Quảng Nam: Thông tin 'đĩa cổ trên mái Chùa Cầu bị mất cắp' là không chính xác

Mấy ngày qua, một số trang facebook đăng tải 2 bức ảnh về phần mái của Chùa Cầu, kèm thông tin 'đĩa cổ trên mái Chùa Cầu bị mất cắp'. Tối 1/8, trao đổi phóng viên Báo Đại Đoàn Kết, lãnh đạo TP Hội An khẳng định, thông tin trên không chính xác, sai sự thật.

Những ngày gần đây, sau khi trùng tu Chùa Cầu ở Hội An, đã có nhiều ý kiến khác nhau đánh giá về màu sắc Chùa Cầu. Chính quyền TP Hội An, tỉnh Quảng Nam đã đưa ra nhiều lý giải để người dân và du khách có cái nhìn tổng thể, khách quan, rõ hơn về quá trình trùng tu di tích Chùa Cầu. Thế nhưng trên mạng xã hội lại xuất hiện một số hình ảnh so sánh kèm thông tin “đĩa cổ trên mái Chùa Cầu bị mất cắp”.

Phần mái trên Chùa Cầu sau khi trùng tu.

Phần mái trên Chùa Cầu sau khi trùng tu.

Ông Phạm Phú Ngọc, Giám đốc Trung tâm quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An khẳng định: “Toàn bộ đĩa mặt tiền diềm mái phần cầu được đánh số và tận dụng trở lại ở đúng những vị trí cũ, ở 2 đầu cầu chỉ thay một số vị trí đĩa đã mất hoàn toàn. Bờ nóc, bờ chảy các đĩa gốc bị nứt nhẹ được xử lý và trả lại. Chi tiết cụ thể các phần này có hình ảnh hiện trạng đã chụp, ghi chép và hoàn thành thực tế. Do đó, thông tin mất đĩa cổ trên mái Chùa Cầu sau khi trùng tu là sai sự thật”.

Một góc Chùa Cầu sau khi trùng tu.

Một góc Chùa Cầu sau khi trùng tu.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND TP Hội An cho biết, hình ảnh trên mạng không chính xác. Đĩa lắp trên Chùa Cầu sau khi trùng tu sử dụng lại đĩa cũ. Ngoài ra, đây cũng không phải đĩa cổ mà từ đợt trùng tu năm 1986 mới xuất hiện.

Tấn Thành - Chí Đại

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/quang-nam-thong-tin-dia-co-tren-mai-chua-cau-bi-mat-cap-la-khong-chinh-xac-10287080.html
Zalo