Quảng Ngãi: người dân vùng cao và nỗi lo sạt lở núi
Với hàng trăm điểm có nguy cơ sạt lở núi, lũ quét, người dân các huyện vùng cao Quảng Ngãi vẫn nơm nớp nỗi lo khi đến mùa mưa lũ.
Còn nhiều nỗi lo
Thôn Ra Pân (xã Sơn Long, huyện Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi) là nơi từng xảy ra vụ sạt lở kinh hoàng vào tháng 11/2020 khiến hàng chục hộ dân phải tháo chạy lánh nạn.
Để đảm bảo cuộc sống người dân, huyện Sơn Tây đã rà soát, đề xuất tỉnh triển khai xây dựng khu tái định cư cách nơi sạt lở trước đây khoảng 2 km với diện tích 2,6 ha. Cơ sở hạ tầng điện, nước… được đầu tư đáp ứng yêu cầu cần thiết cho bà con vùng cao.
Nhắc lại chuyện cũ, ông Đinh Văn Tường (thôn Ra Pân) vẫn rùng mình, không thể nào quên được đêm mưa lớn ấy, ông dắt vợ con chạy ra khỏi nhà trốn núi lở.
Bây giờ, tại nơi ở mới, gia đình ông được cấp 400 m2 đất để làm nhà. “Đất rộng có thể làm chuồng cho bò, chăn nuôi được thêm gà, vịt…”- ông Tường khoe.
Theo Chủ tịch UBND xã Sơn Long Đỗ Thanh Vượt, hiện có 35 hộ dân vùng núi lở thôn Ra Pân đã chuyển làm nhà ở khu tái định cư. Đây là nơi có độ an toàn cao nên bà con rất yên tâm. Mặc dù vậy, tại xã Sơn Long vẫn còn một số điểm có nguy cơ sạt lở vào mùa mưa lũ.
“Trên địa bàn xã còn có 3 điểm nguy cơ sạt lở ở các thôn Mang Hin và Tà Vây, ảnh hưởng 11 hộ dân. Phương án hiện nay là vận động bà con di dời đến chỗ an toàn khi xảy ra mưa, bão"- ông Vượt thông tin.
Tại xã Sơn Bua (huyện Sơn Tây), các ngọn núi quanh khu dân cư Nước Toa (thôn Mang Tà Bể) cũng nằm trong điểm nguy cơ sạt lở cao của địa phương trong mùa mưa lũ năm 2024. Đáng chú ý, những ngọn núi này cao 300-500 m và đã từng xảy ra sạt lở vào năm 2019 và năm 2006.
Khu vực trên có khoảng 58 hộ dân sinh sống, trong đó 25 hộ nguy cơ cao. Mỗi lần có thông tin mưa bão, địa phương đều di dời các hộ này đến vùng an toàn như trường học, UBND xã.
"Về lâu dài, cần có phương án tái định cư cho người dân để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản trong mùa mưa bão"- Chủ tịch UBND xã Sơn Bua Cao Văn Chung kiến nghị.
Huyện miền núi Sơn Tây là một trong những địa phương của Quảng Ngãi thường xuyên xảy ra sạt lở vào mùa mưa, bão. Toàn huyện có 6 điểm nguy cơ sạt lở ở cấp độ 1 với 53 hộ/189 khẩu; 32 điểm nguy cơ sạt lở cấp độ 2 với 233 hộ/896 khẩu và 2 điểm có nguy cơ sạt lở cấp độ 3 với 28 hộ/105 khẩu.
Sau cơn bão số 3, ngay trong ngày 9/9/2024, huyện tổ chức tổng kết phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn, trong đó, rà soát lần nữa tất cả các điểm sạt lở đã thống kê trước đó cho chặt chẽ theo phương án huyện kiểm tra xã, xã kiểm tra thôn, rà soát điểm sạt lở cũ, điểm nguy cơ mới và điểm nghi ngờ nguy cơ sạt lở.
Đồng thời, phân công bố trí lực lượng túc trực, thực hiện tốt phương châm "4 tại chỗ", đặc biệt tích trữ lương thực, nhu yếu phẩm, chọn địa điểm như trường học có nhà bán trú, nhà ở kiên cố để thực hiện di dời, xen ghép.
Xã Trà Tây (huyện Trà Bồng) có 3 điểm nguy cơ sạt lở vào mùa mưa, gồm tổ 3 (thôn Tây), tổ 7, 8 (thôn Vàng) và thôn Bắc Dương.
Bên cạnh đó, khu vực thôn Tre chỉ có đường đất băng qua rừng để đi ra ngoài, nên vào mùa mưa lũ thường bị chia cắt, cô lập. Cuộc sống người dân gặp muôn vàn khó khăn, nguy cơ sạt lở luôn rình rập.
“Trước mưa lũ, chính quyền địa phương lên phương án di dời các hộ dân nằm trong vùng có nguy cơ sạt lở núi, lũ quét đến nhà văn hóa thôn, trường học... Riêng thôn Tre, cơ quan chức năng vận động người dân dự trữ lương thực, nhu yếu phẩm vì vào mùa mưa, tuyến đường vào thôn sẽ bị sạt lở, gây cô lập”- Chủ tịch UBND xã Trà Tây Hồ Văn Long cho biết.
Kịp thời di dời, sơ tán dân
Kết quả khảo sát lập các dự án bố trí sắp xếp dân cư vùng có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ ống, lũ quét giai đoạn 2021-2025 được tỉnh Quảng Ngãi phê duyệt cho thấy, địa bàn 5 huyện miền núi của Quảng Ngãi có hơn 1.800 hộ với trên 7.300 nhân khẩu đang sinh sống ở vùng có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ ống, lũ quét, đe dọa đến tính mạng, tài sản của người dân.
Rút kinh nghiệm từ công tác ứng phó bão số 3 và mưa, lũ sau bão tại các tỉnh phía Bắc, mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Nguyễn Hoàng Giang yêu cầu các địa phương rà soát, thống kê đầy đủ, cụ thể từng điểm có nguy cơ cao sạt lở đất, lũ quét và các vị trí đứt gãy địa chất trên địa bàn… để chủ động ứng phó khi có mưa, lũ xảy ra.
Đặc biệt chú trọng kiểm tra, rà soát các khu dân cư, nhà dân, trụ sở cơ quan, đơn vị trên địa bàn (nhất là tại các khu vực miền núi) nằm trong vùng có nguy cơ cao sạt lở, lũ quét, phải có phương án đối phó sớm, cụ thể để đảm bảo an toàn cho người dân; chủ động theo dõi chặt chẽ diễn biến thiên tai, kịp thời di dời, sơ tán người dân trong khu vực đến nơi an toàn.
Sở Công Thương chỉ đạo các chủ hồ chứa thủy điện kiểm tra các điều kiện an toàn công trình; tuân thủ quy trình vận hành hồ chứa, liên hồ chứa đã được cấp thẩm quyền phê duyệt...