Quảng Nam mở tuyến hàng hải trực tiếp đến Ấn Độ
Việc mở tuyến hàng hải trực tiếp từ Chu Lai (tỉnh Quảng Nam) đến Ấn Độ giúp rút ngắn thời gian vận chuyển, tiết giảm chi phí, tăng năng lực cạnh tranh cho sản phẩm nhờ loại bỏ khâu trung chuyển qua các cảng lớn ở hai đầu Nam, Bắc.

Tàu container tại cảng quốc tế Chu Lai. Ảnh minh họa: VGP
Ngày 16-5, tỉnh Quảng Nam đã công bố hoàn thành dự án nạo vét luồng hàng hải Kỳ Hà và mở tuyến hàng hải từ Chu Lai đến Ấn Độ, TTXVN đưa tin.
Sau khi hoàn thành nâng cấp, luồng hàng hải Kỳ Hà đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật, đạt độ sâu -9.3m. Chiều rộng đáy luồng 110m và chiều dài 11km (tính từ phao số 0 đến bến cảng), có khả năng tiếp nhận tàu có tải trọng 30.000 DTW.
Việc nâng cấp luồng hàng hải Kỳ Hà đã giải quyết tình trạng tàu hàng phụ thuộc vào mớn nước, giúp tàu lớn ra vào cảng thuận lợi và linh hoạt hơn, đặc biệt trong khung giờ khai thác cao điểm và ban đêm. Đây là điều kiện để Cảng quốc tế Chu Lai nâng cao hiệu quả khai thác cầu bến, thu hút nguồn hàng qua cảng, mở rộng các tuyến vận tải biển quốc tế và phát triển hệ thống logistics tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên.
Hiện Ấn Độ là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam tại Nam Á, chiếm gần 80% tổng kim ngạch xuất khẩu sang khu vực này, trong đó nông sản là nhóm hàng chủ lực. Tuyến Chu Lai - Ấn Độ có tần suất 2 chuyến/tháng, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa đến thị trường Ấn Độ và các nước như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản. Cùng với đó là thúc đẩy sản xuất và phát triển các mặt hàng nông sản tại miền Trung, Tây Nguyên, Nam Lào và Bắc Campuchia.
Theo ông Lê Văn Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, việc đầu tư, nâng cấp hệ thống luồng cảng biển là nhiệm vụ tiên quyết, mang tính chiến lược và dài hạn để tháo gỡ điểm nghẽn hạ tầng, từng bước phát triển Cảng quốc tế Chu Lai trở thành cảng loại 1 (theo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050).
Việc nâng cấp cảng biển quốc tế Chu Lai trở thành trung tâm logistics quốc tế, đầu mối xuất nhập khẩu quan trọng của khu vực miền Trung, Tây Nguyên, Nam Lào, Bắc Campuchia và Đông Bắc Thái Lan, đáp ứng mục tiêu đưa Quảng Nam trở thành trung tâm logistics quốc tế tại khu vực, cũng như thu hút đầu tư mạnh mẽ vào khu kinh tế mở Chu Lai.