Quảng Ngãi - Kon Tum bàn việc sáp nhập: Ưu tiên đầu tư giao thông, hỗ trợ nhà ở

Tập trung đầu tư hạ tầng giao thông kết nối, hỗ trợ lưu trú cho cán bộ, tăng trưởng hai con số... là những nội dung chính được Ban thường vụ hai tỉnh Quảng Ngãi và Kon Tum nhấn mạnh, trong cuộc họp lần thứ 2 về công tác sáp nhập tỉnh, chiều 11/5.

Cấp tốc đầu tư hạ tầng giao thông kết nối

Bí thư Tỉnh ủy Kon Tum Dương Văn Trang cho rằng, việc xây dựng nghị quyết để phấn đấu đưa tỉnh Quảng Ngãi sau sáp nhập trở thành tỉnh phát triển khá là cần thiết. Song, cần nghiên cứu kỹ và dựa trên tính thực tiễn của hạ tầng kết nối.

Quang cảnh buổi làm việc lần thứ 2 giữa Ban thường vụ Tỉnh ủy hai tỉnh Quảng Ngãi và Kon Tum chuẩn bị cho công tác sáp nhập.

Quang cảnh buổi làm việc lần thứ 2 giữa Ban thường vụ Tỉnh ủy hai tỉnh Quảng Ngãi và Kon Tum chuẩn bị cho công tác sáp nhập.

Theo ông Trang, hiện tại hạ tầng kết nối giữa hai tỉnh Quảng Ngãi và Kon Tum còn bất cập. Việc đi lại khó khăn, nhất là vào mùa mưa bão, sạt lở, giao thông trắc trở. Ngoài ra, tuyến QL24 chưa đầu tư hoàn thiện nên việc trung chuyển hàng hóa, thông thương từ Kon Tum về Quảng Ngãi chưa cao.

"Ngoài QL24 thì cần tăng tốc hoàn thành những dự án dang dở và đầu tư các tuyến đường kết nối hiện tại giữa hai tỉnh để giao thông thuận lợi nhất", ông Trang nói.

"An cư mới lập nghiệp, do vậy việc đảm bảo nơi ăn, chốn ở cho cán bộ là rất quan trọng. Đề nghị tỉnh Quảng Ngãi cần quan tâm, sắp xếp nơi ở cho cán bộ tỉnh Kon Tum khi đến Quảng Ngãi làm việc. Trong đó, cố gắng bố trí mỗi cán bộ thuộc diện Ban thường vụ quản lý một phòng nghỉ".

Bí thư Tỉnh ủy Kon Tum Dương Văn Trang

Người đứng đầu Tỉnh ủy Kon Tum đánh giá, khi sáp nhập Quảng Ngãi có cửa khẩu Bờ Y kết nối 4 tỉnh Nam Lào và các tỉnh của Thái Lan, xe tải lớn, xe container chở hàng nông lâm sản, khoáng sản về Việt Nam rất nhiều. Song, muốn biến lợi thế này thành "nguồn thu" cần đầu tư hạ tầng bài bản, kết nối thông suốt.

Khi đó, phương tiện sẽ đi thẳng từ cửa khẩu đến cảng Dung Quất mà không phải đi vòng qua tỉnh Gia Lai đi cảng Quy Nhơn. Giao thông kết nối sẽ định hình Măng Đen thành khu du lịch sầm uất của tỉnh mới.

Tương tự, Phó bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Đặng Ngọc Huy cho rằng, cần đầu tư nguồn lực để phát triển hạ tầng, giao thông kết nối qua đó phát triển Lý Sơn thành trung tâm du lịch biển đảo và Măng Đen thành khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng hiện đại, sang trọng.

Tăng trưởng kinh tế từ 10% trở lên

Theo ông Đặng Ngọc Huy, dự thảo văn kiện Đại hội đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi xây dựng chỉ tiêu tăng trưởng nhiệm kỳ 2025-2030 là 8% và Kon Tum là 12%. Qua thảo luận, bàn bạc thống nhất tăng trưởng kinh tế từ 10% trở lên. Đến năm 2030 trở thành tỉnh phát triển khá.

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Bùi Thị Quỳnh Vân khẳng định tỉnh Quảng Ngãi sẽ đảm bảo nơi ăn, chốn ở cho cán bộ tỉnh Kon Tum đến TP Quảng Ngãi làm việc.

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Bùi Thị Quỳnh Vân khẳng định tỉnh Quảng Ngãi sẽ đảm bảo nơi ăn, chốn ở cho cán bộ tỉnh Kon Tum đến TP Quảng Ngãi làm việc.

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Bùi Thị Quỳnh Vân cho biết, dự thảo quy mô kinh tế tỉnh Quảng Ngãi mới là 133.000 tỷ đồng và tốc độ tăng trưởng từ 10% trở lên. Chỉ rõ điểm mạnh, lợi thế để xây dựng mục tiêu, kế hoạch tăng trưởng là Quảng Ngãi hiện có KKT Dung Quất với nhiều động lực, trọng tâm là Nhà máy lọc dầu Dung Quất, và quy hoạch Dung Quất trở thành Trung tâm năng lượng lọc hóa dầu quốc gia.

"Ngoài cơ sở nhà ở hiện có, UBND tỉnh cần rà soát lại tất cả nhà ở, tài sản công, trụ sở làm việc nhưng không có nhu cầu sử dụng… trình cấp có thẩm quyền tập trung sửa chữa, đảm bảo nơi ở cho cán bộ sau"
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Bùi Thị Quỳnh Vân

Ngoài ra, tại KKT Dung Quất có hai dự án của Tập đoàn Hòa Phát đi vào hoạt động. Sắp tới đây sẽ có dự án sản xuất thép chất lượng cao phục vụ xây dựng đường sắt tốc độ cao.

Như vậy, việc định hình trục tăng trưởng là phù hợp. Nhưng không phải nói là đạt được mà phải có sự nỗ lực rất lớn. Chúng ta có nền tảng là một tỉnh có nhiều dự án công nghiệp lớn. Đồng thời, có biên giới để phát triển hành lang đông tây. Du lịch biển đảo và sinh thái nghỉ dưỡng.

Bí thư Tỉnh ủy Kon Tum Dương Văn Trang đề xuất, hai tỉnh sau sáp nhập có nhiều yếu tố thuận lợi để phát triển kinh tế khi có biển, có đặc khu, cảng biển nước sâu… phía Tây có biên giới, cửa khẩu quốc tế, có tài nguyên rừng. Từ lợi thế này, chúng ta phải định hình các mục tiêu, định hướng để nhiệm kỳ tới làm và cho các nhiệm kỳ sau.

Tỉnh Quảng Ngãi dự kiến sẽ hỗ trợ mỗi cán bộ tỉnh Kon Tum 2 triệu đồng/tháng để thuê nhà ở khi đến Quảng Ngãi làm việc.

Tỉnh Quảng Ngãi dự kiến sẽ hỗ trợ mỗi cán bộ tỉnh Kon Tum 2 triệu đồng/tháng để thuê nhà ở khi đến Quảng Ngãi làm việc.

Hỗ trợ mỗi cán bộ Kon Tum 2 triệu đồng thuê nhà

Theo đề án sau sáp nhập, tỉnh mới Quảng Ngãi có diện tích tự nhiên 14.832,6km2 và quy mô dân số hơn 1,8 triệu người, với 96 xã, phường. Tỉnh Quảng Ngãi mới có đầy đủ các vùng, không gian phát triển từ cửa khẩu đất liền và vùng biển rộng lớn.

Tại buổi làm việc, lãnh đạo hai tỉnh Quảng Ngãi và Kon Tum thảo luận vấn đề về nhà công vụ cho cán bộ tỉnh Kon Tum ở khi đến TP Quảng Ngãi làm việc.

Được biết, tỉnh Kon Tum hiện có 1.101 cán bộ, công chức, người lao động. Riêng cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kon Tum quản lý là 116 người. Qua khảo sát, có 104 cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kon Tum quản lý có nhu cầu bố trí nhà ở công vụ, 991 người có nhu cầu hỗ trợ tiền thuê nhà.

Qua rà soát, có 4 cơ sở nhà, đất dự kiến bố trí làm nhà ở công vụ, gồm: Nhà ở A3 Tỉnh ủy, Nhà khách T50, Ký túc xá Trường Chính trị tỉnh và Nhà ở trụ sở làm việc Trung tâm Hỗ trợ và Giáo dục nghề nghiệp Nông dân - phụ nữ tỉnh.

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Bùi Thị Quỳnh Vân cho biết, tỉnh Quảng Ngãi sẽ đảm bảo điều kiện nơi ăn, chốn ở tốt nhất cho cán bộ tỉnh Kon Tum khi đến Quảng Ngãi làm việc. Trong đó, đối với cán bộ thuộc diện chưa cần hỗ trợ thuê nhà ở, tỉnh cũng đã tính và sẽ trình HĐND tỉnh ban hành nghị quyết chính sách đặc thù hỗ trợ mỗi cán bộ tỉnh Kon Tum 2 triệu đồng/tháng thuê nhà ở.

Lê Đức

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.vn/quang-ngai-kon-tum-ban-viec-sap-nhap-uu-tien-dau-tu-giao-thong-ho-tro-nha-o-192250511165311773.htm
Zalo