Quảng Ngãi triển khai nhiều giải pháp ứng phó hạn hán

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi, tình hình nắng nóng gay gắt đang diễn ra trên diện rộng và kéo dài, lượng nước trữ hầu hết các hồ chứa trên địa bàn tỉnh đang giảm nhanh dẫn đến nguy cơ thiếu nước sinh hoạt và sản xuất rất cao, xảy ra trên diện rộng.

Nhiều địa phương ở Quảng Ngãi đang tập trung tu sửa hoàn thiện công trình thủy lợi để đảm bảo nguồn nước cho sản xuất vụ hè thu 2024.

Nhiều địa phương ở Quảng Ngãi đang tập trung tu sửa hoàn thiện công trình thủy lợi để đảm bảo nguồn nước cho sản xuất vụ hè thu 2024.

Hiện tại, lượng nước trữ của một số hồ chứa nước lớn trên địa bàn Quảng Ngãi đạt thấp so với dung tích thiết kế. Cụ thể, tại thị xã Đức Phổ, hồ Liệt Sơn chỉ đạt 67%, hồ An Thọ 61%; nhiều hồ chứa quy mô nhỏ có dung tích trữ trung bình, nhất là trên địa bàn huyện Bình Sơn chỉ còn khoảng 30-40% dung tích thiết kế.

Điều chỉnh kế hoạch sản xuất

Theo kế hoạch, vụ hè thu 2024, tổng diện tích sản xuất trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi là 49.727ha, gồm 34.754ha lúa và 14.974ha cây trồng khác. Tuy nhiên, do nắng nóng gay gắt kéo dài và lượng mưa thấp hơn nhiều so với trung bình nhiều năm nên đến đầu tháng 5, toàn tỉnh có 318,5ha đất nông nghiệp phải bỏ hoang để bảo đảm hiệu quả sản xuất nông nghiệp. Ngoài ra, có khoảng 661,8 ha chuyển đổi từ trồng lúa sang cây trồng khác

Không chỉ thiếu nước cho sản xuất nông nghiệp, ngành nông nghiệp tỉnh Quảng Ngãi còn dự báo khả năng thiếu nước sinh hoạt sẽ xảy ra trên diện rộng, với khoảng 14.823 người thiếu nước sinh hoạt, trong đó huyện Tư Nghĩa 3.631 người, huyện miền núi Sơn Hà 6.283 người, huyện miền núi Ba Tơ 4.622 người...

Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi Võ Quốc Hùng, thời gian đến, nếu tình hình nắng nóng vẫn tiếp tục diễn ra thì khả năng thiếu nước sản xuất là rất cao, với tổng diện tích sản xuất nông nghiệp dự kiến có khả năng bị thiếu nước khoảng 7.854,8ha, trong đó huyện Bình Sơn 1.622,4ha; huyện Sơn Tịnh 1.650ha, huyện Tư Nghĩa 1.350ha, huyện Mộ Đức 1.450ha; thị xã Đức Phổ 1.550 ha...

Không chỉ thiếu nước cho sản xuất nông nghiệp, ngành nông nghiệp tỉnh Quảng Ngãi còn dự báo khả năng thiếu nước sinh hoạt sẽ xảy ra trên diện rộng, với khoảng 14.823 người thiếu nước sinh hoạt, trong đó huyện Tư Nghĩa 3.631 người, huyện miền núi Sơn Hà 6.283 người, huyện miền núi Ba Tơ 4.622 người...

Mực nước hồ chứa nước Liệt Sơn (thị xã Đức Phổ) xuống thấp, hiện lượng nước chỉ còn 67% dung tích thiết kế.

Mực nước hồ chứa nước Liệt Sơn (thị xã Đức Phổ) xuống thấp, hiện lượng nước chỉ còn 67% dung tích thiết kế.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thị xã Đức Phổ Trần Ngọc Sang cho biết, để bảo đảm nguồn nước phục vụ sản xuất đạt hiệu quả, thị xã Đức Phổ chỉ đạo các địa phương, đơn vị lập kế hoạch điều chỉnh diện tích lúa gieo sạ vụ hè thu năm 2024 đối với những xứ đồng bị hạn, có thể bị hạn, nguồn nước tưới không bảo đảm.

“Ngoài việc phải bỏ hoang 325 ha đất lúa do thiếu nguồn nước tưới, thị xã Đức Phổ xây dựng kế hoạch chuyển đổi 325 ha đất trồng lúa sang cây trồng khác nên vụ hè thu 2024, toàn thị xã chỉ sản xuất 4.700 ha lúa”, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thị xã Đức Phổ Trần Ngọc Sang thông tin.

Ông cũng cho biết thêm, chính quyền thị xã đã chỉ đạo các địa phương, đơn vị chủ động thực hiện các giải pháp tiết kiệm nguồn nước ngay từ đầu vụ; khẩn trương tổ chức nạo vét thông thoáng kênh mương, các hồ chứa nước, đập dâng bị bồi lắng để khôi phục, tăng khả năng trữ nước bảo đảm kịp thời tải nước; đẩy nhanh tiến độ thi công sửa chữa, khắc phục các công trình thủy lợi để kịp thời đưa vào sử dụng; chủ động bố trí ngân sách địa phương, các nguồn vốn hợp pháp khác và kinh phí hỗ trợ sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi để tổ chức triển khai thực hiện ngay các giải pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn.

Song song đó, thị xã Đức Phổ kiến nghị Ủy ban nhân dân tỉnh và sở, ngành chức năng xem xét, hỗ trợ hơn 10,6 tỷ đồng để địa phương nâng cấp, sửa chữa đập ngăn mặn Cầu Chùa, phường Phổ Vinh, bởi hiện tại hệ thống tay quay và các phay ngăn mặn bị hư hỏng không bảo đảm cho việc giữ nước, tích nước và chống xâm nhập mặn, ảnh hưởng khoảng 80 ha diện tích lúa của người dân; nâng cấp, sửa chữa tuyến kênh tưới hồ chứa nước Lỗ Lá, xã Phổ Nhơn với chiều dài tuyến khoảng 1.200 m phục vụ tưới cho khoảng 60ha đất lúa; xây dựng tuyến kênh mương chống hạn từ trạm bơm Tân Bình, tổ dân phố 1, phường Phổ Minh nối vào kênh N6 Liệt Sơn để phục vụ cho việc chống hạn sản xuất nông nghiệp thuộc cánh đồng lúa thuộc địa bàn phường Phổ Minh, với diện tích khoảng 80 ha; sửa chữa các công trình thủy lợi (kênh mương, đập, trạm bơm) phục vụ công tác chống hạn và xâm nhập mặn cho người dân, gia súc, gia cầm và diện tích đất sản xuất nông nghiệp; sửa chữa hệ thống cấp nước sinh hoạt xã Phổ Châu.

Giảm tối đa diện tích bị ảnh hưởng

Phó Giám đốc Sở Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi Võ Quốc Hùng, trước tình hình hạn hán, thiếu nước đang diễn ra, Sở Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi đã xây dựng, ban hành phương án phòng chống hạn, xâm nhập mặn phục vụ dân sinh, sản xuất vụ hè thu năm 2024 trên địa bàn tỉnh; hướng dẫn các địa phương, đơn vị thực hiện các biện pháp chống hạn cụ thể, phù hợp với tình hình thực tế tại từng thời điểm xảy ra hạn hán, bảo đảm hiệu quả, tiết kiệm nước phục vụ dân sinh và sản xuất.

Cũng theo đồng chí Võ Quốc Hùng, qua rà soát của các địa phương, đơn vị, tổng nhu cầu kinh phí cần để sửa chữa, nạo vét công trình, cống lấy nước bị bồi lấp, hư hỏng nặng nhằm bảo đảm tưới, phục vụ chống hạn với kinh phí hơn 228,8 tỷ đồng.

Nhiều diện tích trồng lúa ở xã Phổ Cường, thị xã Đức Phổ phải bỏ hoang vì thiếu nước tưới.

Nhiều diện tích trồng lúa ở xã Phổ Cường, thị xã Đức Phổ phải bỏ hoang vì thiếu nước tưới.

Để bảo đảm đạt chỉ tiêu kế hoạch sản xuất cây trồng vụ hè thu 2024 với khoảng 62.400ha, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tập trung hướng dẫn nông dân gieo sạ đúng lịch thời vụ và cơ cấu giống mà ngành chức năng đã đưa ra, phù hợp với thực tế từng vùng; khẩn trương vệ sinh đồng ruộng, tu sửa và nạo vét kênh mương, bờ vùng, bờ thửa để thông nước phục vụ sản xuất; kiểm tra tất cả các công trình thủy lợi trên địa bàn, có kế hoạch sửa chữa các công trình bị hư hỏng, bảo đảm sẵn sàng phục vụ sản xuất, trong đó đặc biệt quan tâm đến công trình đầu mối, các công trình trong khu vực nguồn nước có khả năng bị nhiễm mặn.

Đồng thời, phát động phong trào ra quân làm thủy lợi nội đồng, nạo vét cửa cống lấy nước, kênh dẫn, bể hút, trạm bơm tưới; đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa, nhất là vùng có nguy cơ bị hạn cao, thiếu nước phù hợp với quy hoạch, kế hoạch và điều kiện cụ thể của địa phương, hạn chế mức thấp nhất diện tích đất không sản xuất.

“Vấn đề đặt ra hàng đầu trong việc ứng phó với hạn hán là phải tổ chức quản lý chặt chẽ nguồn nước, vận hành hợp lý các công trình thủy lợi, điều tiết nước theo từng giai đoạn phù hợp với yêu cầu cây trồng, bảo đảm sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, giảm tối đa diện tích bị ảnh hưởng bởi hạn hán, thiếu nước và xâm nhập mặn; không gieo trồng đối với những diện tích không bảo đảm nước tưới suốt vụ, sản xuất không an toàn”, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi Trần Phước Hiền chỉ đạo.

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/quang-ngai-trien-khai-nhieu-giai-phap-ung-pho-han-han-post808951.html
Zalo