Quảng Nam sẽ khắc phục sạt lở tại làng Tu Hon theo hướng lâu dài
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Văn Dũng yêu cầu các ngành, đơn vị liên quan tổ chức kiểm tra, đánh giá tình tình hình sạt lở đất, đá tại một số điểm dân cư trên địa bàn xã Trà Don, huyện Nam Trà My.
Do ảnh hưởng bởi đợt mưa lớn kéo dài trong tháng 11 kèm các trận động đất xảy ra tại khu vực tỉnh KonTum, địa bàn xã Trà Don (huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam) đã xuất hiện một số vị trí sạt lở đất, đá gây ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.
Theo UBND huyện Nam Trà My, phía trên đỉnh núi Ngọc Mong, cách khu dân cư Tu Hon khoảng 500-600m, trên độ cao khoảng 250m so với mặt đường Quốc lộ 40B, một số tảng đá lớn đã lăn xuống nhưng bị dây leo và cây núi cản lại. Nhận định sơ bộ, khi mưa lớn kéo dài hoặc có động đất kích thích sẽ tiếp tục có đá lăn xuống, gây nguy hiểm cho các hộ gia đình sinh sống ở phía dưới cũng như người tham gia giao thông trên Quốc lộ 40B và đường vào làng Tu Hon.
Riêng khu dân cư làng Tắc Pát và Làng Lê, phía taluy dương có mạch nước ngầm, tạo ra cung trượt với khối lượng đất đá rất lớn. Hiện mảng đồi taluy dương cách mép đường khoảng 25m đã bị sụt lún, đứt gãy, không liên kết với đoạn phía trên; xung quanh các nhà đã xuất hiện các vết nứt nên nguy cơ sụt lún, hư hỏng nhà cửa là rất lớn. Tính từ tháng 9/2024 đến nay, mỗi khi mưa lớn xảy ra, các hộ gia đình này phải sơ tán để đảm bảo an toàn.
Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My Trần Văn Mẫn cho biết các hộ gia đình sinh sống tại khu vực này rất lo lắng, bất an. Một số hộ đã chủ động sơ tán sang ở tại các làng khác và không dám đưa con em đến học tại điểm trường tiểu học và mẫu giáo Tu Hon. Thống kê, số hộ bị ảnh hưởng gồm 21 hộ gia đình và 1 điểm trường thôn.
Huyện đã chỉ đạo xã Trà Don tiến hành họp các hộ trong khu dân cư để trấn an tinh thần của bà con; thực hiện sơ tán xen ghép 21 hộ/91 khẩu; chỉ đạo các đơn vị trường học từ nay đến hết mùa mưa năm 2024 có phương án sơ tán học sinh tiểu học đến nhà sinh hoạt cộng đồng thôn, sơ tán trẻ mẫu giáo đến nhà dân thuộc khu dân cư Tắc Tố để dạy và học đảm bảo an toàn.
Đồng thời, bố trí lực lượng chức năng căng dây, cắm các biển cảnh báo cấm người dân qua lại nơi có nguy cơ sạt lở; thường xuyên thăm hỏi, động viên và hỗ trợ bà con Nhân dân yên tâm tạm trú để chờ giải pháp lâu dài từ các ngành cấp trên.
Về lâu dài, đề xuất xây dựng khu tái định cư mới tại vị trí đất cách làng cũ 2km đảm bảo an toàn, có đủ quỹ đất và nhiều thuận lợi để sớm ổn định cuộc sống cho các hộ dân bị ảnh hưởng.
Huyện Nam Trà My cũng đã tham mưu UBND tỉnh ban hành quyết định công bố tình huống khẩn cấp về nguy cơ sạt lở đất đá điểm dân cư làng Tu Hon, thôn 3 xã Trà Don. Từ đó địa phương có cơ sở đề xuất tỉnh quan tâm hỗ trợ nguồn vốn xây dựng khu tái định cư cho các hộ dân bị ảnh hưởng, sớm có điều kiện ổn định cuộc sống.
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Dũng giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Sở Giao thông vận tải cùng các ngành, đơn vị liên quan tổ chức kiểm tra, đánh giá tình tình hình trên địa bàn xã Trà Don. Qua đó, hướng dẫn địa phương triển khai các biện pháp ứng phó trước mắt.
Lãnh đạo tỉnh yêu cầu nghiên cứu phương án xử lý lâu dài nhằm đảm bảo an toàn cho người và tài sản; báo cáo, tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo, giải quyết đề nghị của địa phương theo thẩm quyền, đúng quy định của pháp luật.
Trước đó, báo Kinh tế & Đô thị đã đưa tin về trận động đất tại huyện Kon Plông (tỉnh Kon Tum) gây dư chấn mạnh, làm hàng chục tảng đá lớn lăn xuống làng Tu Hon, xã Trà Don, huyện Nam Trà My (tỉnh Quảng Nam), đe dọa tính mạng 17 hộ dân cùng điểm trường mẫu giáo.
Động đất tại khu vực huyện Kon Plông được các chuyên gia nhận định là động đất kích thích, xảy ra thường xuyên và liên tục kể từ năm 2021 đến nay. Theo các chuyên gia, trận động đất tại khu vực này có độ lớn không quá 5,0, mức độ động đất dù xảy ra nhiều nhưng chưa đến mức cảnh báo rủi ro. Viện Vật lý Địa cầu thường xuyên thông tin về động đất đến chính quyền và người dân trong khu vực.