Quảng Ngãi gỡ khó cho dự án Khu công nghiệp VSIP II

Trong quá trình triển khai các công việc để khởi công, dự án VSIP II Quảng Ngãi đã gặp những khó khăn, vướng mắc trong việc bồi thường, giải phóng mặt bằng… nên đã kiến nghị lên UBND tỉnh Quảng Ngãi để có những chỉ đạo, tháo gỡ.

Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp VSIP II Quảng Ngãi nằm trên địa bàn huyện Bình Sơn, do Công ty TNHH VSIP Quảng Ngãi làm chủ đầu tư, được Thủ tướng Chính phủ thông qua chủ trương đầu tư vào ngày 22/12/2023.

Dự án có quy mô khoảng 498 ha, tại phân khu công nghiệp, đô thị, dịch vụ Bình Thanh trên địa bàn xã Bình Hiệp (209 ha) và Bình Thanh (289 ha), thuộc Khu kinh tế Dung Quất (huyện Bình Sơn). Theo quy hoạch, Khu công nghiệp VSIP II Quảng Ngãi gồm các hạng mục chính như khu công trình dịch vụ, công trình sản xuất, kho tàng, hạ tầng kỹ thuật... Dự án sẽ phát triển đa ngành, công nghiệp công nghệ cao, thân thiện với môi trường, gắn với khu đô thị và dịch vụ hỗ trợ. Các ngành được ưu tiên thu hút đầu tư gồm: sản xuất ô tô, dệt may, chế biến thực phẩm, đồ uống, chế biến và chế tạo. Tổng vốn đầu tư của dự án khoảng 3.737 tỷ đồng. Khi hoàn thành, dự án sẽ thu hút đầu tư các dự án thứ cấp và giải quyết việc làm cho khoảng 49 nghìn lao động.

Nhằm tạo thuận lợi cho dự án, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã chỉ đạo Ban Quản lý Khu kinh tế Dung Quất và các Khu công nghiệp tỉnh, huyện Bình Sơn, cùng các cơ quan liên quan hướng dẫn nhà đầu tư thực hiện các thủ tục cần thiết để khởi công dự án đúng kế hoạch…

Mô hình phối cảnh dự án Khu công nghiệp VSIP II Quảng Ngãi.

Mô hình phối cảnh dự án Khu công nghiệp VSIP II Quảng Ngãi.

Đại diện Công ty VSIP Quảng Ngãi cho biết, đơn vị đang tập trung thực hiện các công tác để xúc tiến khởi công dự án, dự kiến vào tháng 8/2025. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai các công việc để khởi công, dự án VSIP II Quảng Ngãi đã gặp những khó khăn, vướng mắc trong việc bồi thường, giải phóng mặt bằng… nên đã có kiến nghị lên UBND tỉnh Quảng Ngãi để có những chỉ đạo, tháo gỡ.

Đặc biệt, địa phương cần khẩn trương đầu tư xây dựng các khu tái định cư để di dời dân, thu hồi đất, phục vụ giải phóng mặt bằng. Trong các năm 2024-2025, dự kiến hoàn thành 300 ha; năm 2026 là 192 ha. Phấn đấu từ quý IV/2025, dự án có thể đưa vào vận hành, kêu gọi đầu tư và giao đất cho các dự án thứ cấp…

Theo UBND huyện Bình Sơn, hiện công tác giải phóng mặt bằng cho dự án VSIP II Quảng Ngãi đang được triển khai, nhưng một số diện tích đất ở (khoảng 10 ha) gặp vướng mắc do phải chờ hoàn thiện khu tái định cư. Đối với 112 ha không phải là đất ở, huyện Bình Sơn cam kết đến hết tháng 11/2024 sẽ ra thông báo thu hồi đất.

Nhằm gỡ vướng cho dự án, ông Trần Phước Hiền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, đã yêu cầu UBND huyện Bình Sơn tiếp tục chỉ đạo các phòng, đơn vị liên quan và UBND các xã Bình Thanh, Bình Hiệp tập trung thực hiện tốt công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng thuộc trách nhiệm của chính quyền địa phương. Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu gặp vướng mắc phát sinh cần kịp thời báo cáo UBND tỉnh chỉ đạo giải quyết. Đối với các cơ quan, đơn vị liên quan, ông Trần Phước Hiền cũng yêu cầu khẩn trương lập báo cáo nghiên cứu khả thi khu tái định cư Bình Long để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt dự án đầu tư phục vụ công tác tái định cư của dự án VSIP II Quảng Ngãi.

Được khởi công từ năm 2013, VSIP Quảng Ngãi là dự án thứ năm của Tập đoàn VSIP tại Việt Nam và cũng là dự án VSIP đầu tiên tại khu vực miền Trung. Với vị trí chiến lược trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, Quảng Ngãi hiện có 5 khu công nghiệp và 20 cụm công nghiệp đã đi vào hoạt động, trong đó có Khu kinh tế Dung Quất với quy mô hơn 45 nghìn ha…

Theo Quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh sẽ phát triển hệ thống các khu công nghiệp hợp lý về không gian lãnh thổ, khai thác được tiềm năng, lợi thế của tỉnh và bảo đảm phát triển bền vững. Tỉnh cũng chú trọng đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác thu hút đầu tư, đặc biệt là từ các nhà đầu tư có nguồn lực tài chính, công nghệ tiên tiến và quản trị hiện đại; thu hút đầu tư vào các ngành có hàm lượng công nghệ cao, thân thiện với môi trường và giá trị gia tăng cao.

Đến năm 2030, Quảng Ngãi định hướng phát triển 10 khu công nghiệp, gồm 6 khu công nghiệp nằm trong Khu kinh tế Dung Quất (trong đó có 4 khu hiện hữu; dự kiến thành lập mới 2 khu) và 4 khu công nghiệp nằm ngoài Khu kinh tế Dung Quất (trong đó có 2 khu hiện hữu; dự kiến thành lập mới 2 khu). Tổng diện tích đất tính toán theo nhu cầu của 10 khu công nghiệp này là 6.648 ha.

Nghi Lộc

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/quang-ngai-go-kho-cho-du-an-khu-cong-nghiep-vsip-ii-157505.html
Zalo