Quảng Nam ký kết hợp tác với Viettel về chuyển đổi số giai đoạn 2025 - 2030
UBND tỉnh Quảng Nam và Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội Viettel vừa tổ chức lễ ký kết thỏa thuận hợp tác về chuyển đổi số tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2025 – 2030.
Thiếu tướng Nguyễn Đình Chiến - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp -Viễn thông Quân đội Viettel cho biết, Viettel xác định chuyển đổi số là một việc mới, việc khó, với vai trò là Tập đoàn công nghệ lớn nhất của quốc gia, Viettel đã nhận trọng trách và tuyên bố sứ mệnh của mình là “Tiên phong, Chủ lực kiến thiết xã hội số”.
Xác định được sứ mệnh của mình, những năm gần đây, Viettel luôn đồng hành cùng Chính phủ, các Bộ ngành và Địa phương triển khai nhiều giải pháp chuyển đổi số theo hướng giải quyết các vấn đề của từng lĩnh vực ngành, qua đó góp phần hiện thực các mục tiêu chuyển đổi số.
![Quảng Nam và Tập đoàn Viettel hợp tác để xây dựng chính quyền số, kinh tế số.Ảnh: quangnam.gov](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_12_503_51460366/0e218f1eb850510e0841.jpg)
Quảng Nam và Tập đoàn Viettel hợp tác để xây dựng chính quyền số, kinh tế số.Ảnh: quangnam.gov
Với Chính quyền số, Viettel đã triển khai nhiều hệ thống, nền tảng quan trọng phục vụ chuyển đổi số của Chính phủ, Bộ ngành như: Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ; Hệ thống Cổng thông tin Một cửa Quốc gia, Nền tảng xét xử trực tuyến; Nền tảng định danh và xác thực điện tử,... Tại các Địa phương, Viettel tham gia sâu rộng vào hoạt động tư vấn, triển khai các giải pháp chuyển đổi số nổi bật như: Triển khai Trung tâm điều hành đô thị thông minh (IOC) cho 37 tỉnh; hệ thống giám sát ATTT (SOC) cho 37 tỉnh; hệ thống giám sát trên không gian mạng (Reputa) cho 40 tỉnh; hệ thống quản lý CSDL chuyên ngành y tế, giáo dục, tài nguyên môi trường;...
Với Kinh tế số, Viettel đã triển khai các giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế số, nâng cao tỷ trọng kinh tế số của các địa phương như: triển khai Bộ giải pháp Chuyển đổi số (VESS, chữ ký số, hóa đơn điện tử) cho cộng đồng doanh nghiệp của các tỉnh/ thành phố, triển khai giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt (Viettel Money)…
Với Xã hội số, Viettel đã triển khai nhiều giải pháp chuyển đổi số trong lĩnh vực trọng điểm y tế, giáo dục như: Nền tảng quản lý tiêm chủng Covid-19 hỗ trợ Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch Covid-19; Nền tảng K12Online. Bên cạnh đó, Viettel còn triển khai các chương trình hỗ trợ Smartphone đến từng người dân, cáp quang đến từng hộ gia đình để phổ cập các giải pháp CĐS đến toàn xã hội.
“Trong thời gian tới, Viettel cam kết tiếp tục đồng hành cùng tỉnh Quảng Nam triển khai đẩy mạnh hơn - rộng hơn và sâu hơn các hoạt động chuyển đổi trên địa bàn một cách tổng thể và toàn diện trên các lĩnh vực hạ tầng số, chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Trong đó sẽ tập trung vào lĩnh vực y tế, lĩnh vực giáo dục đào tạo, lĩnh vực du lịch, triển khai các nhiệm vụ Đề án 06, xây dựng đô thị thông minh… Viettel cam kết phối hợp chặt chẽ, trên tinh thần cầu thị để cùng góp phần với tỉnh Quảng Nam hoàn thành xuất sắc các mục tiêu, nhiệm vụ chuyển đổi số”, Thiếu tướng Nguyễn Đình Chiến cho biết.
![Lãnh đạo tỉnh tham quan bảo tàng số của Viettel. Ảnh: quangnam.gov](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_12_503_51460366/4a99dba6ece805b65cf9.jpg)
Lãnh đạo tỉnh tham quan bảo tàng số của Viettel. Ảnh: quangnam.gov
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Lương Nguyễn Minh Triết cho biết, Quảng Nam luôn coi chuyển đổi số là động lực quan trọng để nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan nhà nước, đồng thời cải thiện chất lượng cuộc sống cho người dân và doanh nghiệp. Tuy nhiên, thực tiễn hiện nay, tiềm lực và trình độ khoa học, công nghệ của tỉnh chưa đáp ứng yêu cầu phát triển; hoạt động nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ trong các doanh nghiệp chưa được quan tâm đúng mức; cơ sở vật chất kỹ thuật, nguồn lực đầu tư cho hoạt động nghiên cứu khoa học, công nghệ, hạ tầng số còn hạn chế; nguồn nhân lực làm công tác chuyển đổi số còn thiếu và yếu; trình độ ứng dụng CNTT, kỹ năng số của người dân, nhất là ở miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn thấp; việc triển khai dịch vụ công trực tuyến ở một số nội dung chưa hiệu quả…
Theo ông Lương Nguyễn Minh Triết, tiềm năng Quảng Nam là rất lớn, cơ hội phát triển với sân bay, bến cảng, đô thị hóa, tỉ lệ người dân sử dụng dịch vụ viễn thông cũng sẽ tăng lên không nhỏ. Tuy nhiên hiện nay vẫn còn 3% dân số vùng núi cao vẫn chưa tiếp cận các dịch vụ viễn thông do chưa có sóng di động nên cần phải phát triển hạ tầng.
“Tỉnh sẽ tiếp tục hỗ trợ quyết liệt Viettel, tạo điều kiện thuận lợi nhất để các nội dung ký kết đi vào cụ thể, tạo ra sản phẩm chuyển đổi số đổi mới sáng tạo, góp phần xây dựng và phát triển Quảng Nam mạnh mẽ trong thời gian tới. Sau lễ ký kết hợp tác thì hai bên bắt tay vào thực hiện ngay những công việc cụ thể để xây dựng chính quyền số, kinh tế số và xã hội số ở Quảng Nam. Phải có sản phẩm cụ thể, rõ ràng chứ không nói chung chung được”, Bí thư Tỉnh ủy Lương Nguyễn Minh Triết nói.
Tại buổi lễ, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Văn Dũng và Thiếu tướng Nguyễn Đình Chiến cùng nhau trao thỏa thuận hợp tác về chuyển đổi số tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2025 – 2030 với mục tiêu tận dụng các cơ hội từ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư để thúc đẩy quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu kinh tế, phát triển kinh tế số và xã hội số; nâng cao sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp; bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường sinh thái trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.
![Lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Nam và lãnh đạo Tập đoàn Viettel trao thỏa thuận hợp tác.Ảnh: quangnam.gov](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_12_503_51460366/eb3c48037f4d9613cf5c.jpg)
Lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Nam và lãnh đạo Tập đoàn Viettel trao thỏa thuận hợp tác.Ảnh: quangnam.gov
Theo đó 2 bên sẽ hợp tác về chuyển đổi số, phát triển ứng dụng CNTT, an toàn thông tin để xây dựng Chính quyền điện tử, Chính quyền số của tỉnh Quảng Nam như đề xuất các giải pháp về chuyển đổi số phục vụ công tác chỉ đạo điều hành của tỉnh; giới thiệu các giải pháp xây dựng các hệ thống thông tin phục vụ người dân và doanh nghiệp, các giải pháp về an toàn thông tin, an ninh mạng; tổ chức các hội thảo giới thiệu các giải pháp phát triển kinh tế số ngành, lĩnh vực trên địa bàn tỉnh đáp ứng các mục tiêu Chuyển đổi số của tỉnh; hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh chuyển đổi số hiệu quả.
Hợp tác trong lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực chuyển đổi số, CNTT, nghiên cứu khoa học: đào tạo, bồi dưỡng về chuyển đổi số, công nghệ thông tin, an toàn thông tin, viễn thông cho cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh; hỗ trợ đào tạo, tập huấn cho đội ngũ cán bộ CNTT của tỉnh nắm bắt các công nghệ mới như AI, blockchain, big data,… từng bước đào tạo, bồi dưỡng hình thành lực lượng nòng cốt tham mưu cho các cơ quan, chính quyền các cấp về chuyển đổi số.
Ngoài ra, sẽ hợp tác trong lĩnh vực xây dựng, phát triển hạ tầng số và CNTT đáp ứng nhu cầu của tỉnh Quảng Nam; phối hợp triển khai các giải pháp phủ sóng di động 5G trên toàn tỉnh, đảm bảo xóa lõm sóng 4G; triển khai mở rộng vùng phủ sóng 5G tại các Khu công nghiệp, khu vực cần thiết; đảm bảo phủ sóng di động toàn bộ đường biên giới, phục vụ cho công tác đảm bảo an ninh biên giới, hải đảo, an ninh quốc gia, hạ tầng thông tin liên lạc, kết nối dữ liệu phục vụ công tác chỉ đạo phòng chống thiên tai trên địa bàn tỉnh.