Quảng Nam đào tạo trực tuyến 'Bình dân học vụ số' cho hàng nghìn cán bộ
Chương trình đào tạo trực tuyến 'Bình dân học vụ số' trên địa bàn tỉnh Quảng Nam triển khai trên nền tảng One Touch, được thiết kế với 10 chuyên đề. Dự kiến có khoảng 5.700 cán bộ từ cấp tỉnh đến cơ sở sẽ tham gia các khóa học về kinh tế số, xã hội số, kỹ năng số trong cơ quan nhà nước, an toàn thông tin trong chuyển đổi số, chuyển đổi số giáo dục...
Sáng 18/4, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam tổ chức lễ phát động phong trào “Bình dân học vụ số” trên địa bàn tỉnh nhằm xây dựng xã hội học tập và phát triển nền tảng tri thức số của toàn xã hội.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam tổ chức lễ phát động phong trào “Bình dân học vụ số”
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Văn Dũng cho biết, trong bối cảnh kỷ nguyên số, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học và công nghệ, đặc biệt là các công nghệ 4.0 như trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (bigdata), … chúng ta lại tiếp tục một sứ mệnh mới nâng cao kỹ năng số, phổ cập tri thức công nghệ, giúp mọi người dân tiếp cận với các công cụ hiện đại để học tập, làm việc và phát triển.
Ngày 18/11/2024, Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ đạo, phát động Phong trào “Bình dân học vụ số”, đây chính là cầu nối giúp mọi tầng lớp nhân dân, từ học sinh, sinh viên, công nhân, nông dân đến cán bộ, công chức có thể tiếp cận công nghệ số, ứng dụng kỹ năng số trong cuộc sống và công việc; là nhiệm vụ, trách nhiệm của toàn xã hội, của mỗi cá nhân, mỗi gia đình, mỗi cộng đồng.

Ông Lê Văn Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam kêu gọi các cấp chính quyền, các tổ chức, doanh nghiệp và nhân dân hưởng ứng mạnh mẽ phong trào Bình dân học vụ số.
“Tôi kêu gọi các cấp chính quyền, các tổ chức, doanh nghiệp và toàn thể nhân dân tỉnh nhà hưởng ứng mạnh mẽ phong trào để giúp mọi người dân không ai bị bỏ lại phía sau trong hành trình chuyển đổi số. Đưa “Bình dân học vụ số” trở thành phong trào thường xuyên, liên tục và phát triển sâu rộng, đều khắp toàn tỉnh, trở thành bước đột phá trong nâng cao nhận thức và kỹ năng số”, ông Lê Văn Dũng nói.
Chương trình đào tạo trực tuyến “Bình dân học vụ số” trên địa bàn tỉnh Quảng Nam được triển khai trên nền tảng One Touch tại địa chỉ https://quangnam.onetouch.edu.vn. Chương trình được thiết kế với 10 chuyên đề. Dự kiến có khoảng 5.700 cán bộ từ cấp tỉnh đến cơ sở, sẽ tham gia các khóa học về kinh tế số, xã hội số, kỹ năng số trong cơ quan nhà nước, an toàn thông tin trong chuyển đổi số, chuyển đổi số giáo dục, giảng dạy kỹ năng số và an toàn trên internet dành cho giáo viên.

Dự kiến có khoảng 5.700 cán bộ tham gia lớp học trên nền tảng trực tuyến One Touch.
Gần 2.000 lãnh đạo, quản lý và nhân viên doanh nghiệp sẽ được đào tạo về Chuyển đổi số trong doanh nghiệp Việt Nam. Hơn 7.000 người dân, học sinh, sinh viên và thành viên tổ công nghệ số cộng đồng sẽ được hướng dẫn kỹ năng số và an toàn internet dành cho học sinh, thanh toán số, chữ ký số. Trong buổi sáng ngày 18/4, toàn tỉnh Quảng Nam có 3.444 học viên đăng ký tham gia lớp học trên nền tảng trực tuyến One Touch.
Năm 2025, Quảng Nam đặt ra nhiệm vụ là có 80% cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong khu vực công có hiểu biết về chuyển đổi số, kiến thức và kỹ năng số, sử dụng được các nền tảng, dịch vụ số phục vụ công việc; 100% học sinh trung học và sinh viên được trang bị kiến thức, kỹ năng số để phục vụ học tập, nghiên cứu và sáng tạo; 80% người dân trong độ tuổi trưởng thành có tri thức cơ bản về chuyển đổi số, có kỹ năng số, sử dụng được thiết bị thông minh để khai thác thông tin, sử dụng nền tảng, dịch vụ số thiết yếu, biết bảo vệ bản thân trên môi trường số; 80% người lao động trong các doanh nghiệp, hợp tác xã, có kiến thức cơ bản về công nghệ số, có kỹ năng số, sử dụng được thiết bị thông minh để phục vụ sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng suất lao động.
Dịp này, Tỉnh Quảng Nam cũng ra mắt Cổng thông tin đất đai tỉnh Quảng Nam và hệ thống Tra cứu mã QR của Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất nhằm phục vụ tốt nhu cầu tra cứu thông tin Thửa đất và Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (có chứa mã QR theo Luật đất đai 2024) của người dân và doanh nghiệp.