Quảng Nam: Tăng trưởng kinh tế năm 2025 phải đạt ít nhất 10%
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Quảng Nam nỗ lực hoàn thành thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ đề ra năm 2025 và giai đoạn 2021-2025, phấn đấu tăng trưởng kinh tế tỉnh cả năm đạt ít nhất 10%.
![Thủ tướng phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: CP](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_10_624_51436813/8fc196ebada544fb1db4.jpg)
Thủ tướng phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: CP
Chiều 08/02, tại thành phố Tam Kỳ, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng đoàn công tác làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam về tình hình kinh tế-xã hội, kết quả triển khai các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong chuyến công tác tại Quảng Nam năm 2022, phương hướng, nhiệm vụ năm 2025, giải quyết các đề xuất, kiến nghị của tỉnh, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc.
Năm 2024, tăng trưởng GRDP bắt đầu phục hồi tốt
Theo Báo cáo tại buổi làm việc, năm 2024, tăng trưởng GRDP bắt đầu phục hồi tốt, từ giảm 8,25% năm 2023 đến tăng 7,1% năm 2024; cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực (tỉ trọng công nghiệp-xây dựng và dịch vụ chiếm 68,3%).
Thu ngân sách nhà nước đạt kết quả tích cực. Tổng thu ngân sách trên địa bàn năm 2024 đạt 27,6 nghìn tỷ, tăng 10,1% so với năm 2023.
Thu hút đầu tư tạo được động lực tăng trưởng. Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến nay, trên địa bàn tỉnh có 241 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư trên 6,45 tỷ USD, xếp thứ 20 cả nước; trong đó tập trung chủ yếu vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo.
Du lịch là điểm sáng. Năm 2024 thu hút được 8 triệu lượt khách, trong đó có 5,5 triệu lượt khách quốc tế, chiếm gần 31,3% khách quốc tế đến Việt Nam, vừa đem lại giá trị kinh tế, vừa quảng bá đất nước, con người xứ Quảng nói riêng, Việt Nam nói chung.
Trong tháng đầu năm 2025, tình hình kinh tế-xã hội của Quảng Nam tiếp tục đạt kết quả tích cực trên nhiều lĩnh vực, tỉnh đặt mục tiêu tăng trưởng 10% trong năm 2025, tạo khí thế mới.
Tỉnh đã tổ chức tốt Tết Ất Tỵ 2025 diễn ra trong không khí vui tươi, đầm ấm, sum vầy, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm; mọi người, mọi nhà đều có Tết và Kỷ niệm trang trọng, ý nghĩa 95 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.
Quảng Nam tiếp tục thu hút tốt khách du lịch (trong tháng đầu năm thu hút 655.000 lượt, trong đó khách quốc tế 530.000 lượt). Chỉ đạo quyết liệt công tác sắp xếp tổ chức, tinh gọn bộ máy theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW. Tích cực, chủ động chuẩn bị đại hội đảng bộ tỉnh lần thứ XXIII, tiến tới Đại hội XIV của Đảng…
![Quang cảnh cuộc làm việc. Ảnh: CP](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_10_624_51436813/81f09ddaa6944fca1685.jpg)
Quang cảnh cuộc làm việc. Ảnh: CP
Quảng Nam lấy đường ven biển làm hành lang phát triển mới
Phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính cơ bản đồng tình với các báo cáo, ý kiến tại cuộc họp về những kết quả, thành tựu của Quảng Nam thời gian qua, nhất là tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, phát triển hạ tầng, khuyến khích doanh nghiệp làm được một số việc; khai thác các di sản Hội An, Mỹ Sơn; cùng cả nước tổ chức cho nhân dân đón Tết, nhà nhà có Tết, người người có Tết…; đóng góp vào thành tựu, kết quả chung của cả nước.
Thủ tướng cũng biểu dương tập đoàn Trường Hải (THACO) đã làm tốt các nội dung trong kết luận của Thủ tướng tại cuộc làm việc với Quảng Nam năm 2022.
Thủ tướng cũng chia sẻ một số băn khoăn, trăn trở về khai thác tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của tỉnh; phân tích một số bài học kinh nghiệm…
Chỉ rõ 10 nhóm giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm, Thủ tướng yêu cầu Quảng Nam nỗ lực hoàn thành thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ đề ra năm 2025 và giai đoạn 2021-2025, phấn đấu tăng trưởng kinh tế tỉnh cả năm đạt ít nhất 10%.
Muốn vậy, các doanh nghiệp trên địa bàn, các ngành có liên quan, các huyện, thành phố phải cùng quyết tâm, nỗ lực với chỉ tiêu được giao cụ thể; phát triển các lĩnh vực thế mạnh như công nghiệp, năng lượng, thương mại, logistics, du lịch, dịch vụ; và đẩy mạnh đa dạng hóa, thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng.
Làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống (đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng) và khai thác hiệu quả các động lực tăng trưởng mới như kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức, kinh tế sáng tạo, kinh tế ban đêm… và các ngành, lĩnh vực mới nổi như chíp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, phát triển công nghiệp văn hóa, công nghiệp giải trí.
Cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng công nghiệp và dịch vụ, phát triển dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, chú trọng xây dựng cơ sở dữ liệu lớn, đẩy mạnh thực hiện Đề án 06.
Khẩn trương ban hành và tổ chức triển khai hiệu quả Kế hoạch hành động của tỉnh thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị và Chương trình hành động của Chính phủ về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Đẩy mạnh 3 đột phá chiến lược về thể chế, hạ tầng, nhân lực, rà soát và tháo gỡ các vướng mắc về thể chế với quan điểm coi đây là "đột phá của đột phá"; tiếp tục thúc đẩy phát triển hạ tầng giao thông chiến lược, hạ tầng xã hội, y tế, giáo dục, thể thao; đào tạo nhân lực chất lượng cao.
Rà soát, huy động tối đa mọi nguồn lực cho phát triển; nâng cao hiệu quả thu hút và sử dụng vốn đầu tư (đặc biệt vốn FDI và hình thức đối tác công tư PPP).
Thủ tướng gợi ý Quảng Nam lấy đường ven biển làm hành lang phát triển mới, quy hoạch phía đông đường ven biển phải dành quỹ đất cho phát triển dịch vụ, sản xuất kinh doanh, còn phát triển công nghiệp và đô thị tại phía tây tuyến đường, các khu đô thị, bất động sản càng sát núi càng tốt…
Xây dựng sân bay Chu Lai cấp 4F
Cũng tại cuộc làm việc, lãnh đạo các bộ, ngành đã phản hồi và Thủ tướng đã cho ý kiến cụ thể về các đề xuất, kiến nghị của Quảng Nam để giải quyết dứt điểm các vấn đề, vướng mắc liên quan việc xã hội hóa đầu tư, khai thác sân bay Chu Lai gắn với khu phi thuế quan Tam Quang; bảo tồn, phát huy giá trị di sản thế giới Hội An, Mỹ Sơn; phát triển khu kinh tế mở Chu Lai trở thành trung tâm công nghiệp hỗ trợ ô tô và cơ khí đa dụng quốc gia; đầu tư luồng Cửa Lở cho tàu 50.000 tấn và quy hoạch trung tâm logistics container tại cảng Chu Lai; đầu tư, nâng cấp quốc lộ 14D, 14B; điều chỉnh quy hoạch khu đô thị đại học Đà Nẵng…
Thủ tướng nêu rõ sân bay Chu Lai có vị trí rất chiến lược, quan trọng, là tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của tỉnh, phải xây dựng sân bay Chu Lai cấp 4F (cấp cao nhất trong phân cấp của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế) và quy hoạch, phát triển đô thị sân bay, phát triển hệ sinh thái sân bay. Thủ tướng giao tỉnh Quảng Nam là cơ quan có thẩm quyền để kêu gọi nhà đầu tư, phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường để giải quyết các khó khăn, vướng mắc, nếu vượt thẩm quyền thì báo cáo Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, hoàn thành thủ tục trong 6 tháng đầu năm 2025 và hoàn thành đầu tư xây dựng sân bay này để khai thác lưỡng dụng trong vòng 2 năm.
Nêu rõ trong tương lai, tỉnh phải tích cực tham gia cùng các địa phương làm dự án đường sắt tốc độ cao, đồng thời nghiên cứu mở đường cao tốc lên biên giới với nước bạn Lào, Thủ tướng cũng chấp thuận đề xuất về đầu tư luồng Cửa Lở cho tàu 50.000 tấn và quy hoạch trung tâm logistics Chu Lai, yêu cầu tỉnh hoàn thành các thủ tục để đến tháng 6/2027, phải hoàn thành trung tâm này.
Các bộ, ngành Trung ương phải chung sức, đồng lòng xử lý các vướng mắc, phát huy các mặt mạnh, truyền thống của Quảng Nam, "không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm". Bộ Giao thông vận tải giải quyết ngay các thủ tục liên quan việc đầu tư dự án tuyến luồng Cửa Lở trên tinh thần bảo đảm thực chất, hiệu quả, vì lợi ích chung, bảo đảm minh bạch, chống tiêu cực, tham nhũng.
Trước đó, sáng cùng ngày, Thủ tướng đã đến dâng hoa, dâng hương tại Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh Quảng Nam, Tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng (xã Tam Phú, TP. Tam Kỳ) và thăm Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Thoại tại huyện Núi Thành. Sau đó, đoàn thăm, khảo sát một số cơ sở kinh tế trọng điểm, doanh nghiệp lớn của tỉnh gồm Khu kinh tế mở Chu Lai, cảng biển Chu Lai, sân bay Chu Lai, các nhà máy của Công ty Cổ phần Tập đoàn Trường Hải (THACO), tập đoàn HS Hyosung./.