Quảng cáo trá hình cho trang web cờ bạc trên phố đi bộ sẽ bị xử phạt như nào?

Nhóm thanh niên nổi tiếng trên mạng xã hội quảng cáo trá hình cho trang web cờ bạc ở phố đi bộ Hoàn Kiếm, Hà Nội gây nhức nhối sẽ bị xử lý như nào?

Thời gian qua, dư luận xôn xao trước việc một nhóm thanh niên nổi tiếng trên các nền tảng mạng xã hội liên tục xuất hiện trên khu vực phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội để tổ chức các trò chơi ghép đôi, làm quen cho các thanh niên nam nữ. Bộ dụng cụ hành nghề của ekip đều gắn lô gô quảng cáo trá hình cho trang web cờ bạc.

Liên quan đến vấn đề này, Luật sư Hải Nhi (Công ty Luật FDVN - Đoàn Luật sư Thành phố Đà Nẵng) đã có những phân tích cụ thể dưới góc nhìn pháp lý như sau:

Việc làm nhận booking quảng cáo thông qua các kênh có lượt theo dõi cao, lượt tương tác cao nhằm quảng bá đến người dùng được gọi là KOL, KOC,…là hình thức khá phổ biến hiện nay.

Chương trình ghép đôi trên phố đi bộ Hoàn Kiếm quảng cáo cho web cờ bạc. Ảnh Tiền Phong

Chương trình ghép đôi trên phố đi bộ Hoàn Kiếm quảng cáo cho web cờ bạc. Ảnh Tiền Phong

Tuy nhiên, các bạn trẻ chỉ vì có lợi nhuận mà không tìm hiểu rõ quy định pháp luật, xem những hành vi như việc gắn logo hoặc cho xuất hiện quảng cáo vài giây trong video là chuyện bình thường mà không tìm hiểu đó có phải là những sản phẩm, dịch vụ bị Luật Quảng cáo xếp vào hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động quảng cáo hay không. Từ đó, dẫn đến vướng vào việc bị xử phạt hành chính và thậm chí là xử lý hình sự.

Luật sư Hải Nhi - Công ty Luật FDVN - Đoàn Luật sư Thành phố Đà Nẵng

Luật sư Hải Nhi - Công ty Luật FDVN - Đoàn Luật sư Thành phố Đà Nẵng

Căn cứ Điều 7, khoản 1 Điều 8 Luật Quảng cáo 2012 Quảng cáo những sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ sau đây được xem hành vi cấm trong hoạt động quảng cáo bao gồm:

- Hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh theo quy định của pháp luật.

- Thuốc lá.

- Rượu có nồng độ cồn từ 15 độ trở lên.

- Sản phẩm sữa thay thế sữa mẹ dùng cho trẻ dưới 24 tháng tuổi, sản phẩm dinh dưỡng bổ sung dùng cho trẻ dưới 06 tháng tuổi; bình bú và vú ngậm nhân tạo.

- Thuốc kê đơn; thuốc không kê đơn nhưng được cơ quan nhà nước có thẩm quyền khuyến cáo hạn chế sử dụng hoặc sử dụng có sự giám sát của thầy thuốc.

- Các loại sản phẩm, hàng hóa có tính chất kích dục.

- Vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; các loại sản phẩm, hàng hóa có tính chất kích động bạo lực.

- Các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cấm quảng cáo khác do Chính phủ quy định khi có phát sinh trên thực tế.

Theo quy định trên thì Quảng cáo cờ bạc, đánh bạc trực tuyến cũng là một sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ bị cấm quảng cáo.

Do đó, việc các bạn trẻ hiện nay vô tình hay cố ý quảng cáo các logo của các tổ chức đánh bạc trực tuyến sẽ bị xử lý phạt tiền từ 70 triệu đến 100 triệu đồng và buộc tháo gỡ, tháo dỡ, xóa quảng cáo hoặc thu hồi sản phẩm báo, tạp chí in có quảng cáo theo quy định tại Điều 33 Nghị định 38/2021/NĐ-CP ngày 29/03/2021.

Ngoài ra, việc sử dụng dịch vụ mạng xã hội; trang thông tin điện tử được thiết lập thông qua mạng xã hội để quảng cáo, tuyên truyền, chia sẻ thông tin về hàng hóa, dịch vụ bị cấm trong đó có đánh bạc thì sẽ bị xử phạt từ 10 triệu đến 20 triệu đồng (Theo điểm e khoản 1 Điều 101 Nghị định 15/2020/ND-CP).

Minh Khuê (t/h)

Nguồn Góc nhìn pháp lý: https://gocnhinphaply.nguoiduatin.vn/quang-cao-tra-hinh-cho-trang-web-co-bac-tren-pho-di-bo-se-bi-xu-phat-nhu-nao-7227.html
Zalo