Quảng Ngãi: 22 hồ chứa nước bị hư hỏng, xuống cấp cần sửa chữa

Toàn tỉnh Quảng Ngãi còn 22 hồ chứa nước bị hư hỏng, xuống cấp nặng cần thiết phải sửa chữa, nâng cấp để bảo đảm an toàn đập, hồ chứa nước.

Ngày 13-8, Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ngãi vừa có kết quả kiểm tra tình hình đảm bảo an toàn công trình thủy lợi, đê điều trước mùa mưa lũ năm 2024 trên địa bàn tỉnh.

Tính đến tháng 7-2024, tỉnh Quảng Ngãi có 836 công trình thủy lợi được đưa vào quản lý, khai thác để cấp nước cho sản xuất nông nghiệp và các ngành kinh tế khác, tổng năng lực thiết kế công trình là 69.207,6ha, năng lực tưới thực tế là 49.117,4ha, đạt gần 71% so với năng lực thiết kế.

Qua kết quả kiểm tra công trình trước mùa mưa, lũ cho thấy, về cơ bản các công trình đảm bảo an toàn trong mùa mưa lũ, vẫn còn một số hồ chứa nước bị hư hỏng, xuống cấp và đã được các địa phương, đơn vị xử lý tạm thời những vị trí xung yếu.

Trong tổng số 836 công trình có 196 công trình được xây dựng từ năm 1989 trở về trước. Những năm qua, tỉnh Quảng Ngãi nhận được hỗ trợ bằng nhiều nguồn vốn của bộ, ngành Trung ương, địa phương. Qua đó, tỉnh đã đầu tư sửa chữa, nâng cấp khoảng 69 hồ chứa nước; đang triển khai sửa chữa, nâng cấp 3 hồ chứa nước.

 Nhiều hồ chứa nước ở Quảng Ngãi bị hư hỏng, xuống cấp nặng cần phải sửa chữa, nâng cấp. Ảnh: NGUYỄN TRANG

Nhiều hồ chứa nước ở Quảng Ngãi bị hư hỏng, xuống cấp nặng cần phải sửa chữa, nâng cấp. Ảnh: NGUYỄN TRANG

Hiện toàn tỉnh còn 22 hồ chứa nước bị hư hỏng, xuống cấp nặng cần thiết phải sửa chữa, nâng cấp để bảo đảm an toàn đập, hồ chứa nước.

Đối với các đập đất, kích thước mặt cắt ngang không đảm bảo do mái thượng lưu bị sạt lở, lớp đá gia cố mái thượng lưu hầu hết bị hư hỏng, nền và thân đập đất bị thấm lớn có nguy cơ gây mất ổn định đập, không có vật thoát nước hạ lưu đập.

Đối với tràn xả lũ, phần lớn là tràn tự nhiên trên nền đất hoặc đá phong hóa nên bị xói lở, một số tràn xả lũ làm bằng bê tông hoặc đá do xây dựng đã lâu, nay bị xói lở và hư hỏng bể tiêu năng. Cống lấy nước bị rò rỉ dọc thân ống, cửa van bị hư hỏng…

Đối với đập dâng và trạm bơm, các bể tiêu năng, sân trước, sân sau và tường bên thượng - hạ lưu làm bằng đá xây bị hư hỏng, xói lở, cần sửa chữa nâng cấp. Các đập dâng ở miền núi thường bị hư hỏng lớp bê tông bảo vệ bề mặt tràn, mặt đập, để lộ cốt thép, bồi lắng thượng lưu đập và xói lở hạ lưu đập.

Những công trình này được xây dựng trước năm 1989 theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm hoặc nhân dân làm Nhà nước hỗ trợ” được đầu tư không đồng bộ, chưa kiên cố hoặc thi công bằng thủ công nên công trình không đảm bảo chất lượng. Tình hình mưa, lũ diễn biến ngày càng phức tạp với tần suất và cường độ mưa, lũ ngày càng cao, làm cho nhiều công trình nhanh xuống cấp, nhất là các hồ chứa nước quy mô vừa và nhỏ.

Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ngãi đề nghị UBND tỉnh bố trí kinh phí đầu tư 22 hồ chứa nước hư hỏng, xuống cấp cần được đầu tư sửa chữa, nâng cấp với tổng kinh phí 338 tỷ đồng, bố trí kinh phí thực hiện nhiệm vụ phân cấp đê trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi.

Đề nghị Bộ NN-PTNT xem xét, hỗ trợ kinh phí để đầu tư sửa chữa, nâng cấp, đảm bảo an toàn cho 22 hồ chứa nước xuống cấp nặng. Xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ bố trí kinh phí đầu tư công trình hồ chứa nước Thượng Sông Vệ khoảng 4.000 tỷ đồng.

NGUYỄN TRANG

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/quang-ngai-22-ho-chua-nuoc-bi-hu-hong-xuong-cap-can-sua-chua-post753837.html
Zalo