Quảng Nam vươn mình sau giải phóng
Phát huy truyền thống 'Trung dũng, kiên cường, đi đầu diệt Mỹ', 50 năm sau ngày giải phóng, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Quảng Nam luôn chủ động khắc phục khó khăn, đoàn kết, chung sức xây dựng quê hương ngày thêm giàu mạnh...
Trung tuần tháng Tư, chúng tôi về xã Bình Dương, huyện Thăng Bình (Quảng Nam). Vùng quê năm xưa chỉ có những rặng dương già cằn cỗi giữa mênh mông cát trắng, với những mái nhà tranh bạc thếch vì nắng gió, giờ đây mọc lên hàng nghìn ngôi nhà mái ngói, tường xây kiên cố... Để có được khung cảnh thanh bình hôm nay, trong hai cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm, hàng nghìn người con ưu tú của xã Bình Dương đã ngã xuống vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, trong đó có 1.298 liệt sĩ. Toàn xã có 358 Bà mẹ Việt Nam anh hùng; hơn 300 thương binh, bệnh binh... Với những đóng góp trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Đảng bộ và nhân dân xã Bình Dương vinh dự được Đảng, Nhà nước hai lần tuyên dương danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân (vào các năm 1970, 1972) và Anh hùng Lao động (năm 1985).
Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Lê Huy Trắc, Chủ tịch UBND xã Bình Dương cho biết, được sự quan tâm đầu tư của Đảng, Nhà nước, cùng với tinh thần phát huy nội lực, chủ động khắc phục khó khăn, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Bình Dương đã có bước phát triển toàn diện về kinh tế, xã hội, văn hóa. Xã đạt chuẩn nông thôn mới, thu nhập bình quân đầu người 50 triệu đồng/năm...

Quảng Nam phấn đấu đưa Khu kinh tế mở Chu Lai trở thành khu kinh tế động lực của vùng và quốc gia.
Không chỉ riêng Bình Dương, về vùng đất “Trung dũng, kiên cường, đi đầu diệt Mỹ” hôm nay, chúng tôi đều nhận thấy sự “thay da đổi thịt”. Từ cầu Cửa Đại qua sông Thu Bồn và dọc tuyến đường ven biển 129 (nay là đường Võ Chí Công) nối từ Hội An vào Tam Kỳ là những làng quê trù phú, ấm no; những gương mặt người dân tin tưởng, hạnh phúc. Các dự án công nghiệp, du lịch đã biến vùng cát trắng hoang vu trở nên sôi động, kéo theo sự chuyển dịch lao động mạnh mẽ.
Từ một tỉnh nghèo khó nhất, nhì cả nước, kinh tế chủ yếu thuần nông, sản xuất nông nghiệp lạc hậu (hơn 50% số hộ dân thuộc diện đói nghèo), công nghiệp và du lịch chưa nổi bật, thu ngân sách chỉ hơn 150 tỷ đồng trong năm đầu tái lập tỉnh (1997), đến nay, Quảng Nam đã liên tục vươn lên, phát triển đầy ấn tượng. Năm 2024, tổng thu phát sinh kinh tế trên địa bàn tỉnh đạt hơn 27.600 tỷ đồng (gấp 217 lần năm 1997), quy mô kinh tế đạt hơn 129.000 tỷ đồng, thu nhập bình quân đầu người hơn 84 triệu đồng/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch mạnh theo hướng công nghiệp-dịch vụ. Đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh (đến cuối năm 2024 còn 4,56%). Cả tỉnh có 149/193 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, 5 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Diện mạo đô thị, nông thôn, miền núi, hải đảo, vùng biên giới hoàn toàn đổi thay so với những ngày đầu tỉnh được giải phóng.
Từ một tỉnh thuần nông, đến nay, Quảng Nam đã có Khu kinh tế mở Chu Lai với trung tâm sản xuất, lắp ráp ô tô, công nghiệp cơ khí lớn nhất cả nước; có sân bay Chu Lai hoạt động hiệu quả và được quy hoạch trở thành cảng hàng không quốc tế cấp 4F, có cảng biển được quy hoạch loại 1, đón được tàu 5 vạn tấn. Toàn tỉnh có 14 khu công nghiệp và hơn 50 cụm công nghiệp đang hoạt động với nhiều nhà đầu tư lớn, thu hút hơn 6,2 tỷ USD đầu tư nước ngoài và hàng trăm nghìn tỷ đồng nguồn đầu tư trong nước, giải quyết việc làm cho hơn 113.000 lao động. Kết cấu hạ tầng giao thông phát triển đồng bộ (sân bay, cảng biển, đường sắt, đường bộ, có cửa khẩu quốc tế kết nối liên vùng). Du lịch-dịch vụ phát triển nhanh, trong đó, Hội An trở thành một trong những trung tâm du lịch hàng đầu cả nước và có thương hiệu điểm đến nổi bật trên bản đồ du lịch thế giới. Phong trào khởi nghiệp, sáng tạo lan tỏa rộng khắp. Toàn tỉnh có hơn 480 sản phẩm OCOP được xếp loại từ 3 sao trở lên, trong đó có nhiều sản phẩm từ sâm Ngọc Linh, khẳng định sự đa dạng, phong phú và sức sống mạnh mẽ của kinh tế nông thôn Quảng Nam. Cùng với phát triển kinh tế, Quảng Nam chú trọng bảo đảm an sinh, phúc lợi, tiến bộ và công bằng xã hội; hài hòa giữa thành thị và nông thôn, giữa đồng bằng và miền núi. Sự nghiệp giáo dục-đào tạo, y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân đạt nhiều thành tựu nổi bật.
Đánh giá về sự phát triển của quê hương, đồng chí Lương Nguyễn Minh Triết, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam khẳng định: “Với sự vận dụng đường lối đổi mới của Đảng; bám sát tiềm năng, thế mạnh, cơ hội phát triển trong giai đoạn mới, Đảng bộ, chính quyền tỉnh Quảng Nam đã ban hành nhiều quyết sách táo bạo, kịp thời và hiệu quả; nhất là chủ trương chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp là chủ yếu sang công nghiệp-dịch vụ, tập trung đầu tư vùng phía Đông, tạo động lực phát triển toàn tỉnh. Đảng bộ và nhân dân tỉnh đã vượt qua muôn vàn khó khăn, thách thức, nối tiếp và phát huy xứng đáng truyền thống “canh tân”, để từng bước “định danh” Quảng Nam trên bản đồ phát triển của khu vực duyên hải miền Trung-Tây Nguyên và cả nước”.