Quảng Ninh dành 1.000 tỷ đồng khắc phục hậu quả Bão Yagi và thực hiện an sinh xã hội
Quảng Ninh quyết định dành hơn 1000 tỷ đồng từ nguồn tiết kiệm để khắc phục hậu quả bão số 3 gây ra và thực hiện các chính sách an sinh xã hội…
Ngay 23/9, HĐND tỉnh Quảng Ninh khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2025 tổ chức Kỳ họp thứ 21. Tại Kỳ họp này, HĐND tỉnh đã xem xét, thảo luận đối với 06 tờ trình, 05 dự thảo nghị quyết của Thường trực HĐND tỉnh, UBND tỉnh và các báo cáo thẩm tra của các Ban HĐND tỉnh nhằm thảo luận và quyết nghị kịp thời một số chính sách, biện pháp khẩn cấp theo trình tự, thủ tục rút gọn để hỗ trợ kịp thời, nhanh chóng khắc phục hậu quả Bão số 3 (Yagi) trên địa bàn tỉnh và thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh năm 2024
THÔNG QUA NGHỊ QUYẾT HỖ TRỢ KHẮC PHỤC HẦU QUẢ BÃO SỐ 3
HĐND tỉnh xem xét thông qua các nghị quyết, trong đó có Nghị quyết về một số biện pháp hỗ trợ khắc phục hậu quả bão số 3 trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh năm 2024, gồm: Hỗ trợ học phí cho trẻ em mầm non, học sinh phổ thông, học viên giáo dục thường xuyên đang học tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh năm học 2024 - 2025 với mức bằng 100% mức học phí năm học 2023 - 2025 (trừ các đối tượng đã được hưởng các chính sách hỗ trợ học phí của tỉnh).
Hộ gia đình có nhà ở bị đổ, sập, hư hỏng nặng không có khả năng khôi phục cần phải xây mới thì được hỗ trợ chi phí xây dựng nhà ở mới, với mức hỗ trợ 100.000.000 đồng/hộ. Hộ gia đình có nhà ở bị hư hỏng nặng mà phần còn lại không thể ở được thì được hỗ trợ chi phí sửa chữa nhà ở, với mức 50.000.000 đồng/hộ nhằm kịp thời hỗ trợ, đáp ứng một phần nhu cầu khắc phục khó khăn, khôi phục, xây dựng, sửa chữa lại nhà ở của những hộ gia đình là hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ gia đình khó khăn.
Nghị quyết về hỗ trợ một phần chi phí trục vớt phương tiện sản xuất là tàu, thuyền đăng ký và đang duy trì ổn định, thường xuyên hoạt động khai thác, nuôi trồng và dịch vụ hậu cần nghề cá trên biển, ven biển đăng ký tại tỉnh Quảng Ninh bị chìm với mức 50 triệu đồng đối mỗi tàu dài từ 12m trở lên và 15 triệu đồng đối với mỗi tàu dài từ 6 đến dưới 12m, thời gian thực hiện hỗ trợ 2024...
HĐND tỉnh giao Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức triển khai, đồng bộ, kịp thời, hiệu quả các biện pháp hỗ trợ tại Nghị quyết này, đảm bảo chặt chẽ, đúng quy định pháp luật, không để xảy ra tình trạng thất thoát, lãng phí, tiêu cực, phấn đấu hoàn thành hỗ trợ trong tháng 11/2024; chủ động hướng dẫn, xử lý những khó khăn, vướng mắc (nếu có) trong triển khai thực hiện Nghị quyết báo cáo HĐND tỉnh; tiếp tục nghiên cứu các cơ chế chính sách hỗ trợ về sản xuất kinh doanh, an sinh xã hội...để báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
DÀNH NGUỒN LỰC ƯU TIÊN HỖ TRỢ VÀ NÂNG MỨC CHUẨN TRỢ GIÚP XÃ HỘI
HĐND tỉnh ra Nghị quyết về sửa đổi, bổ sung một số nội dung quy định tại Nghị quyết số 21/2021/NQ-HĐND ngày 16/7/2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Ninh quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội và các đối tượng khó khăn khác trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.
Theo đó, HĐND tỉnh quyết định nâng mức chuẩn trợ giúp xã hội của tỉnh là 700.000 đồng/tháng (cao hơn mức Trung ương quy định) đảm bảo phù hợp với quy định của pháp luật và tình hình thực tiễn của tỉnh sau cơn bão số 3 đã ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của hơn 1 triệu người dân Quảng Ninh. trong đó có 46.000 người đang hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng là đối tượng thuộc hộ nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội và đối tượng khó khăn khác trên địa bàn tỉnh, nguồn thu nhập chính là trợ cấp xã hội hằng tháng.
HĐND tỉnh ra Nghị quyết về việc điều chỉnh, phân bổ dự toán chi ngân sách cấp tỉnh năm 2024 nhằm quản lý sử dụng tiết kiệm, hiệu quả vốn ngân sách nhà nước; cơ cấu lại nguồn chi thường xuyên để dành nguồn lực ưu tiên hỗ trợ khắc phục hậu quả bão số 3.
Theo đó, trong tổng số tiền tiết kiệm chi 1.004 tỷ đồng, Quảng Ninh bố trí 1.000 tỷ đồng để khắc phục hậu quả bão số 3 gây ra và thực hiện các chính sách an sinh xã hội; 4 tỷ đồng cho vay tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù.
Theo Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Quảng Ninh Trịnh Thị Minh Thanh, những chính sách, nguồn lực của tỉnh được thông qua tại kỳ họp chưa thấm gì so với những mất mát của người dân, doanh nghiệp phải chịu thiệt hại, chưa bao phủ tới tất cả đối tượng của xã hội chịu ảnh hưởng bởi cơn bão số 3. Tuy nhiên, đây là sự chia sẻ của chính quyền địa phương với những khó khăn của người dân, doanh nghiệp.
Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Quảng Ninh Vi Ngọc Bích nhấn mạnh ngày 7/9, bão số 3 đi vào Vịnh Bắc Bộ, gây ảnh hưởng lớn đến đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân và đến các hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn, nhất là thành phố Hạ Long, thành phố Cẩm Phả. thị xã Quảng Yên, huyện Vân Đồn và một số địa phương bị ngập lụt cục bộ như Uông Bí, Đông Triều, Tiên Yên, Bình Liêu, Ba Chẽ…
Đến ngày 16/9, tổng thiệt hại trên địa bàn tỉnh ước tính khoảng 24.223 tỷ đồng, chiếm 1/2 tổng thiệt hại của cả nước. Theo thống kê tại Quảng Ninh, bão số 3 làm 29 người chết, 1.609 người bị thương, 102.859 nhà bị tốc mái, 254 nhà bị đổ sập, 4.999 nhà bị ngập, sạt lở; trên 70% gia đình học sinh bị tác động trực tiếp từ bão số 3; 269 phương tiện thủy bị đắm, chìm…
Ngay sau bão, Thường trực HĐND tỉnh, UBND tỉnh và các sở, ban, ngành đã khẩn trương nghiên cứu xây dựng một số chính sách khẩn cấp theo thẩm quyền của HĐND tỉnh để tập trung tháo gỡ, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp giảm bớt khó khăn, khắc phục hậu quả, sớm khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh sau bão.