Quảng Ngãi họp tìm phương án khắc phục sạt lở cửa biển Sa Cần

Khu vực sạt lở cửa biển Sa Cần diễn biến ngày càng nghiêm trọng, UBND tỉnh Quảng Ngãi họp tìm phương án khắc phục.

Ngày 17-2, ông Trần Phước Hiền - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi chủ trì cuộc họp bàn phương án khắc phục sạt lở cửa biển, bờ sông khu vực cửa biển Sa Cần thuộc thôn Tân Hy 1 và thôn Sơn Trà, xã Bình Đông, huyện Bình Sơn.

 Toàn cảnh cuộc họp tìm phương án khắc phục sạt lở cửa biển Sa Cần.

Toàn cảnh cuộc họp tìm phương án khắc phục sạt lở cửa biển Sa Cần.

Theo Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Ngãi, những năm gần đây, khu vực cửa biển Sa Cần bị sạt lở nghiêm trọng do triều cường, sóng lớn tác động. Đặc biệt, trong năm 2024, khu vực này tiếp tục gia tăng sạt lở, nhiều vị trí sạt lở đến chân móng nhà của người dân, ảnh hưởng đến an toàn tính mạng, đất đai, tài sản của người dân sinh sống trong khu vực.

 Khu vực cửa biển Sa Cần bị sạt lở nhiều năm qua, ảnh hưởng trực tiếp đến 32 hộ dân.

Khu vực cửa biển Sa Cần bị sạt lở nhiều năm qua, ảnh hưởng trực tiếp đến 32 hộ dân.

Trước tình trạng trên, ngày 24-1, Chủ tịch UBND tỉnh đã ký quyết định công bố tình huống khẩn cấp về sạt lở bờ sông, bờ biển khu vực cửa Sa Cần và giao các sở, ngành địa phương liên quan đề xuất phương án khắc phục về lâu dài.

Sở NN&PTNT đề xuất phương án đầu tư tuyến kè, kết hợp đường giao thông có chiều dài 1,6km. Điểm đầu tuyến tại cầu Trà Bồng, điểm cuối tuyến thuộc thôn Tân Hy 1, xã Bình Đông; đồng thời, thực hiện khơi thông dòng chảy khu vực cửa Sa Cần dài khoảng 800m.

 Phương án Sở NN&PTNT đề xuất nhằm khắc phục sạt lở tại cửa biển Sa Cần.

Phương án Sở NN&PTNT đề xuất nhằm khắc phục sạt lở tại cửa biển Sa Cần.

Ông Trần Phước Hiền giao Sở NN&PTNT chủ trì, tiếp thu ý kiến góp ý của các sở, ngành, địa phương hoàn chỉnh phương án báo cáo UBND tỉnh xem xét, quyết định; giao Sở Tài chính có trách nhiệm tham mưu, đề xuất nguồn vốn thực hiện dự án để đảm bảo đầu tư hoàn thành công trình kè chống sạt lở trong năm 2025.

Ngoài đầu tư tuyến kè trên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cũng thống nhất với đề xuất của Sở NN&PTNT về tận dụng nguồn vật liệu sẵn có tại địa phương để khắc phục tình trạng sạt lở bờ biển đoạn từ Đồn Biên phòng cửa khẩu Cảng Dung Quất đến bãi biển Hòn Cóc, thôn Tuyết Diêm 1, xã Bình Thuận, huyện Bình Sơn có chiều dài khoảng 1,6km.

 Ông Trần Phước Hiền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi phát biểu tại cuộc họp.

Ông Trần Phước Hiền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi phát biểu tại cuộc họp.

Trước đó, báo Pháp Luật TP.HCM từng phản ánh về tình trạng sạt lở nghiêm trọng xảy ra ở cửa biển Sa Cần. Theo đó, các hộ dân sống tại khu vực cửa biển Sa Cần đang phải đối mặt với tình trạng sống thấp thỏm, lo âu trước nguy cơ sạt lở bờ biển nghiêm trọng.

Mùa mưa lũ, tình hình sạt lở bờ biển tại cửa biển Sa Cần ngày càng diễn biến phức tạp, có đoạn lấn sâu vào đất liền hơn 10m.

 Sạt lở bờ biển tại khu vực kéo dài khoảng 500m, có đoạn lấn sâu vào đất liền đến 10m.

Sạt lở bờ biển tại khu vực kéo dài khoảng 500m, có đoạn lấn sâu vào đất liền đến 10m.

Tại khu vực này, nhiều vị trí biển tiến sát đến chân móng nhà của người dân với chiều dài sạt lở gần 500m. Ước tính, có 32 hộ dân với 92 nhân khẩu đang bị đe dọa trực tiếp đến tính mạng và tài sản.

Khi tình hình sạt lở diễn biến ngày càng phức tạp, UBND huyện Bình Sơn đã có tờ trình các cơ quan có thẩm quyền về việc đề nghị công bố tình trạng khẩn cấp sạt lở cửa biển Sa Cần.

NGUYỄN YÊN

Nguồn PLO: https://plo.vn/quang-ngai-hop-tim-phuong-an-khac-phuc-sat-lo-cua-bien-sa-can-post834746.html
Zalo