Quảng Ninh: Giải ngân vốn đầu tư công là động lực quan trọng nhất thúc đẩy tăng trưởng kinh tế
Đây là khẳng định của ông Vũ Đại Thắng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh tại Kỳ họp thứ 29 - kỳ họp thường lệ giữa năm 2025 của Hội đồng Nhân dân tỉnh Quảng Ninh khóa XIV, nhiệm kỳ 2021 – 2026.
Đây cũng là kỳ họp đầu tiên của HĐND tỉnh Quảng Ninh sau khi hoàn thành việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã. Toàn tỉnh chính thức bước sang giai đoạn vận hành mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, đặt ra những yêu cầu cao hơn về chất lượng quản trị và mức độ phục vụ người dân. Điều này đòi hỏi HĐND tỉnh có những quyết sách mang tính đột phá và hiệu quả để đảm bảo bộ máy hành chính hoạt động thông suốt, đáp ứng kỳ vọng của nhân dân và doanh nghiệp.
Phát biểu tại kỳ họp, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh khẳng định, kỳ họp HĐND tỉnh lần này không chỉ là dịp để đánh giá kết quả 6 tháng đầu năm, đề ra phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm của tỉnh, mà còn là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng để cụ thể hóa, quán triệt sâu sắc và triển khai kịp thời, đồng bộ các nghị quyết, luật của Quốc hội vào thực tiễn địa phương.

Đây là kỳ họp đầu tiên của HĐND tỉnh Quảng Ninh sau khi hoàn thành việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã. Ảnh: QMG
Bối cảnh mới, thách thức mới, yêu cầu mới, đòi hỏi HĐND tỉnh phải phát huy cao nhất vai trò, trách nhiệm là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đi sâu nắm bắt, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, khơi thông nguồn lực, đẩy mạnh động lực tăng trưởng truyền thống, hình thành nhanh hơn các động lực tăng trưởng mới; quyết định những vấn đề thiết thực gắn liền với đời sống nhân dân, phù hợp với định hướng chung của đất nước và phù hợp với mô hình tổ chức bộ máy đã được kiện toàn.
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh đề nghị HĐND tỉnh, UBND tỉnh, các cấp, các ngành, các địa phương tập trung vào các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Trong đó, tạo bứt phá trong phát triển kinh tế; làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống, thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới.
Phát triển tối đa lĩnh vực xây dựng công nghiệp và dân dụng; thúc đẩy tiến độ, nâng cao tỷ lệ, chất lượng giải ngân vốn đầu tư công - xác định đây là động lực quan trọng nhất để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Khẩn trương rà soát, tháo gỡ dứt điểm các khó khăn, vướng mắc đối với từng dự án vốn ngoài ngân sách, dự án đầu tư công, nhất là các dự án quan trọng, công trình trọng điểm nhằm đẩy nhanh tiến độ thi công.
Hoàn thành các dự án, công trình trọng điểm như: Tuyến đường ven sông kết nối từ đường cao tốc Hạ Long - Hải Phòng đến Đông Triều (đoạn từ đường tỉnh 338 đến thành phố Đông Triều; đoạn từ nút giao đầm Nhà Mạc đến đường tỉnh 338); cải tạo, nâng cấp quốc lộ 279 đoạn từ Km0+00-Km8+600,....
Đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án quan trọng, các công trình dự kiến khởi công, khánh thành để chào mừng kỷ niệm 80 năm Cách mạng Tháng Tám thành công, Quốc khánh 02/9 và chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI. Nghiên cứu, đề xuất chủ trương và phấn đấu khởi công trong năm 2025 một số dự án có ý nghĩa kiến tạo không gian phát triển mới: Tuyến đường bao biển kéo dài từ đường Trần Quốc Nghiễn qua chân cầu Bình Minh đến Quốc lộ 279; Tuyến đường nối từ Quốc lộ 279 qua nút giao cầu Tình Yên đến đường dẫn cầu Bình Minh; Bảo tồn và phát huy giá trị khu di tích lịch sử Quốc gia Chiến thắng Bạch Đằng.
Cùng đó, đẩy mạnh thu hút nguồn vốn FDI thế hệ mới, quy mô lớn, công nghệ cao, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo, điện tử, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo... Đẩy nhanh tiến độ thành lập, đầu tư các khu công nghiệp, cụm công nghiệp; tiến độ công tác giải phóng mặt bằng, tạo “quỹ đất sạch” để thu hút nhà đầu tư; tích cực hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án sau cấp phép đẩy nhanh tiến độ triển khai, đi vào hoạt động, bổ sung năng lực, tăng năng suất, sản lượng.
Tạo mọi điều kiện thuận lợi để ngành than, điện phát triển ổn định, bền vững, đồng hành thúc đẩy thủ tục gia hạn cấp phép, nâng công suất mỏ, triển khai dự án nhà ở công nhân. Hoàn thành và bàn giao quỹ đất cho chủ đầu tư thực hiện Nhà máy điện khí LNG Quảng Ninh.

HĐND tỉnh Quảng Ninh sẽ xem xét 22 dự thảo nghị quyết do UBND tỉnh trình tại kỳ họp 29. Ảnh: QMG
Đẩy mạnh thu hút đầu tư các dự án du lịch, dịch vụ chất lượng cao, phát triển các sân golf theo quy hoạch; đổi mới, nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh sản phẩm du lịch, dịch vụ gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, giữ gìn cảnh quan, bảo vệ môi trường.
Xúc tiến, quảng bá du lịch, nhất là các tour, tuyến du lịch trên vịnh Bái Tử Long, vịnh Hạ Long. Phát triển kinh tế số; hoàn thành Đề án thí điểm cửa khẩu thông minh tại Móng Cái (Việt Nam) - Đông Hưng (Trung Quốc) và thí điểm Khu hợp tác ngành nghề qua biên giới Móng Cái - Đông Hưng. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng cảng biển (Vạn Ninh, Nam Tiền Phong, Bắc Tiền Phong, Đầm Nhà Mạc); hoàn thiện các thủ tục thu hút đầu tư cảng Con Ong - Hòn Nét.
Thực hiện đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện trong hoạt động của các cơ quan đảng, nhà nước. Đẩy mạnh phát triển kinh tế số, xã hội số gắn với chuyển đổi số trong các lĩnh vực trọng điểm như: công nghiệp, du lịch, nông nghiệp, giáo dục, y tế, logistics…; tăng cường năng lực đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số của khu vực kinh tế tư nhân. Xác định khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là động lực chính để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả ba đột phá chiến lược. Trong đó, tiếp tục huy động mọi nguồn lực, đa dạng hình thức đầu tư đẩy nhanh tốc độ phát triển và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, nhất là hạ tầng giao thông, hạ tầng các khu kinh tế, khu công nghiệp, hạ tầng cảng biển và dịch vụ cảng biển, hạ tầng số, hạ tầng năng lượng, y tế, giáo dục, văn hóa,...

Đại biểu Tổ thảo luận số 1 tham gia ý kiến đóng góp vào kỳ họp HĐND tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: QMG
Kỳ họp 29, HĐND tỉnh Quảng Ninh sẽ xem xét 22 dự thảo nghị quyết do UBND tỉnh trình. Các nghị quyết nhằm cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy vào điều kiện thực tế của địa phương; tạo cơ chế, chính sách nhằm phát huy tiềm năng và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ vận hành mô hình chính quyền địa phương 2 cấp.
Đáng chú ý, có tới 15 nghị quyết là văn bản quy phạm pháp luật, đây là khối lượng nghị quyết quy phạm pháp luật lớn nhất trong một kỳ họp từ đầu nhiệm kỳ đến nay. Điều này cho thấy sự chủ động, quyết liệt của tỉnh trong việc tạo hành lang pháp lý vững chắc cho việc điều hành phát triển triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, HĐND tỉnh cũng sẽ xem xét, bãi bỏ 9 nghị quyết không còn phù hợp với thực tiễn triển khai và các quy định mới của pháp luật hiện hành.