Quảng Ninh dồn lực khắc phục hậu quả của bão số 3

Tỉnh Quảng Ninh - địa phương bị ảnh hưởng nặng nề bởi bão số 3 hiện đang đồn lực khắc phục hậu quả, ổn định đời sống cho người dân sau cơn bão số 3.

Chiến sĩ Biên phòng tham gia dọn dẹp sau bão số 3 tại Vân Đồn (Quảng Ninh).

Chiến sĩ Biên phòng tham gia dọn dẹp sau bão số 3 tại Vân Đồn (Quảng Ninh).

Theo tỉnh Quảng Ninh, để nhanh chóng khắc phục hậu quả, toàn tỉnh đã huy động gần 6.000 người từ các đơn vị Quân đội, Công an đứng chân trên địa bàn; huy động 53 ô tô, 38 tàu, 35 xuồng tham gia công tác tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn; dọn dẹp vệ sinh môi trường, sửa chữa các công trình bị hư hỏng.

Cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 170 hỗ trợ người dân. Ảnh: CTV

Cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 170 hỗ trợ người dân. Ảnh: CTV

Do ảnh hưởng của bão số 3, các trường học tại nhiều địa phương trong tỉnh bị tốc mái, đổ tường, nước ngập, cây xanh đổ gãy, vỡ kính...

Theo thống kê, đến thời điểm hiện tại, các trường Trung học phổ thông bị tốc hơn 7.600m2 mái; gần 400 phòng học bị vỡ kính, 110 phòng học vị sập trần; gần 500 cây xanh trong trường bị gãy đổ...

Nhiều cơ sở giáo dục bị thiệt hại nặng do bão số 3, như: Trung học phổ thông Cô Tô, Quan Lạn, Bãi Cháy...

Các cô giáo Trường Tiểu học Nguyễn Bình (phường Quảng Yên, TX Quảng Yên) khẩn trương dọn dẹp vệ sinh sau cơn bão. Ảnh: CTV

Các cô giáo Trường Tiểu học Nguyễn Bình (phường Quảng Yên, TX Quảng Yên) khẩn trương dọn dẹp vệ sinh sau cơn bão. Ảnh: CTV

Thực hiện phương châm "4 tại chỗ", các trường khẩn trương huy động lực lượng nhanh chóng khắc phục hậu quả để sớm đón học sinh trở lại trường.

Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh cũng chỉ đạo các trường thông báo cho các bậc phụ huynh, học sinh trong sáng 9/9, tất cả trường học trên địa bàn tỉnh phải dừng đón học sinh để tập trung khắc phục hậu quả bão số 3, sẵn sàng cho việc đón học sinh trở lại trường. Đồng thời, chỉ đạo các nhà trường khẩn trương rà soát, thống kê thiệt hại cơ sở vật chất của đơn vị; tổng vệ sinh trường, lớp...

các trường khẩn trương huy động lực lượng nhanh chóng khắc phục hậu quả để sớm đón học sinh trở lại trường. Ảnh: CTV

các trường khẩn trương huy động lực lượng nhanh chóng khắc phục hậu quả để sớm đón học sinh trở lại trường. Ảnh: CTV

Ghi nhận tại trường Tiểu học Nguyễn Bình, phường Quảng Yên (thị xã Quảng Yên) - một trong những trường học bị thiệt hại nặng nề do bão số 3, ngay sau khi bão qua đi, trường đã huy động cán bộ, giáo viên, nhân viên, phụ huynh học sinh dọn dẹp khuôn viên, phòng học, thư viện. Nhà trường nỗ lực trong 2-3 ngày sẽ hoàn thành dọn dẹp để học sinh sớm quay lại trường.

Tuyến đường Lê Thánh Tông (phường Hồng Gai) có rất nhiều cây cổ thụ lâu năm bị đổ gãy trong cơn bão. Ủy ban nhân dân phường đã huy động người dân và sự chung tay của doanh nghiệp để thu dọn cây gãy đổ suốt đêm. Đến nay, 50% cây đổ trên trục chính của tuyến đường đã được xử lý, thu dọn. Ảnh: HN

Tuyến đường Lê Thánh Tông (phường Hồng Gai) có rất nhiều cây cổ thụ lâu năm bị đổ gãy trong cơn bão. Ủy ban nhân dân phường đã huy động người dân và sự chung tay của doanh nghiệp để thu dọn cây gãy đổ suốt đêm. Đến nay, 50% cây đổ trên trục chính của tuyến đường đã được xử lý, thu dọn. Ảnh: HN

Các trường học trên địa bàn thành phố Hạ Long, địa phương chịu ảnh hưởng mạnh từ cơn bão số 3 cũng đang khẩn trương dọn dẹp vệ sinh.

Ngay sau bão, cán bộ, giáo viên, học sinh nhà trường được sự hỗ trợ của các lực lượng quân đội, công an đã triển khai ngay công tác khắc phục.

Tuy nhiên, do thiệt hại quá lớn, việc sửa chữa, dọn dẹp vẫn chưa thể hoàn thành ngay. Nhà trường vẫn cho học sinh tạm thời nghỉ học để khắc phục.

Bí thư Thành ủy Hạ Long Vũ Quyết Tiến trực tiếp chỉ đạo khắc phục hậu quả trong đêm. Ảnh: HN

Bí thư Thành ủy Hạ Long Vũ Quyết Tiến trực tiếp chỉ đạo khắc phục hậu quả trong đêm. Ảnh: HN

Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh yêu cầu các cơ sở giáo dục trong tỉnh khẩn trương huy động lực lượng tại chỗ để dọn dẹp vệ sinh, sắp xếp lại trường lớp, sẵn sàng đón trẻ em, học sinh, học viên đi học trở lại.

Thành phố Hạ Long là địa phương hứng chịu hậu quả nặng nề của cơn bão số 3. Với quyết tâm lấy lại hình ảnh của thành phố di sản, thành phố du lịch và củng cố, bồi đắp thêm niềm tin của nhân dân, ngày 9/9, Hạ Long đã phát động chiến dịch cao điểm trong 7 ngày để khắc phục hậu quả sau cơn bão.

Công nhân ngành Điện hiện đang thi công xử lý sự cố đứt dây tại Trạm 372 Cẩm Phả cấp cho mỏ Hà Tu, Núi Béo và Nhà máy nước Diễn Vọng. Ảnh: ĐP

Công nhân ngành Điện hiện đang thi công xử lý sự cố đứt dây tại Trạm 372 Cẩm Phả cấp cho mỏ Hà Tu, Núi Béo và Nhà máy nước Diễn Vọng. Ảnh: ĐP

Triển khai chiến dịch cao điểm, thành phố huy động sức mạnh tổng hợp để tổ chức thu dọn, xử lý toàn bộ cây xanh gãy đổ trên các đường trục chính, dọn dẹp vệ sinh môi trường, giúp đỡ các trường học, bệnh viện, các điểm xung yếu sạt lở, cứu nạn cứu hộ.

Trong suốt thời gian trước khi bão đổ bộ cho đến công tác khắc phục hậu quả sau bão, lực bộ đội, Công an luôn có mặt, sát cánh, hỗ trợ người dân.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh kiểm tra công tác xử lý sự cố tại trạm thu phát sóng thông tin di động (BTS) của Viettel Quảng Ninh. Ảnh: ĐP

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh kiểm tra công tác xử lý sự cố tại trạm thu phát sóng thông tin di động (BTS) của Viettel Quảng Ninh. Ảnh: ĐP

Đơn cử Lữ đoàn 170, ngay sau khi cơn bão đổ bộ ngày 7/9, Lữ đoàn 170 và Trung tâm Huấn luyện Chuyên môn kỹ thuật nghiệp vụ đã cử hơn 300 cán bộ, chiến sỹ cùng 5 xe vận tải chở quân, 1 xe cứu thương cùng nhiều nhu yếu phẩm thiết yếu, trực tiếp phối hợp với Ban Chỉ huy Quân sự thành phố Hạ Long và chính quyền địa phương các phường Hà Tu, Hà Trung, Hà Phong, Hà Lầm, Cao Thắng, Hồng Hà, Hồng Hải, Hồng Gai… tổ chức quét dọn, thu gom rác thải, phát quang các cây bị đổ, khơi thông cống thoát nước, dọn dẹp đường sá để nhân dân ổn định điều kiện sinh hoạt.

Cảnh sát giao thông tham gia dọn dẹp sau bão cùng người dân.

Cảnh sát giao thông tham gia dọn dẹp sau bão cùng người dân.

Lực lượng Cảnh sát giao thông tỉnh Quảng Ninh, thành phố Hạ long cũng luôn có mặt ở những điểm xung yếu. Lúc thì cứu dân bị cây đổ vào người trên đường, khi thì tham gia dọn cây cối cùng với người dân và công nhân vệ sinh môi trường, rồi phong tỏa các khu vực nguy hiểm để đảm bảo an toàn cho người dân…

Hỗ trợ người dân gặp nạn trên đường.

Hỗ trợ người dân gặp nạn trên đường.

Ngay trong đêm ngày 9/9, chính quyền địa phương cùng các lực lượng chức năng và nhân dân đã làm việc không ngừng nghỉ để khắc phục hậu quả và khôi phục trở lại cuộc sống bình thường trong thời gian sớm nhất. Bí thư Thành ủy Hạ Long Vũ Quyết Tiến trong đêm 9/9 cũng đã đi kiểm tra, chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả mưa bão tại một số phường trên địa bàn.

Để động viên các đơn vị tập trung khắc phục sau bão, tối cùng ngày 9/9, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh Cao Tường Huy đã đi kiểm tra công tác công tác xử lý điện, mạng viễn thông và hệ thống bơm thoát nước tại địa bàn thành phố Hạ Long và thành phố Cẩm Phả.

Ngành Y tế tỉnh vừa khắc phục hậu quả bão, vừa tập trung thực hiện tốt công tác khám, chữa bệnh. Ảnh: BQN

Ngành Y tế tỉnh vừa khắc phục hậu quả bão, vừa tập trung thực hiện tốt công tác khám, chữa bệnh. Ảnh: BQN

Theo báo cáo của Điện lực Quảng Ninh, do ngay sau bão, tình hình mưa lớn kéo dài, việc khắc phục lưới điện gặp nhiều khó khăn. Hiện ngành Điện đã huy động cán bộ, công nhân viên điện lực tại nhiều tỉnh, thành khác về Quảng Ninh để tăng cường, hỗ trợ; tập trung ưu tiên cấp điện cho các khu vực trọng điểm, các khu công nghiệp, đơn vị ngành Than và các khu đô thị…

Cảnh sát PCCC&CNCH dọn dẹp trên các tuyến đường. Ảnh: BQN

Cảnh sát PCCC&CNCH dọn dẹp trên các tuyến đường. Ảnh: BQN

Đối với lĩnh vực viễn thông, theo đại diện Viettel Quảng Ninh, trong 2 ngày vừa qua, Viettel đã khắc phục được 60% các trạm BTS trên địa bàn thành phố Hạ Long. Hiện Viettel có 2 đoàn công tác từ các tỉnh với gần 1.000 người đang "dàn quân" ra các huyện, thị xã, thành phố của Quảng Ninh để tập trung khắc phục. Riêng thành phố Hạ Long đang có khoảng 300 cán bộ, kỹ thuật viên và nhân viên tập trung xử lý sự cố.

Dự kiến trong 2 ngày tới đây, các sự cố sẽ được giải quyết, các trạm BTS sẽ đưa vào khai thác, đảm bảo yêu cầu sóng viễn thông cho nhân dân. Riêng đối với hệ thống cáp viễn thông cung cấp dịch vụ internet sẽ chậm hơn.

Đến sáng 9/9, hệ thống thông tin liên lạc tại huyện đảo Cô Tô cơ bản được khôi phục. Ảnh: CTV

Đến sáng 9/9, hệ thống thông tin liên lạc tại huyện đảo Cô Tô cơ bản được khôi phục. Ảnh: CTV

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh yêu cầu trước mắt, cần tập trung khắc phục, xử lý ngay các hạ tầng cung cấp nhu cầu thiết yếu cho sản xuất và sinh hoạt của nhân dân như điện, nước, viễn thông.

Đồng thời, trong quá trình triển khai, cần thực hiện rà soát, đánh giá tác động, có phương án khắc phục, nâng cấp hạ tầng ngành để kịp thời ứng phó đối với các sự cố sau nay.

Theo thống kê sơ bộ đến thời điểm hiện tại, thiệt hại do cơn bão số 3 gây ra là rất lớn. Trên 20.000 nhà bị tốc mái; 21 phương tiện thủy, 23 tàu du lịch, 41 tàu cá các loại bị chìm, trôi dạt; trên 2.400 cơ sở nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại; gần 1.300 lúa, hoa màu, trên 17.000ha rừng trồng bị ảnh hưởng. Trên 1.400 cột điện bị gãy đổ gây mất điện diện rộng kéo theo mất nước. Mạng lưới viễn thông gần như bị tê liệt đến nay chưa khắc phục xong. Hạ tầng các khu công nghiệp tại Quảng Yên bị hư hại trên diện rộng.

Các cơ sở y tế, giáo dục, trụ sở các cơ quan, đơn vị trên địa bàn cũng bị thiệt hại lớn về cơ sở vật chất. Do mưa lớn ảnh hưởng của hoàn lưu sau bão, từ tối ngày 7/9 một số địa phương có mưa lớn, gây lũ cục bộ. Số người chết, bị thương vẫn đang được tiếp tục cập nhật.

Tuệ Nhi

Nguồn Công dân & Khuyến học: https://congdankhuyenhoc.vn/quang-ninh-don-luc-khac-phuc-hau-qua-cua-bao-so-3-17924091010315414.htm
Zalo