Quảng Ngãi phát triển theo 3 tầm nhìn chiến lược
Quảng Ngãi phát triển dựa trên ưu thế riêng có - hướng đến mô hình phát triển kiểu mẫu bền vững; Quảng Ngãi - một điểm đến mới, chuyên sâu trên cung kinh tế trọng điểm miền Trung...
UBND tỉnh Quảng Ngãi cho biết, dựa trên việc phân tích và trao đổi ở các cấp độ, tỉnh Quảng Ngãi đưa ra 3 tầm nhìn chiến lược để phát triển kinh tế - xã hội trong tương lai sau khi Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Thứ nhất là phát triển dựa trên ưu thế riêng có - hướng đến mô hình phát triển kiểu mẫu bền vững. Thứ hai là Quảng Ngãi - một điểm đến mới, chuyên sâu trên cung kinh tế trọng điểm miền Trung. Thứ ba là Quảng Ngãi phát huy lợi thế riêng có để trở thành Trung tâm hậu cần cảng biển, kinh tế biển - đảo, hành lang kinh tế Đông Tây.
Quan điểm phát triển của tỉnh Quảng Ngãi là phải phù hợp, đồng bộ với định hướng, tầm nhìn phát triển đất nước, theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030, các quy hoạch cấp quốc gia, Quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến 2050 và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi lần thứ XX; phát huy lợi thế đặc điểm, vai trò, vị trí địa lý để tổ chức, bố trí không gian phát triển các hoạt động kinh tế - xã hội phù hợp theo định hướng phát triển hạ tầng quốc gia, liên kết vùng và liên kết thị trường, phát huy kinh tế biển xanh, kinh tế rừng xanh, nông nghiệp xanh, công nghiệp công nghệ cao; đổi mới mạnh mẽ tư duy, hành động, tận dụng triệt để các tiềm năng và nguồn lực để tạo động lực phát triển; tiếp tục phát triển nhanh dựa trên cơ sở tập trung các ngành, lĩnh vực đang có sẵn lợi thế; đồng thời phân bổ tối đa nguồn lực hỗ trợ phát triển các ngành, lĩnh vực phù hợp với xu thế phát triển xanh và bền vững; chủ động tham gia mạnh mẽ vào quá trình hội nhập quốc tế.
Cùng với đó, tỉnh Quảng Ngãi sẽ tập trung đầu tư đồng bộ, hiện đại, hiệu quả kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội theo hướng liên thông, có khả năng lan tỏa lợi ích lớn và phục vụ đa mục tiêu; phát triển hài hòa ba yếu tố kinh tế - xã hội - môi trường; phát triển đa dạng các thành phần kinh tế và các loại hình doanh nghiệp, coi doanh nghiệp và con người là trung tâm và động lực chính cho sự phát triển; tập trung phát triển kinh tế số, xã hội số một cách tổng thể, toàn diện; nâng cao chất lượng tăng trưởng, chú trọng vào năng suất kinh tế thay vì năng suất sản phẩm…