Quảng Nam dồn lực khắc phục hậu quả lũ lụt
Để khắc phục hậu quả lũ lụt trong những ngày qua, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu các đơn vị, ngành khẩn trương kiểm tra, ổn định đời sống, kinh doanh sản xuất và báo cáo trước ngày 18/11.
Theo Đài Khí tượng Thủy văn Quảng Nam, từ ngày 2 đến 6/11, do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường kết hợp với nhiễu động trong đới gió Đông trên cao, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã xảy ra một đợt mưa to đến rất to.
Tổng lượng mưa một số nơi như xã Đại Hiệp (huyện Đại Lộc) 277,6mm; xã Quế Lộc (huyện Nông Sơn) 216,6mm; xã Trà Giáp (huyện Bắc Trà My) 207,6mm; xã Duy Trung (huyện Duy Xuyên) 195mm; xã Tam Trà (huyện Núi Thành) 191,4mm; xã Đại Đồng (huyện Đại Lộc) 190,2mm.
Mưa lớn khiến nhiều địa phương xảy ra tình trạng ngập úng, giao thông bị chia cắt. Lũ ống tràn về khiến một người đàn ông tại huyện Nông Sơn bị cuốn trôi mất tích. Đến sáng 6/11, chính quyền và người dân mới tìm thấy thi thể của nạn nhân.
Ngay sau đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Trần Anh Tuấn đã đến thăm, động viên và trao số tiền 7,2 triệu đồng từ nguồn Quỹ cứu trợ tỉnh cho đại diện gia đình nạn nhân bị tử vong do mưa lũ.
Huyện Duy Xuyên còn xuất hiện cơn lốc xoáy làm thiệt hại cơ sở vật chất của Nhân dân và Nhà nước. Lãnh đạo UBND huyện cho biết, trận lốc xoáy làm ngã đổ 1 cổng chào khối phố, tốc mái hiên 2 nhà văn hóa khối phố, 8 hộ dân có nhà bị hư hại nhẹ, nhiều bảng hiệu quảng cáo, hàng cây xanh bị hư hại... Nhiều diện tích hoa mùa của người dân cũng thiệt hại.
Mưa lớn còn đe dọa một số hộ dân tại huyện Bắc Trà My. Lãnh đạo địa phương đã phải di dời 49 hộ với 150 người dân khỏi khu vực nguy cơ sạt lở.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu khẩn trương khắc phục hậu quả, thực hiện kiểm tra, thống kê đánh giá, báo cáo tổng hợp tình hình thiệt hại gửi Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh trước ngày 18/11. Chủ động sử dụng nguồn lực của cơ quan, đơn vị, địa phương để khắc phục hậu quả do ảnh hưởng của thiên tai. Trong trường hợp vượt quá khả năng cân đối, đề xuất nhu cầu hỗ trợ cụ thể theo mức quy định hiện hành và thực tế thiệt hại, báo cáo UBND tỉnh.
Chủ động tổ chức công tác đảm bảo an toàn tàu thuyền, bao gồm ghe thuyền các xã bãi ngang ven biển, hoạt động gần bờ, tàu du lịch. Các biện pháp đảm bảo an toàn cho người, phương tiện và tài sản của Nhân dân vùng ven biển, trên đảo, trên các lồng bè và khu vực nuôi trồng thủy, hải sản; các tàu vận tải, hoạt động du lịch trên các đảo và ven biển.
Liên quan đến cơn bão Yinxing đang hoạt động trên đảo Luzon của Philippines, các sở, ban, ngành và địa phương tiếp tục theo dõi chặt chẽ bản tin dự báo, cảnh báo bão, thời tiết nguy hiểm trên biển; thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của bão để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm.