Quảng Nam cấm biển để ứng phó với bão Trà Mi

Tỉnh Quảng Nam cấm biển đối với tất cả tàu cá, tàu khách, tàu du lịch ra, vào các cửa biển, các bãi ngang trên địa bàn tỉnh từ 10h ngày 25/10 cho đến khi tình hình thời tiết trên biển trở lại bình thường.

Từ trưa nay (25/10), Quảng Nam cấm biển để ứng phó với bão Trà Mi

Từ trưa nay (25/10), Quảng Nam cấm biển để ứng phó với bão Trà Mi

Theo Trung tâm khí tượng thủy văn Quốc gia, hồi 7 giờ ngày 25/10, vị trí tâm bão số 6 (bão Trà Mi, tên quốc tế TRAMI) ở vào khoảng 17,1 độ Vĩ Bắc; 118,6 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Đông của khu vực Bắc Biển Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 10 (89-102km/h), giật cấp 12. Di chuyển theo hướng Tây, tốc độ khoảng 15km/h.

Để ứng phó với bão số 6, sáng 25/10, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu cấm biển đối với tất cả tàu cá, tàu khách, tàu du lịch ra, vào các cửa biển, các bãi ngang trên địa bàn tỉnh từ 10h ngày 25/10 cho đến khi tình hình thời tiết trên biển trở lại bình thường.

Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam giao nhiệm vụ cho Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh, Sở NN&PTNT, UBND các huyện, thị xã, TP ven biển rà soát, triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn đối với các hoạt động du lịch, nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản trên biển, cửa sông, ven biển.

Sơ tán người dân trên lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy sản đến nơi an toàn trước khi bão ảnh hưởng trực tiếp.

Các địa phương tiếp tục rà soát, sẵn sàng sơ tán dân tại khu vực nguy hiểm, có nguy cơ bị ngập sâu, lũ quét, sạt lở đất, cửa sông, ven biển.

Chuẩn bị lực lượng, phương tiện, trang thiết bị, nhu yếu phẩm theo phương châm “4 tại chỗ” để sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống.

Kiểm soát, hướng dẫn giao thông an toàn, nhất là qua ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết, khu vực có nguy cơ sạt lở.

Chủ động bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính.

Kiểm tra, chủ động biện pháp đảm bảo an toàn các hồ chứa và hạ du. Bố trí lực lượng thường trực sẵn sàng vận hành điều tiết và xử lý các tình huống. Sẵn sàng lực lượng, phương tiện để kịp thời cứu hộ, cứu nạn và khắc phục nhanh hậu quả bão, lũ.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cũng yêu cầu các cơ quan liên quan triển khai phương án phòng, chống thiên tai trên từng cung đường theo kế hoạch đã lập, đặc biệt các vị trí trọng yếu thường xuyên bị sạt lở, ngập lụt; bố trí lực lượng, thiết bị, biển báo, dự phòng vật tư theo phương châm “4 tại chỗ” để triển khai khắc phục, đảm bảo giao thông trong thời gian nhanh nhất khi có tình huống xảy ra;

Chủ động dự trữ lương thực, thực phẩm, thuốc men, nguyên nhiên vật liệu đề phòng giao thông bị ách tắc, cô lập nhiều ngày để phục vụ cho lực lượng phòng, chống lụt bão ngành giao thông. Kiểm tra, chuẩn bị đủ nhiên liệu, lái máy, khởi động các máy móc, thiết bị để luôn sẵn sàng ứng phó, khắc phục thiệt hại.

Trước đó, thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh về công tác triển khai ứng phó với bão Trà Mi, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Quảng Nam chủ trì, phối hợp Sở TT&TT và các ngành, đơn vị liên quan rà soát, tham mưu đề xuất mua sắm vật tư, phương tiện, trang thiết bị chuyên dùng phòng, chống thiên tai; trong đó có thiết bị điện thoại vệ tinh phục vụ cho công tác chỉ đạo, điều hành ứng phó với thiên tai đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt khi có tình huống xảy ra.

Trước mắt, phối hợp với Sở TT&TT, Viễn thông Quảng Nam nghiên cứu, trang bị cho Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh thiết bị điện thoại vệ tinh để phục vụ chỉ đạo ứng phó với bão Trà Mi và thiên tai năm 2024.

Hồ Xuân Mai

Nguồn VietTimes: https://viettimes.vn/quang-nam-cam-bien-de-ung-pho-voi-bao-tra-mi-post179462.html
Zalo