Quảng Ngãi đua nước rút giải ngân vốn đầu tư công
Do gặp nhiều vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng nên dù có nhiều nỗ lực nhưng đến cuối tháng 10/2024, kết quả giải ngân của tỉnh Quảng Ngãi vẫn đạt thấp. Trước thực tế này, các cấp, các ngành, các chủ đầu tư đang chạy đua nước rút, quyết liệt triển khai các giải pháp nhằm phấn đấu đạt mục tiêu giải ngân ít nhất 80% kế hoạch vốn đã giao.
Theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Ngãi Nguyễn Văn Trọng, năm 2024, Quảng Ngãi được giao vốn đầu tư công gần 7.000 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn ngân sách địa phương hơn 5.045 tỷ đồng, nguồn ngân sách Trung ương hơn 1.857 tỷ đồng. Qua 10 tháng, Quảng Ngãi giải ngân khoảng 1.940 tỷ đồng, bằng 28,1% kế hoạch vốn giao, thấp hơn nhiều so với bình quân chung của cả nước.
Công trường sôi động trở lại
Sau nhiều tháng rơi vào cảnh vắng vẻ do vướng mặt bằng và đất đắp, gần 1 tháng qua, trên công trường đường ven biển Dung Quất-Sa Huỳnh, đoạn qua xã Đức Chánh và Đức Minh (huyện Mộ Đức) dài hơn 7km, với tổng mức đầu tư 146 tỷ đồng, đã sôi động trở lại. Tại những đoạn tuyến được giao mặt bằng sạch, các phương tiện, thiết bị đều hoạt động hết công suất. Tất cả các mũi thi công, các kỹ sư, công nhân ngày đêm cần mẫn bám công trường làm việc với tinh thần khẩn trương.
Ông Phạm Thành Nam, Phó Giám đốc Công ty Trường Phát Lợi (nhà thầu thi công) cho biết, thời điểm này, mặc dù mùa mưa song nhà thầu nỗ lực khắc phục khó khăn nguồn vật liệu, tranh thủ thời tiết thuận lợi, huy động nhiều nhân lực, máy móc và thiết bị, tăng kíp, tăng ca, kể cả làm ban đêm, tổ chức 3 mũi thi công gia cố mái và nền đá, nền đường.
“Với tinh thần vượt nắng, thắng mưa, đơn vị thi công luôn nêu quyết tâm đẩy nhanh tiến độ dự án. Nhờ đó, đến nay, đã thực hiện đạt khoảng 60% khối lượng xây lắp”, ông Phạm Thành Nam chia sẻ.
Theo Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Quảng Ngãi Ngô Văn Dụng, năm 2024, đơn vị được giao làm chủ đầu tư với tổng số vốn hơn 2.100 tỷ đồng, chiếm hơn 30% vốn đầu tư công của tỉnh. Ngoài 3 dự án không vướng mặt bằng gồm: đê chắn sóng cảng Bến Đình; đê chắn cát, giảm sóng và nạo vét thông luồng vào khu neo đậu tránh trú bão cảng cá Sa Huỳnh; công trình khẩn cấp kè chống sạt lở ở huyện Ba Tơ, Bình Sơn, thị xã Đức Phổ tiến độ giải ngân vượt kế hoạch, các dự án còn lại do vướng giải phóng mặt bằng và xác định giá đất cụ thể nên đều chậm tiến độ, tỷ lệ giải ngân đạt thấp. Vì vậy, đến cuối tháng 10, Ban mới chỉ giải ngân đạt 35% kế hoạch vốn giao.
Để đẩy nhanh tiến độ các dự án, nâng cao tỷ lệ giải ngân, những tháng cuối năm, lãnh đạo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh thường xuyên có mặt hiện trường, kịp thời tháo gỡ khó khăn, đôn đốc nhà thầu tăng ca, tăng kíp. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các địa phương vận động người dân dọn dẹp cây cối, hoa màu trồng trên đất không đủ điều kiện bồi thường, sớm bàn giao mặt bằng để thi công dự án.
Ông Dụng cho biết, từ nay đến cuối năm, thời gian không còn nhiều, do đó, có mặt bằng đến đâu, Ban yêu cầu nhà thầu tiếp cận thi công đến đó, tổ chức tăng ca, tăng kíp, làm ngày đêm. Mục tiêu là vừa có khối lượng xây lắp, vừa nghiệm thu đảm bảo chất lượng và hoàn tất thủ tục thanh toán ngay để nâng tỷ lệ giải ngân, phấn đấu năm 2024, giải ngân ít nhất đạt 50% vốn giao.
Đối với Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh Quảng Ngãi, Giám đốc Võ Thành Trung cho biết, Ban được tỉnh giao làm chủ đầu tư nhiều công trình với các hình thức quản lý dự án khác nhau. Ý thức trách nhiệm đối với tiến độ dự án cũng như giải ngân, thời gian qua, các công trình do Ban làm chủ đầu tư đều triển khai đồng bộ, đáp ứng yêu cầu đề ra. Tuy nhiên, đối với vài dự án vướng mặt bằng, Ban phối hợp với địa phương và các đơn vị liên quan tháo gỡ từng bước một, tháo gỡ đến đâu chỉ đạo nhà thầu thi công ngay đến đó. Nhờ đó, đến đầu tháng 11, công tác giải ngân đạt 61% vốn giao.
Chia sẻ kinh nghiệm trong việc đẩy nhanh tiến độ giải ngân, ông Võ Thành Trung cho rằng, vấn đề quan trọng là lãnh đạo đơn vị phải thường xuyên túc trực trên công trường, quyết liệt xử lý tất cả những vướng mắc thuộc thẩm quyền, nếu vượt thẩm quyền báo cáo với cấp trên kịp thời xử lý. Bên cạnh đó, cùng với việc yêu cầu các nhà thầu có uy tín, năng lực đẩy nhanh tiến độ thi công, tất cả các khâu thanh toán khối lượng cần phải nhịp nhàng, cả hệ thống đều chạy trơn tru và đồng bộ để rút ngắn thời gian giải ngân.
Lập tổ công tác đôn đốc giải ngân
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Nhân Dân, trong số 28 chủ đầu tư là sở, ban ngành và địa phương, có đến 10 chủ đầu tư thực hiện tiến độ giải ngân không đạt yêu cầu, tỷ lệ thấp hơn so mức bình quân chung của tỉnh; trong khi đó, 2 tháng cuối năm vẫn còn khoảng 50% vốn đầu tư công cần giải ngân trong niên hạn năm 2024. Thời gian trong năm chỉ còn tính bằng ngày, cho nên tỉnh Quảng Ngãi đang “chạy đua” nước rút, phấn đấu giải ngân số vốn đầu tư công đạt ít nhất 80% kế hoạch trở lên.
Để hoàn thành mục tiêu đề ra, song song với việc thành lập 3 tổ công tác đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công; mỗi tổ công tác do một Phó Chủ tịch Ủy ban nhân tỉnh làm tổ trưởng, thường xuyên làm việc với các chủ đầu tư phân tích rõ nguyên nhân chậm trễ của từng dự án, trách nhiệm liên quan, từ đó chỉ đạo tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án và giải ngân, tỉnh Quảng Ngãi còn đưa ra nhiều giải pháp quyết liệt.
Cụ thể, tại cuộc họp đánh giá kết quả giải ngân vốn đầu tư công 10 tháng đầu năm 2024 và tình hình thực hiện các công trình trọng điểm, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Nguyễn Hoàng Giang yêu cầu, thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố, chủ đầu tư tăng cường giám sát, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong công tác quản lý vốn đầu tư công; thường xuyên tổ chức kiểm tra hiện trường để đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình; thực hiện nghiệm thu, lập hồ sơ thanh toán ngay khi có khối lượng hoàn thành; kiên quyết xử lý nghiêm khắc các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, tổ chức, cá nhân cố tình gây khó khăn, cản trở nhà thầu trong quá trình lập hồ sơ tạm ứng, hồ sơ thanh toán, thiếu trách nhiệm làm chậm tiến độ thực hiện dự án và giải ngân vốn đầu tư công; xử lý nghiêm các trường hợp nhà thầu vi phạm tiến độ, chất lượng hợp đồng. Đồng thời, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tháo gỡ và xử lý vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng.
“Công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng là nút thắt quan trọng trong triển khai thực hiện dự án. Vì vậy, các chủ đầu tư, ban quản lý các dự án chuyên ngành phối hợp chặt chẽ với các địa phương trong quá trình thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng; ưu tiên thực hiện trước các hạng mục không bị vướng mặt bằng”, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Nguyễn Hoàng Giang chỉ đạo.
Từ những chỉ đạo quyết liệt của tỉnh, tiến độ giải ngân đầu tư công ở Quảng Ngãi thời gian gần đây đã có những chuyển biến rõ nét. Các sở, ngành và địa phương, chủ đầu tư đã rà soát, đánh giá và lên phương án chi tiết thi công cho từng dự án; điều chỉnh kế hoạch vốn từ những dự án chậm giải ngân sang các dự án có khả năng giải ngân, đảm bảo giải ngân hết số vốn được giao, đăng ký bổ sung kế hoạch vốn đối với các dự án có nhu cầu, với quyết tâm đạt kết quả giải ngân cao nhất khi kết thúc năm ngân sách.