Quảng Nam khẩn cấp di dời dân khỏi quả đồi vừa nứt toác

Đồi Nà Nổ, ngay trên đầu khu dân cư, vừa xuất hiện vết nứt dài 30 mét, bán kính 10 mét, sâu 1 mét. Chính quyền đã khẩn cấp di dời 30 hộ dân sống dưới chân đồi.

Vết nứt toác trên ngọn đồi Nà Nổ, nguy cơ sạt lở quả đồi đổ xuống khu dân cư.

Sáng 27/10, ông Nguyễn Thành Liêm - Chủ tịch UBND xã Phước Gia, huyện Hiệp Đức (Quảng Nam) cho biết, chính quyền địa phương vừa di dời khẩn cấp 30 hộ/163 nhân khẩu khu dân cư Nà Nổ, thôn Gia Cao, xã Phước Gia khỏi vùng nguy hiểm.

“Ngọn đồi Nà Nổ xuất hiện vết nứt dài 30 mét, bán kính 10 mét, sâu 1 mét. Ngọn đồi này ngay trên đầu khu dân cư, lo ngại nguy cơ cả ngọn đồi đổ xuống nên chúng tôi đã di dời dân khẩn cấp về trường tiểu học kiên cố. Tại đây đảm bảo lương thực, nước uống phục vụ bà con”, ông Liêm nói.

 Nhiều hộ dân sống dưới chân đồi Nà Nổ lo sợ sạt lở.

Nhiều hộ dân sống dưới chân đồi Nà Nổ lo sợ sạt lở.

 Mưa liên tục khiến địa chất mềm nhũn, nguy cơ sạt lở rất cao.

Mưa liên tục khiến địa chất mềm nhũn, nguy cơ sạt lở rất cao.

 Người dân di dời khẩn khỏi vùng nguy hiểm.

Người dân di dời khẩn khỏi vùng nguy hiểm.

Theo Chủ tịch xã Phước Gia, trước đây huyện đã đầu tư vài tỷ đồng để bạt mái ta luy đồng thời cũng đã triển khai xử lý sạt lở, tách khu dân cư ra xa quả đồi hơn, tuy nhiên tình hình mưa lớn, vết nứt xuất hiện nên phải di dời dân đảm bảo an toàn.

Sơn tán trăm hộ dân ở vùng nguy cơ cao

Ngày 27/10, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Quảng Ngãi cho biết, nhiều địa phương trong tỉnh đã sơ tán 163 hộ dân với 539 khẩu ở vùng nguy cơ cao đến nơi an toàn.

Tại thôn Băng và thôn Nguyên (xã Trà Hiệp, huyện Trà Bồng) do ảnh hưởng của mưa lớn đã xuất hiện nhiều điểm có nguy cơ cao xảy ra sạt lở núi.

Trong đó, núi Tà Cút (thôn Băng) có nhiều vết nứt sâu tạo rãnh. Mưa lớn, nước từ đỉnh núi chảy xiết, cuốn theo đất, đá đổ về chân núi, đe dọa trực tiếp tính mạng và nhà cửa của 6 hộ dân, với 23 nhân khẩu. Còn tại thôn Nguyên, núi cũng bị nứt từ nhiều năm nay, người dân sống dưới chân núi phấp phỏng lo sợ.

 Người dân ở thôn Nguyên (xã Trà Hiệp, huyện Trà Bồng) đã được đưa đến nơi an toàn.

Người dân ở thôn Nguyên (xã Trà Hiệp, huyện Trà Bồng) đã được đưa đến nơi an toàn.

UBND huyện Trà Bồng đã chỉ đạo xã Trà Hiệp huy động các lực lượng tổ chức di dời tập trung 20 hộ dân với 83 nhân khẩu ở 2 thôn này đến nơi an toàn ngay trong đêm 26/10.

Theo thống kê, trên địa bàn huyện miền núi Trà Bồng có 277 hộ, với 1.107 nhân khẩu nằm trong vùng nguy cơ sạt lở rất cao, và 844 hộ với 3.577 nhân khẩu nằm trong vùng nguy cơ sạt lở, tập trung tại các xã Hương Trà, Trà Phong, Trà Xinh, Trà Bùi, Trà Lâm và Trà Tây.

Chủ tịch UBND huyện Trà Bồng Trần Hoàng Vĩnh cho biết, huyện đã chỉ đạo các phòng, ban, địa phương theo dõi chặt chẽ, cập nhật liên tục thông tin diễn biến mưa bão; đồng thời tiếp tục rà soát, đánh giá các điểm sạt lở hoặc nguy cơ sạt lở, lũ ống, lũ quét, để vừa chủ động các phương án ứng phó, vừa kịp thời tham mưu, đề xuất theo thẩm quyền để ban hành các tình huống xử lý khẩn cấp, chủ động lực lượng, phương án sơ tán dân nếu cần thiết.

 Tại đảo Lý Sơn có mưa to, sóng lớn.

Tại đảo Lý Sơn có mưa to, sóng lớn.

Huyện đảo Lý Sơn cũng đã tổ chức di dời, sơ tán xen ghép 134 hộ với 412 nhân khẩu. Đồng thời để hạn chế thiệt hại, người dân đã thu hoạch sớm 30ha hành, chuẩn bị sẵn sàng đầy đủ lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cần thiết.

Riêng tại thôn Bắc An Bình (đảo Bé) đã chuẩn bị 2 tấn gạo dự trữ, bảo đảm đủ nguồn lương thực cung cấp cho người dân khi đảo Bé bị cô lập dài ngày.

Đối với 67 điểm có nguy cơ cao sạt lở đồi, núi thuộc các huyện miền núi Ba Tơ, Minh Long, Sơn Hà, Sơn Tây, Trà Bồng (Minh Long 5 điểm, Sơn Hà 30 điểm, Sơn Tây 6 điểm, Ba Tơ 12 điểm, Trà Bồng 14 điểm), chính quyền các địa phương tiếp tục theo dõi sát diễn biến bão và mưa lớn để triển khai kịch bản di dời, sơ tán 1.013 hộ với 4.003 khẩu (Minh Long 83 hộ/365 khẩu; Sơn Hà 354 hộ/1.392 khẩu; Sơn Tây 102 hộ/389 khẩu; Ba Tơ 197 hộ/750 khẩu; Trà Bồng 277 hộ/1.107 khẩu).

 Di dời các hộ dân ở điểm nguy cơ sạt lở xã Sơn Bao (huyện Sơn Hà).

Di dời các hộ dân ở điểm nguy cơ sạt lở xã Sơn Bao (huyện Sơn Hà).

Theo nhận định của Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Quảng Ngãi, lũ trên sông Trà Bồng có thể đạt từ mức báo động 2, báo động 3 chưa gây ngập lụt trên diện rộng, chỉ có một số địa phương vùng trũng, thấp dễ bị ngập như Bình Mỹ, Bình Minh, Bình Dương. Tuy nhiên, vẫn đề phòng tình huống lũ lên cao.

Trước diễn biến phức tạp của mưa, lũ, tỉnh Quảng Ngãi yêu cầu các địa phương sẵn sàng triển khai phương án ứng phó với lũ, lũ quét, sạt lở đất, sơ tán dân đến nơi an toàn; cắm biển báo và bố trí người canh gác tại các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, cầu yếu; vận hành an toàn các hồ chứa nước thủy lợi, thủy điện.

Hoài Văn - Nguyễn Ngọc

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/quang-nam-khan-cap-di-doi-dan-khoi-qua-doi-vua-nut-toac-post1685988.tpo
Zalo