Quảng Ngãi: Ăn cá muối chua, một người nguy kịch vì ngộ độc Botulinum
Trong lúc đi làm rẫy, anh A Khởi (trú xã Kon Plông, tỉnh Quảng Ngãi) ăn cơm với cá muối chua rồi rơi vào hôn mê do ngộ độc Botulinum
Ngày 18-7, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ngãi 2 (phường Kon Tum, tỉnh Quảng Ngãi) cho biết vừa cấp cứu thành công một ca ngộ độc Botulinum nặng.
Trước đó, ngày 15-7, bệnh nhân A Khởi (dân tộc Xơ Đăng, 23 tuổi, trú xã Kon Plông) được người nhà đưa đến bệnh viện trong tình trạng hôn mê sâu, da niêm mạc nhợt, môi tím tái, thở ngáp.
Gia đình cho hay, ngày 12-7, trong lúc đi làm rẫy, anh Khởi đã ăn cơm với món cá muối chuamang theo. Sau bữa ăn, anh có biểu hiện đau bụng, mệt mỏi. Đến ngày 15-7 thì hôn mê nên được đưa đi cấp cứu.

Anh Khởi ăn cá muối chua dẫn tới bị ngộ độc Botulinum, đang điều trị tại bệnh viện.
Qua kiểm tra, bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị ngộ độc Botulinum và chuyển xuống khoa Hồi sức tích cực - Chống độc để điều trị.
Bác sĩ tại khoa Hồi sức tích cực - Chống độc cho biết, độc lực của Botulinum rất mạnh, gây liệt cơ hô hấp, tổn thương thần kinh nên việc điều trị rất khó khăn. Thuốc điều trị cũng rất hiếm và đắt đỏ, khoảng 10.000 USD/lọ.
Đến nay, bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch và đang được theo dõi đặc biệt.
Cá muối chua là món ăn truyền thống của một số vùng đồng bào dân tộc thiểu số, quá trình ủ và lên men không bảo đảm vệ sinh có thể tạo điều kiện cho vi khuẩn Clostridium botulinum phát triển.
Từ năm 2020 đến nay, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ngãi 2 đã tiếp nhận gần 30 ca ngộ độc Botulinum, trong đó có 2 trường hợp tử vong.
Các bác sĩ khuyến cáo người dân cần cẩn trọng với các món ăn lên men, bảo đảm chế biến an toàn để tránh nguy cơ ngộ độc.