Quảng Nam: Phát triển trồng rừng gỗ lớn

Trồng rừng gỗ lớn đang là hướng phát triển bền vững của các huyện miền núi Quảng Nam. Việc này không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao mà còn góp phần bảo vệ sinh thái rừng phòng hộ đầu nguồn.

Ông Bríu Đham bên cây kiền kiền của gia đình.

Ông Bríu Đham bên cây kiền kiền của gia đình.

Ông Bríu Đham, ở xã Sông Kôn, huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam cho biết, gia đình ông đã bỏ công sức hơn 30 năm trồng và chăm sóc hơn 1.000 cây kiền kiền đến nay đã cao hàng chục mét. Hiện nay nhiều cây có đường kính 20 đến 30cm, tỏa bóng mát ở chân núi phía sau nhà. Hiệu quả này đã giúp cho nhiều hộ khác noi theo.

Thời gian đầu, do chưa am hiểu quy trình chăm sóc, một số giống cây kiền kiền có tình trạng chết khô. Thời gian sau, nhờ sự hướng dẫn của cán bộ lâm nghiệp, ông Bríu Đham bắt đầu có thêm kiến thức, duy trì và mở rộng diện tích trồng cây xanh cho đến bây giờ. Đáng mừng, những năm qua, rừng cây kiền kiền của ông Bríu Đham trở thành điểm du lịch, thu hút người dân và du khách tìm đến. Không chỉ có ông Bríu Đham mà ở Quảng Nam nhiều hộ ở miền núi trồng dược liệu dưới tán rừng gỗ lớn đã thật sự đem lại hiệu quả.

Ông Ka Phu Beng bên diện tích gần 7ha trồng rừng gỗ lớn.

Ông Ka Phu Beng bên diện tích gần 7ha trồng rừng gỗ lớn.

“Cả khu này rộng hơn 3,6 ha được phủ xanh giúp chống xói lở, sạt lở đất đá, đồng thời tạo môi trường sinh thái không khí trong lành, các thảm thực vật ổn định. Hồi đó, giống cây được cấp từ một dự án của ngành lâm nghiệp. Nhiều hộ chọn cây quế, cây bời lời và các giống cây khác, riêng tôi chọn kiền kiền vì nghĩ rằng loài cây rừng này sẽ cho giá trị cao hơn. Ngoài kiền kiền, tôi còn trồng thêm dỗi và một số cây bản địa khác, giúp rừng tự nhiên thêm phủ xanh, ngăn ngừa tình trạng đất trống và sạt lở đất”, ông Bríu Đham chia sẻ.

Còn ông Ka Phu Beng, ở xã Cà Dy, huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam cho biết, cuộc sống gia đình rất khó khăn, chủ yếu làm nương rẫy, trồng thêm ít cây ăn quả chính vì thế thu nhập bấp bênh. Sau đó, chính quyền địa phương hướng dẫn chuyển đổi cây trồng, ông đầu tư trồng rừng. Hiện nay, gia đình ông Ka Phu Beng đã trồng gần 7ha rừng gỗ lớn, chủ yếu là dổi, keo tai tượng. Ông Ka Phu Beng ông được chính quyền địa phương hỗ trợ cây giống, hướng dẫn quy trình trồng rừng gỗ lớn và qua tìm hiểu ông cũng biết rằng, trồng rừng gỗ lớn thời gian dài hơn nhưng giá trị kinh tế cao hơn so với trồng rừng gỗ nhỏ, nên quyết tâm tham gia.

Trồng rừng gỗ lớn góp phần bảo vệ môi trường và nâng cao giá trị kinh tế.

Trồng rừng gỗ lớn góp phần bảo vệ môi trường và nâng cao giá trị kinh tế.

Ông A Rất Bhen, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Nam Giang cho biết, nhiều năm qua, việc trồng rừng trên địa bàn huyện được người dân quan tâm. Huyện Nam Giang khuyến khích người dân trồng rừng gỗ lớn theo hướng thâm canh, nâng cao giá trị thu nhập. Mỗi năm, huyện Nam Giang hỗ trợ kinh phí hơn 2 tỷ đồng phân bổ về 11 xã và 1 thị trấn giúp bà con đầu tư phát triển trồng rừng gỗ lớn; chủ yếu trồng các loại cây như lim xanh, huỳnh đàn, cây sao đen và dỗi và trồng dược liệu dưới tán rừng.

“Về trồng rừng gỗ lớn, huyện định hướng cho các địa phương, bà con trồng các loại gỗ có giá trị kinh tế cao. Huyện hỗ trợ kinh phí tùy theo điều kiện diện tích của hộ gia đình. Huyện Nam Giang cũng định hướng hạn chế trồng cây keo để đưa vào trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao. Rừng gỗ lớn mặc dù thời gian chăm sóc lâu nhưng về giá trị mặt kinh tế rất lớn”, ông A Rất Bhen nói.

Ông Ka Phu Beng chỉ một cây giống gỗ lớn đã được trồng.

Ông Ka Phu Beng chỉ một cây giống gỗ lớn đã được trồng.

Ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, hiện nay tại các huyện miền núi của tỉnh Quảng Nam người dân đã dần chuyển từ trồng keo sang trồng rừng gỗ lớn. Chính quyền đã khuyến khích bà con là trồng rừng bằng cây bản địa. Cụ thể là cây ươi, dổi, cây lim và khi trồng những loại cây này còn được hỗ trợ cây giống để bà con trồng dược liệu dưới tán rừng đem lại hiệu quả cao.

“So sánh về kinh tế, khi trên một diện tích đất mà trồng keo so với cây bản địa gỗ lớn thì kinh tế cao hơn 20 lần. Chính vì vậy, hiện nay, bà con dần chuyển đổi loại cây trồng. Đặc biệt 6 huyện vùng núi cao của tỉnh Quảng Nam đang tập trung trồng rừng gỗ lớn và dưới tàn rừng trồng cây dược liệu”.

Tấn Thành, Chí Đại

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/quang-nam-phat-trien-trong-rung-go-lon-10303886.html
Zalo