Quảng Đông: Điểm sáng hiếm hoi về dân số tại Trung Quốc
Giữa bối cảnh tỷ lệ sinh tại Trung Quốc giảm mạnh, tỉnh Quảng Đông nổi lên như một ngoại lệ hiếm hoi khi ghi nhận số ca sinh cao nhất Trung Quốc suốt 7 năm liên tiếp.
Theo SCMP, truyền thống gia đình, lợi thế kinh tế và dòng di cư nội địa giúp tỉnh này trở thành một ngoại lệ hiếm hoi trong bức tranh dân số già hóa.

Quảng Đông năm thứ 7 liên tiếp ghi nhận số ca sinh cao nhất Trung Quốc. Ảnh: SCMP
Truyền thống vững bền và sức hút kinh tế
Tại khu vực Triều Sán, phía đông tỉnh Quảng Đông, nơi các làng mạc vẫn giữ nguyên từ đường cổ kính và văn hóa dòng tộc được tôn vinh, truyền thống sinh con đông vẫn bền bỉ tồn tại.
Trần Gia Huệ (Chen Jiahui), 28 tuổi, cho biết nhiều anh chị họ lớn tuổi của cô đã có hai, thậm chí ba con, dù ở lại quê hay chuyển đến nơi khác sinh sống.
“Quan niệm rằng con cái mang lại phúc đức, con trai nối dõi tông đường vẫn rất mạnh mẽ ở đây”, cô nói.
Trong năm 2024, Quảng Đông ghi nhận 1,13 triệu ca sinh, tăng 100.000 ca so với năm trước, tiếp tục giữ vị trí dẫn đầu toàn quốc trong 7 năm liên tiếp.
Đây cũng là tỉnh duy nhất duy trì mức sinh trên 1 triệu trẻ trong 5 năm liền, với tỷ lệ sinh đạt 8,89/1.000 dân – thuộc nhóm cao nhất cả nước.
Khác với các tỉnh có tỷ lệ sinh cao thường tập trung ở khu vực miền Tây kém phát triển, Quảng Đông là nơi có GDP khu vực cao nhất Trung Quốc.
Tổng sản phẩm kinh tế năm 2024 của tỉnh đạt 14.160 tỉ nhân dân tệ (tương đương 1.940 tỉ USD).
Ngoài ra, Quảng Đông còn thu hút lượng lớn lao động nhập cư trẻ tuổi nhờ cơ hội việc làm dồi dào. Dân số cư trú của tỉnh đạt 127,8 triệu người vào cuối năm 2024, tăng 740.000 người, mức tăng cao nhất cả nước.
Theo ông Bành Bành (Peng Peng), Chủ tịch điều hành Hiệp hội Cải cách Quảng Đông, sự kết hợp giữa kinh tế và truyền thống là điều rất khó tái hiện ở các địa phương khác.
Tại đây, ảnh hưởng của văn hóa dòng tộc vẫn bền chặt hơn nhiều khu vực khác.
Thách thức hiện đại và sự chuyển biến chậm rãi
Dù có nhiều lợi thế, Quảng Đông không nằm ngoài làn sóng thay đổi quan niệm của giới trẻ Trung Quốc. Mức sinh tuy cao so với cả nước nhưng vẫn có dấu hiệu chững lại ở một số khu vực thành thị.
Tại thành phố Sán Đầu, tỉ lệ sinh năm 2023 đạt 12,3/1.000 dân. Trong khi đó, Trạm Giang ghi nhận 77.500 ca sinh trong năm 2024 – đạt 10,92/1.000 dân – đều vượt xa mức trung bình toàn quốc (6,77/1.000 dân).
Ông Hà Nhã Phu (He Yafu), nhà nhân khẩu học độc lập tại Quảng Đông, nhận định rằng “không thể áp đặt văn hóa sinh đẻ truyền thống lên toàn quốc”. Ông cho rằng muốn tăng tỷ lệ sinh, các chính sách tài chính và hỗ trợ cụ thể sẽ khả thi hơn việc trông cậy vào yếu tố văn hóa.
Cùng quan điểm, ông Đổng Vũ Chính (Dong Yuzheng), nguyên Viện trưởng Viện Phát triển Dân số Quảng Đông và cố vấn chính quyền tỉnh, nhấn mạnh rằng sức mạnh kinh tế và vai trò trung tâm nhập cư đã tạo nên lợi thế dân số đáng kể cho Quảng Đông.
Ngoài ra, cấu trúc công nghiệp đa dạng từ các trung tâm sản xuất như Đông Quản, Phật Sơn cho đến các thành phố công nghệ cao như Thâm Quyến giúp thu hút tầng lớp lao động trẻ.
Tuy nhiên, áp lực xã hội vẫn tồn tại. Tại quê nhà của Trần Gia Huệ ở Giới Dương, tư tưởng gia tộc và mong muốn có con trai vẫn phổ biến, đặc biệt trong các dịp trọng đại như đám cưới hay tang lễ. Nhưng theo cô, quan niệm này đang dần thay đổi trong giới trẻ.
“Giờ đây, hầu hết người trẻ đều tin rằng con trai hay con gái đều như nhau. Áp lực kết hôn sớm hay sinh nhiều con chủ yếu đến từ thế hệ lớn tuổi,” cô nói.
Bản thân cô đã từng du học ở Anh, vẫn chưa có kế hoạch kết hôn hay sinh con vì lo ngại chi phí nuôi con, tác động thể chất và khó khăn cân bằng giữa công việc với cuộc sống.
Trường hợp của Lý Hạo Nam (John Li), 30 tuổi, sống tại trung tâm Quảng Đông, cũng phản ánh sự chuyển dịch này.
Dù thừa nhận truyền thống vẫn còn, anh cho rằng người trẻ ngày nay thực tế hơn: “Nếu có điều kiện, người ta có thể sinh nhiều con. Nếu không, thì một con, thậm chí không có con cũng là điều bình thường.”