Quảng Nam sẽ đột phá để đồng bào dân tộc thiểu số giàu mạnh
Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, ông Y Thông tin tưởng Quảng Nam sẽ có những đột phá, xây dựng vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh giàu về kinh tế, đậm đà bản sắc dân tộc.
Ngày 24-9, tỉnh Quảng Nam tổ chức Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Nam lần thứ IV – năm 2024. Ông Y Thông, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc dự và phát biểu tại đại hội.
Giai đoạn 2021- 2025, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Quảng Nam có 58 xã khu vực III, 3 xã khu vực II, 9 xã khu vực I với 230 thôn đặc biệt khó khăn. Các dân tộc sinh sống theo từng làng, nóc, nghề nghiệp chủ yếu là chăn nuôi, làm nương rẫy, lúa nước, trồng cây công nghiệp và dược liệu...
5 năm 2019-2024, tỉnh Quảng Nam triển khai các chương trình, chính sách đầu tư, hỗ trợ vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi với tổng kinh phí đầu tư 12.780 tỉ đồng.
Nghị quyết 12/2021 của Tỉnh ủy Quảng Nam về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 đã tập trung chỉ đạo thực hiện 5 nhóm dự án quan trọng phát triển vùng Tây tỉnh Quảng Nam.
Theo đó, tỉnh này tập trung các nhóm dự án: Bảo vệ, phát triển kinh tế rừng; sắp xếp dân cư, ổn định chỗ ở phòng tránh thiên tai; phát triển kết cấu hạ tầng trọng điểm; phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại, sản phẩm OCOP gắn với phát triển du lịch cộng đồng; phát triển du lịch kết hợp bảo tồn văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Bên cạnh đó, từ nguồn lực của các chương trình mục tiêu quốc gia, tỉnh Quảng Nam đã đầu tư phát triển kinh tế - xã hội khu vực miền núi và vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Tỉnh Quảng Nam đã đầu tư xây dựng hàng trăm công trình giao thông, trường học, nước sinh hoạt, nhà sinh hoạt cộng đồng và các công trình hạ tầng khác, tổ chức chuyển đổi nghề; hỗ trợ đất ở cho 1000 hộ; thực hiện hỗ trợ xóa nhà tạm, sắp xếp, ổn định dân cư cho hơn 1.000 hộ dân.
Nhờ các chương trình, chính sách đầu tư, hỗ trợ vùng đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh Quảng Nam đã trực tiếp thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, làm thay đổi diện mạo nông thôn miền núi, đời sống vật chất và tinh thần của người dân miền núi được nâng cao.
Theo thống kê, tỉ lệ hộ đồng bào dân tộc thiểu số giảm nghèo bình quân 6,6%/năm, thu nhập bình quân đầu người năm 2023 tại khu vực đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là 24 triệu đồng/năm, tăng 8 triệu đồng so với năm 2019.
Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, ông Y Thông cho hay, hiện nay nhiều chính sách lớn về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã được ban hành, thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước.
Quốc hội, Chính phủ luôn ưu tiên dành nguồn lực lớn để phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Ông Y Thông khẳng định, đồng bào các dân tộc thiểu số Quảng Nam có tính cộng đồng cao, mỗi dân tộc có phong tục tập quán và nét đặc trưng văn hóa riêng, đa số có chữ viết và tiếng nói của dân tộc mình.
Đồng bào các dân tộc thiểu số của tỉnh có niềm tin son sắt với Đảng, Nhà nước, có truyền thống đoàn kết lâu đời trong đấu tranh chống giặc ngoại xâm, khắc phục thiên tai và xây dựng đất nước.
"Kết quả Quảng Nam đạt được đảm bảo cho người dân các dân tộc thiểu số trên địa bàn được thụ hưởng các quyền lợi và thực hiện nghĩa vụ của mình đúng chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước”, ông Y Thông nhấn mạnh.
Theo ông Y Thông, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Quảng Nam vẫn là địa bàn khó khăn nhất và thường xuyên chịu ảnh hưởng bởi thiên tai, biến đổi khí hậu, hạn hán, bão, lụt, sạt lở đất….
Ông đề nghị Đảng bộ, chính quyền, quân và dân các dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Nam cần tiếp tục khẳng định mạnh mẽ về những công lao to lớn, những thành tựu đạt được đáng phấn khởi tự hào trong 5 năm qua để tăng thêm niềm tin vào sự nghiệp đổi mới của Đảng và của địa phương.
“Với truyền thống cách mạng của tỉnh Quảng Nam và sự lãnh đạo của Đảng, tôi tin rằng Quảng Nam sẽ có những bước phát triển đột phá, tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, hăng hái thi đua lao động sản xuất, tương trợ giúp đỡ nhau vượt qua khó khăn thách thức, xây dựng vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Nam giàu về kinh tế, đậm đà bản sắc dân tộc, vững về quốc phòng, an ninh.
Cùng nhau quyết tâm thực hiện thật tốt lời dạy thiêng liêng của Bác Hồ: Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Gia Rai hay Ê Đê, Xê Đăng hay Ba Na và các dân tộc thiểu số khác đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt.
Chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau... Chúng ta phải thương yêu nhau, kính trọng nhau, phải giúp đỡ nhau để mưu cầu hạnh phúc. Sông có thể cạn, núi có thể mòn nhưng lòng đoàn kết của chúng ta không bao giờ giảm bớt”, ông Y Thông nhấn mạnh.