Quảng Ngãi hoàn thành xây dựng và sửa chữa 4.024 căn nhà

Năm 2021, qua khảo sát, tỉnh Quảng Ngãi xác định có hơn 10,8 nghìn căn nhà cần được sửa chữa, xây mới. Trong những năm qua, nhờ sự đồng bộ, quyết liệt của Đảng bộ, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội và sự đồng lòng của doanh nghiệp, nhân dân, tính đến nay, tỉnh đã hoàn thành xây dựng và sửa chữa 4.024 căn nhà cho các hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn.

Quảng Ngãi tập trung thực hiện Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát. Ảnh: ST

Quảng Ngãi tập trung thực hiện Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát. Ảnh: ST

Hiện tỉnh còn 6.827 căn nhà cần được tu sửa và xây mới; trong đó, có 4.370 căn nhà cần xây mới và 2.457 căn nhà cần sửa chữa.

Quảng Ngãi cam kết hoàn thành mục tiêu Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát trong năm 2025, hiện thực hóa chủ trương lớn của Chính phủ.

Cùng với việc thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Chính phủ, tỉnh còn triển khai nhiều giải pháp trong huy động nguồn lực hỗ trợ, để mỗi căn nhà có thể đạt giá trị trên 100 triệu đồng, thực hiện được ý nghĩa nhân văn sâu sắc của Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

Để sớm hoàn thành Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát, tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện chương trình ở cả 3 cấp, từ tỉnh đến huyện, xã. Tổ chức chương trình phát động, huy động kinh phí xây dựng nhà ở cho các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Tính đến thời điểm này, tỉnh đã huy động được 242 tỷ đồng từ sự hỗ trợ của các cơ quan, đơn vị, nhà hảo tâm, các tập đoàn, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh.

Bên cạnh đó, tỉnh huy động các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể hỗ trợ tiền công xây dựng, giảm gánh nặng chi phí cho các hộ gia đình được hỗ trợ sửa chữa, xây mới nhà ở.

Từng cán bộ, đảng viên, các cấp ủy Đảng, chính quyền, các địa phương, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục nêu cao tinh thần, trách nhiệm; bám sát tình hình thực tế để có giải pháp kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, nhằm bảo đảm chương trình thực hiện đúng tiến độ và chất lượng theo mục tiêu, yêu cầu đề ra.

Không chỉ đôn đốc, kiểm tra, giám sát, các cấp, ngành, địa phương còn biểu dương khen thưởng kịp thời những tập thể, cá nhân thực hiện tốt chương trình. Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, tạo khí thế thi đua sôi nổi trong triển khai, thực hiện. Sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cùng với sự chung tay đóng góp từ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân và cộng đồng, sẽ tạo nên nguồn lực mạnh mẽ để hiện thực hóa mục tiêu xóa bỏ hoàn toàn nhà tạm, nhà dột nát, mang lại cuộc sống ổn định cho người nghèo, có hoàn cảnh khó khăn.

Việc thực hiện thành công Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát trên cả nước trong năm 2025 bảo đảm kịp tiến độ và chất lượng, mang lại nhiều ý nghĩa, có tính nhân văn cao cả; thể hiện truyền thống tốt đẹp của dân tộc “truyền thống đoàn kết, tương thân tương ái” đã được nhân dân Việt Nam thực hiện từ xưa tới nay./.

TRẦN HUYỀN

Nguồn Kiểm Toán: http://baokiemtoan.vn/quang-ngai-hoan-thanh-xay-dung-va-sua-chua-4-024-can-nha-38003.html
Zalo