầy đủ hệ thống văn bản chỉ đạo công tác phòng chống dịch với tinh thần “chống dịch như chống giặc” và phương châm “3 trước, 4 tại chỗ”.
Đường bao biển Trần Quốc Nghiễn, TP Hạ Long, công trình trọng điểm đã hoàn thành vào dịp Quảng Ninh nỗ lực thực hiện "nhiệm vụ kép" trong 4 tháng đầu năm 2020. Ảnh: Nguyễn Quân.
Các ban, ngành, địa phương đã triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 16 của Chính phủ, Chỉ thị 35 chủa Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đợt cao điểm phòng chống dịch bệnh Covid-19, trong đó đã triển khai quyết liệt, đồng bộ với nhiều giải pháp và thực hiện nghiêm chỉnh cách ly xã hội trên phạm vi toàn tỉnh.
Thực hiện tiết kiệm chi thường xuyên, hạn chế tối đa việc mua sắm tài sản, cắt giảm chi phí hội họp, đào tạo, đi công tác nước ngoài, cắt giảm các nhiệm vụ chưa thực sự cần thiết, cấp bách… dành trên 1.000 tỷ đồng cho công tác phòng chống dịch, đảm bảo an sinh xã hội.
Ban hành chính sách và đang thực hiện hỗ trợ cho các đối tượng khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh covid-19 theo Nghị quyết 42 của Chính phủ và Quyết định 15 của Thủ tướng Chính phủ.
Đến nay tỉnh Quảng Ninh đã cơ bản kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh, không để dịch bệnh xuất hiện, lây lan, bùng phát trong cộng đồng.
4 tháng đầu năm, tốc độ tăng trưởng kinh tế vẫn đạt 7,2%
Mặc dù phải tập trung mọi nguồn lực nhằm chung tay đẩy lùi dịch bệnh Covid-19, nhưng tỉnh Quảng Ninh vẫn quyết liệt chỉ đạo và có nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người dân tháo gỡ khó khăn, phát triển sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh giải ngân, chi tiêu công, hoàn thành “nhiệm vụ kép”.
Một góc "làng chài" trên Vịnh Hạ Long xinh đẹp, góp phần thực hiện "nhiệm vụ kép" trong mùa dịch của tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: Nguyễn Quân.
Trong 4 tháng đầu năm, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Quảng Ninh vẫn đạt 7,2%; Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 7,5% so cùng kỳ; tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng 6,6% (đạt 12.850 tỷ đồng); cấp mới và điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư cho 14 Dự án (thu hút 1.194 tỷ đồng, bằng 80,2% cùng kỳ); 151 doanh nghiệp bị giải thể (tăng 36%) và 417 doanh nghiệp ngừng kinh doanh có thời hạn (tăng 34,18% so cùng kỳ).
Tổng thu ngân sách đạt 16.329 tỷ đồng, đạt 34% dự toán năm và 99% so cùng kỳ; điều chỉnh giảm chi sự nghiệp, chi thường xuyên được 500 tỷ đồng và tăng dự phòng ngân sách từ 2% lên 4% dành cho công tác phòng chống dịch Covid-19. Tổng chi ngân sách đạt 5.836 tỷ đồng, bằng 20% dự toán và tăng 11% so cùng kỳ.
Việc Quảng Ninh tiếp tục giữ vị trí đứng đầu toàn quốc về Chỉ số PCI năm 2019 (với 73,40 điểm), khẳng định niềm tin của người dân và cộng đồng doanh nghiệp với chính sách cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao chất lượng phục vụ và năng lực cạnh tranh của tỉnh.
Công tác giải phóng mặt bằng, đầu tư, xây dựng cơ bản, quản lý quy hoạch đất đai đô thị được tăng cường; đẩy nhanh tiến độ triển khai các công trình trọng điểm như: Dự án cao tốc Vân Đồn – Móng Cái, Khu nghỉ dưỡng suối khoáng Quang Hanh, Dự án đường trục chính trung tâm khu đô thị Cái Rồng, KCN Việt Hưng, KCN Sông Khoai…
Công tác bảo vệ môi trường được đảm bảo; an sinh – phúc lợi xã hội được nâng cao; người dân được quan tâm chăm lo, bảo vệ sức khỏe, các chính sách xã hội, giảm nghèo được duy trì và phát triển; tình hình trật tự, an ninh, an toàn xã hội được giữ vững…
Tuy nhiên, chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do dịch bệnh Covid-19 là khu vực du lịch, thương mại và dịch vụ. Sức mua tiêu dùng hàng hóa của người dân giảm mạnh, dịch vụ hầu như không tăng trưởng.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 4 tháng giảm 3,6% so cùng kỳ; lượng khách du lịch và doanh thu từ khách du lịch đều giảm 77% so cùng kỳ; kim ngạch xuất khẩu và khối lượng hàng hóa vận chuyển của các doanh nghiệp đều giảm 3,3%; khối lượng hành khách vận chuyển và doanh thu vận tải giảm lần lượt là 24,7% và 6,2%.