Quảng Nam: Ngành Công Thương lấy lại đà tăng trưởng
Năm 2024, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) toàn ngành công nghiệp tỉnh Quảng Nam ước tăng 17,6% so với cùng kỳ năm trước. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2024 ước đạt gần 72,6 nghìn tỷ đồng.
Kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2024 ước đạt 5.012 triệu USD
Tại Hội nghị Tổng kết ngành Công Thương năm 2024, Sở Công Thương tỉnh Quảng Nam cho biết, năm 2024 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc hoàn thành thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) 5 năm 2021-2025.
Tình hình KT-XH của tỉnh có chuyển biến tích cực, tăng trưởng kinh tế phục hồi, các hoạt động KT-XH diễn ra sôi động hơn, một số ngành, lĩnh vực cơ bản đã hồi phục và lấy lại đà phát triển.
Tuy vậy, nền kinh tế của tỉnh vẫn còn đối mặt với nhiều thách thức, khó khăn. Trước bối cảnh đó, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh Quảng Nam đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp ngay từ đầu năm. Trong đó, đẩy mạnh tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho sản xuất, kinh doanh chỉ đạo các cấp, các ngành triển khai nhiều giải pháp phục hồi phát triển kinh tế đem lại những kết quả chuyển biến tích cực.
Năm 2024, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) toàn ngành công nghiệp ước tăng 17,6% so với cùng kỳ năm trước (năm 2023 giảm 21,8%), trong đó, ngành công nghiệp khai khoáng tăng 14,3% so với cùng kỳ, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước tính tăng 20% so với cùng kỳ, ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí giảm 3,2% so với cùng kỳ, ngành cung cấp nước; hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 7,8% so với cùng kỳ.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2024 ước đạt gần 72,6 nghìn tỷ đồng, tăng 7,4% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, dịch vụ lữ hành có mức tăng trưởng cao nhất (+55,4%); dịch vụ lưu trú, ăn uống và có mức tăng cao thứ hai (+11,8%); doanh thu dịch vụ khác và doanh thu bán lẻ hàng hóa có mức tăng lần lượt 8,3% và 6,0%.
Kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2024 của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Nam ước đạt 5.012 triệu USD tăng 23,4% so với cùng kỳ năm 2023.
Trong đó kim ngạch xuất khẩu đạt 2.119 triệu USD, kim ngạch nhập khẩu đạt 2.893 triệu USD. Mặt hàng nhập khẩu chủ yếu: bộ linh kiện ô tô; gỗ các loại; nguyên liệu phục vụ gia công sản xuất hàng may mặc, điện tử; hợp chất làm đồ uống; nguyên liệu sợi dùng để sản xuất vải; phụ tùng thay thế máy móc thiết bị phục vụ sản xuất kim may; nguyên liệu sản xuất chỉ; hóa chất dùng trong công nghiệp dệt nhuộm; nguyên liệu sản xuất vải mành; nhựa đường,... Mặt hàng xuất khẩu chủ yếu: Sản phẩm may mặc; kim dệt; điện tử và linh kiện điện tử; giày da; sản phẩm từ gỗ; lều; vải các loại,...
Ước sản lượng điện sản xuất của các nhà máy điện trên địa bàn tỉnh năm 2024 là 6.450,0 triệu kWh (đạt 100,87% so với năm 2023); tổng lượng điện tiêu thụ năm 2024 là 2.800,00 triệu kWh (đạt 110,16% so với năm 2023).
Cần khai thác tốt các tiềm năng, lợi thế của tỉnh
Ông Phan Thái Bình – Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Nam ghi nhận và đánh giá cao những kết quả mà ngành Công Thương đã đạt được trong năm qua. Chuyển biến rõ nhất là mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh diễn ra ổn định; tăng trưởng kinh tế phục hồi, nhiều ngành, lĩnh vực lấy lại đà phát triển.
Trong năm 2025, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu ngành Công Thương sớm triển khai đề án sắp xếp bộ máy theo chỉ đạo của UBND tỉnh, thực hiện có kết quả quy hoạch, kế hoạch, chương trình đề liên quan đến lĩnh vực công thương; tập trung giải quyết kiến nghị, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp và một số khó khăn, hạn chế đã nêu trong báo cáo; trường hợp vượt thẩm quyền, tham mưu, đề xuất UBND tỉnh báo cáo Bộ, ngành Trung ương xem xét, giải quyết theo quy định; tăng cường, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại trong và ngoài nước.
Khai thác tốt các tiềm năng, lợi thế của tỉnh để phát triển mạnh mẽ các lĩnh vực công nghiệp, thương mại dịch vụ. Thu hút các dự án quy mô lớn, như dự án phát triển công nghiệp phụ trợ cho ngành điện tử, lắp ráp máy móc, ô tô, năng lượng…; dự án công nghiệp bảo quản sau thu hoạch và công nghiệp chế biến, nhất là chế biến nông lâm thủy sản và các sản phẩm OCOP, sản phẩm lợi thế của tỉnh…
Đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, nhất là thủ tục hành chính bảo đảm hiệu quả, thực chất, lấy hiệu quả công việc, sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm thước đo để đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ của tập thể lãnh đạo, cá nhân. Phối hợp chặt chẽ với Cục Quản lý thị trường tỉnh, Công an tỉnh, các Sở, ngành, địa phương và đơn vị liên quan triển khai công tác đảm bảo thị trường hàng hóa trong dịp Tết Giáp Thìn năm 2025, không để thiếu hàng hóa, găm hàng cục bộ; không để xảy ra các trường hợp vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm trước, trong và sau Tết.
Tại Hội nghị này được sự ủy quyền của Cục Công Thương địa phương (Bộ Công Thương), UBND tỉnh; Sở Công Thương tỉnh Quảng Nam công bố Quyết định, trao giấy chứng nhận và tôn vinh các sản phẩm nông thôn tiêu biểu cấp khu vực miền Trung – Tây Nguyên năm 2024 và của UBND tỉnh.