Quảng Nam: Chung tay nâng cao nhận thức hội viên phụ nữ nhận diện, xóa bỏ các tập tục văn hóa lạc hậu
Bên cạnh các phong tục, tập quán tốt đẹp, tại tỉnh Quảng Nam vẫn tiềm ẩn những tập tục văn hóa lỗi thời, hủ tục lạc hậu, có hại, ăn sâu, bám rễ trong tiềm thức và cuộc sống của bà con.
Những năm gần đây, nhiều chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội được triển khai hỗ trợ cho vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh Quảng Nam. Tuy nhiên, do địa hình không thuận lợi, nên kinh tế - xã hội miền núi Quảng Nam phát triển vẫn còn chậm, chưa phát huy hết tiềm năng, lợi thế; đời sống bà con còn khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo khá cao. Mức thụ hưởng giáo dục, y tế, văn hóa còn hạn chế...
Bên cạnh các phong tục, tập quán tốt đẹp, vẫn tiềm ẩn những hủ tục lạc hậu, có hại, ăn sâu, bám rễ trong tiềm thức và cuộc sống của bà con: Ốm đau mời thầy cúng trị bệnh; cúng trả nợ người đã khuất; nạn "thách cưới" và "đòi của" cũng âm ỉ gây nhiều bức xúc trong cộng đồng; tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, nạn uống rượu quá mức để lại nhiều hệ lụy cho gia đình, xã hội; quy định người phụ nữ phải trách nhiệm gánh vác gia đình, lao động trên nương rẫy, đẻ nhiều con, lập gia đình sớm, học ít khó có cơ hội việc làm… Đây vẫn là những vấn đề đặt ra, cần sự chung tay, vào cuộc của cả hệ thống chính trị, trong đó có vai trò của các cấp Hội LHPN của tỉnh đẩy mạnh các phong trào, tham gia hỗ trợ, góp phần thúc đẩy phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây. Bà Lê Thị Ánh Nguyệt, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Quảng Nam, chia sẻ xung quanh nội dung này:
- Những năm qua, Hội LHPN tỉnh Quảng Nam đã có những hoạt động truyền thông gì để nâng cao nhận thức của hội viên, phụ nữ về nhận diện các tập tục văn hóa đã lỗi thời, trong đó có phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết?
- Bà Lê Thị Ánh Nguyệt: Bám sát chủ trương, chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh, những năm qua, Hội LHPN tỉnh Quảng Nam đã cụ thể hóa các nội dung thực hiện tuyên truyền phòng chống tập tục lạc hậu, lỗi thời, đặc biệt là vấn đề tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn tỉnh.
Tỉnh Quảng Nam có hơn 140.000 người là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, chiếm tỷ lệ 9,4% dân số toàn tỉnh, với 26 thành phần dân tộc, trong đó đông nhất là người Cơ-tu, Xơ-đăng, Giẻ-Triêng, Cor và M'nông.
Năm 2017, Hội LHPN tỉnh đã ban hành chương trình hành động trong công tác tuyên truyền phòng ngừa, tiến tới xóa bỏ tình trạng tảo hôn, kết hôn cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh.
Trong đó, các cấp Hội tổ chức nhiều hoạt động truyền thông, tuyên truyền bằng nhiều hình thức khác nhau, tập trung ở các khu vực có nguy cơ cao xảy ra tình trạng này.
Các cấp Hội của tỉnh đã triển khai được các mô hình Chi Hội không có tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, với 39 mô hình hoạt động hiệu quả tại khu vực miền núi, đông đồng bào dân tộc thiểu số.
Cùng với đó, Hội LHPN tỉnh cũng tuyên truyền, vận động các gia đình thực hiện việc ký cam kết không để con em trong gia đình tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống tại các khu vực biên giới, vùng sâu vùng xa vùng dân tộc thiểu số.
- Theo bà, qua quá trình thực hiện các hoạt động của Dự án 8, hội viên phụ nữ đã có những thay đổi ra sao trong nhận thức về bình đẳng giới, cũng như nhận diện, xóa bỏ các tập tục văn hóa lạc hậu?
- Bà Lê Thị Ánh Nguyệt: Thực hiện Dự án 8 đến nay, các cấp Hội LHPN tỉnh Quảng Nam đã tổ chức được hơn 20 cuộc truyền thông diễu hành về phòng chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, tuyên truyền phòng chống bạo lực gia đình, bảo vệ quyền phụ nữ, trẻ em; về bình đẳng giới ở các huyện, xã thực hiện Chương trình.
Đồng thời tổ chức được 10 lớp tập huấn cho cán bộ chủ chốt cấp huyện, xã về lồng ghép giới; tổ chức được 20 lớp về thực hành bình đẳng giới cho những người có uy tín, già làng, trưởng thôn bản và phụ nữ cơ sở; thành lập được 30 tổ truyền thông cộng đồng; 25 mô hình câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" với các thanh niên tham gia tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức của cộng đồng về bình đẳng giới. Cùng với đó là nhiều hình thức tuyên truyền qua mạng xã hội, tờ rơi, sân khấu hóa... đến tận các chợ phiên, thôn bản.
Với những hoạt động nêu trên, qua đánh giá trên địa bàn tỉnh Quảng Nam bước đầu có sự thay đổi trong nhận thức của cán bộ, người dân về bình đẳng giới và nhận thức các tập tục văn hóa lạc hậu. Ví dụ như, trước đây, cán bộ cấp cơ sở chưa nhận thức đầy đủ vấn đề lồng ghép giới trong tham mưu, đề xuất chính sách, hay văn bản hành chính.
Trước đây, chính cán bộ Hội cơ sở chưa nhận thức đầy đủ về vấn đề hôn nhân cận huyết thống, tảo hôn. Qua khảo sát mới đây của Hội LHPN tỉnh, thì cán bộ cơ sở, cán bộ Hội đã có nhận thức đầy đủ hơn về bình đẳng giới, về các vấn đề tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. Nhận thức được nâng cao, thì chính đội ngũ cán bộ này cũng trở thành cầu nối lan tỏa những kiến thức, nhận thức về bình đẳng giới, nhận diện được các tập tục văn hóa đã lạc hậu trong từng thôn, bản, từ đó phổ biến về cho gia đình, dòng tộc và tuyên truyền, lan tỏa trong cộng đồng.
- Theo bà, phụ nữ, thanh niên có vai trò như thế nào trong công tác xóa bỏ các tập tục văn hóa lạc hậu? Hội LHPN tỉnh đã có những giải pháp, sáng kiến gì để tuyên truyền phụ nữ, người dân bảo tồn, phát huy các phong tục truyền thống tốt đẹp, xây dựng đời sống văn hóa ở địa phương?
- Bà Lê Thị Ánh Nguyệt: Một trong những chức năng của tổ chức Hội là hoạt động tuyên truyền, vận động, tập hợp phụ nữ; trong đó hoạt động tuyên truyền hội viên phụ nữ tiến tới xóa bỏ các tập tục văn hóa đã lỗi thời, hủ tục không còn phù hợp, xây dựng đời sống văn minh là nhiệm vụ lâu dài, không thể hoàn thành trong một sớm một chiều. Chúng ta cần thực hiện với phương châm mưa dầm thấm lâu.
Hội LHPN tỉnh Quảng Nam tiếp tục đề ra các kế hoạch thực hiện tuyên truyền bằng nhiều hình thức đa dạng, hiệu quả để vận động các tầng lớp phụ nữ, nhân dân. Cùng với đó tăng cường công tác phối hợp với các ban, ngành đoàn thể ở địa phương trong giáo dục, phổ biến pháp luật, tư vấn pháp luật, đặc biệt là đưa các hoạt động này tới vùng sâu vùng xa, vùng biên giới. Đồng thời duy trì, đẩy mạnh hoạt động của các mô hình về bình đẳng giới, phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; CLB xây dựng gia đình hạnh phúc, CLB phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội; hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, đẩy mạnh hoạt động trong xây dựng nông thôn mới, đồng hành cùng phụ nữ biên cương; Hỗ trợ phụ nữ tiếp cận được các dịch vụ liên quan tới sức khỏe, giáo dục, văn hóa; mở lớp xóa mù ở địa bàn khó khăn...
- Trân trọng cảm ơn bà!