Quảng Ninh: Dư nợ tín dụng đạt 182 nghìn tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm

6 tháng đầu năm 2024, dư nợ vốn tín dụng trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đạt 182.000 tỷ đồng, tăng 2,7% so với thời điểm 31/12/2023.

Theo đó, các ngành, lĩnh vực có dư nợ tín dụng tăng trưởng so với thời điểm 31/12/2023 như: Cho vay kinh doanh bán buôn, bán lẻ; cho vay sản xuất công nghiệp chế biến, chế tạo; cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, xây dựng nông thôn mới…

Ngay từ đầu năm 2024, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh Quảng Ninh đã chỉ đạo các ngân hàng tích cực mở rộng tín dụng hợp lý đi đôi với nâng cao chất lượng tín dụng. Theo đó, vốn tín dụng tập trung vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên.

Hiện các ngân hàng duy trì ổn định lãi suất cho vay, trong đó, lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VNĐ đối với 5 lĩnh vực ưu tiên (gồm doanh nghiệp nhỏ và vừa; xuất khẩu; lĩnh vực nông nghiệp & nông thôn; công nghiệp hỗ trợ và doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao) là 4%/năm. Lãi suất cho vay phổ biến ở mức 6,0-8,0%/năm đối với ngắn hạn; 8,5-10,5%/năm đối với trung, dài hạn.

Thực hiện theo chỉ đạo của NHNN, các ngân hàng tiếp tục đẩy mạnh triển khai cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng gặp khó khăn theo Thông tư 02/2023/TT-NHNN (ngày 23/4/2023) của NHNN Việt Nam. Theo đó, toàn tỉnh Quảng Ninh đã có 295 lượt khách hàng (249 cá nhân, 44 doanh nghiệp và 2 hợp tác xã) được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ với tổng trị giá 1.422 tỷ đồng nợ gốc và lãi.

Cán bộ Hội nông dân phường Phương Nam (TP. Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh) hướng dẫn hội viên vay vốn sản xuất. Ảnh: Hoàng Giang.

Cán bộ Hội nông dân phường Phương Nam (TP. Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh) hướng dẫn hội viên vay vốn sản xuất. Ảnh: Hoàng Giang.

Được biết, trong thời gian tới, để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, NHNN chi nhánh Quảng Ninh sẽ tiếp tục chỉ đạo các ngân hàng tích cực triển khai các giải pháp hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, cải cách hành chính và tăng cường khả năng tiếp cận vốn của người dân, doanh nghiệp.

Đồng thời, đơn vị chủ động nắm bắt, giải đáp, xử lý kịp thời các ý kiến, kiến nghị của doanh nghiệp, người dân trong quan hệ tín dụng và sử dụng dịch vụ ngân hàng, đẩy mạnh triển khai chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, kịp thời tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận tín dụng.

Ngoài ra, NHNN chi nhánh Quảng Ninh sẽ tăng cường công tác thanh tra, giám sát hoạt động các ngân hàng, đồng thời, nâng cao hiệu quả công tác giám sát an toàn vĩ mô và vi mô, cảnh báo sớm nhằm ngăn ngừa, hạn chế rủi ro trong hoạt động của tổ chức tín dụng. Bên cạnh đó, các ngân hàng cũng phải tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát nội bộ nhằm rà soát, khắc phục, chấn chỉnh kịp thời những tồn tại, vi phạm nhằm đảm bảo tuân thủ pháp luật và an toàn hệ thống.

Ngoài ra, dự kiến các ngân hàng sẽ triển khai nhiều chương trình ưu đãi, gói tín dụng hấp dẫn, giảm lãi suất để doanh nghiệp và người dân dễ tiếp cận vốn từ nay đến cuối năm. Đặc biệt, các ngân hàng cam kết sẽ tiếp tục duy trì mặt bằng lãi suất thấp nhất thị trường để hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp và nền kinh tế./.

Tiến Dũng

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/quang-ninh-du-no-tin-dung-dat-182-nghin-ty-dong-trong-6-thang-dau-nam-154372.html
Zalo