Quảng cáo phải đúng sự thật
Bên cạnh hoạt động quảng cáo mang tính chất lành mạnh, vẫn tồn tại tình trạng quảng cáo 'chưa đúng sự thật và cạnh không lành mạnh', thậm chí gây hiểu nhầm hoặc lừa dối người tiêu dùng.
“Quảng cáo được hiểu là sự trình bày để giới thiệu rộng rãi cho nhiều người biết nhằm tranh thủ được khách hàng. Tuy nhiên, bên cạnh hoạt động quảng cáo mang tính chất lành mạnh, vẫn tồn tại tình trạng quảng cáo “chưa đúng sự thật và cạnh không lành mạnh”, thậm chí gây hiểu nhầm hoặc lừa dối người tiêu dùng”. Đó là ý kiến của một đại biểu chất vấn lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tại kỳ họp thứ 16 của HĐND tỉnh.
“Xem phim độn quảng cáo”
Đại biểu nêu, hoạt động quảng cáo thiếu thẩm mỹ, trái với truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục được đăng tải, phát thanh, phát hình phổ biến nhất hiện nay, gây phản cảm, bức xúc trong dư luận xã hội (ví dụ như quảng cáo nước rửa bồn cầu, băng vệ sinh, bao cao su, thuốc chữa bệnh ngoài da, thuốc tẩy giun sán, dung dịch vệ sinh phụ nữ và các loại sản phẩm hàng hóa tương tự... vào khung giờ mọi người đang ăn cơm).
Trước đây, nội dung trên phát thanh, truyền hình trong khoảng thời gian từ 18 giờ đến 20 giờ hằng ngày sẽ bị phạt tiền từ 30 - 50 triệu đồng (theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 58 Nghị định 158/2013/NĐ-CP).
Tuy nhiên, kể từ ngày 1.6.2021, khi Nghị định 38/2021/NĐ-CP xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực văn hóa, quảng cáo có hiệu lực đã không quy định xử phạt hành chính đối với nội dung nêu trên.
Ngành chức năng cũng chưa giải thích thống nhất cách hiểu như thế nào là “thiếu thẩm mỹ, trái với truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục”, mà phụ thuộc vào cách nhìn nhận và đánh giá chủ quan của mỗi người. Do đó, rất khó để xử lý các chủ thể quảng cáo thực hiện quảng cáo vi phạm pháp luật.
Nhiều hoạt động quảng cáo có sử dụng những lời phát biểu, hình ảnh của các chuyên gia có uy tín trong các lĩnh vực liên quan đến hàng hóa, dịch vụ (giảng viên, nghệ sĩ, bác sĩ...) để tạo sự tin tưởng của người dân vào sản phẩm quảng cáo.
Hiện nay, pháp luật có quy định cấm “sử dụng hình ảnh, trang phục, tên, thư tín, bài viết của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế khác đối với thực phẩm, phụ gia thực phẩm” và cấm “quảng cáo thực phẩm dưới hình thức bài viết của bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế, có nội dung mô tả thực phẩm có tác dụng điều trị bệnh” tại Điều 6, Điều 7, Thông tư 09/2015/TT- BYT quy định về xác nhận nội dung quảng cáo đối với sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Y tế.
Nếu vi phạm quy định sẽ bị xử lý vi phạm hành chính theo Nghị định 38/2021/NĐ-CP, cụ thể là bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng và buộc thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả: buộc cải chính thông tin, buộc tháo dỡ, tháo gỡ hoặc xóa quảng cáo.
Tuy nhiên, đây chỉ là chế tài xử phạt đối với người quảng cáo, còn đối với những chuyên gia phát biểu trong các quảng cáo thì không có quy định nào về trách nhiệm pháp lý khi họ phát biểu không đúng sự thật trong nội dung quảng cáo gây thiệt hại cho người tiêu dùng, dẫn đến tình trạng người quảng cáo sẽ lợi dụng điều này thông đồng với các chuyên gia, bác sĩ có uy tín trong các lĩnh vực liên quan đến hàng hóa, dịch vụ quảng cáo để thực hiện quảng cáo sai sự thật đem lại lợi nhuận cho mình.
Vấn đề quảng cáo tài trợ vừa giúp nhà sản xuất có nguồn kinh phí để thực hiện chương trình, sự kiện, hoạt động văn hóa, thể thao... vừa giúp các doanh nghiệp quảng cáo được sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của mình.
Tuy nhiên, để đạt mục đích, các doanh nghiệp đưa sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ hay logo của họ xuất hiện liên tục làm cho chất lượng, thời lượng của các nội dung báo, hoạt động, chương trình truyền hình giảm xuống khiến cho người xem rất bức xúc.
Từ thực trạng trên, đại biểu đề nghị Giám đốc Sở VH,TT&DL đánh giá thêm chất lượng nội dung quảng cáo hiện nay trên địa bàn tỉnh? Công tác quản lý Nhà nước về hoạt động quảng cáo nói chung (bao gồm cấp phép, thẩm định, kiểm tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực quảng cáo..) và có giải pháp, kiến nghị gì nhằm hạn chế, khắc phục tình trạng trên?
Công tác kiểm tra, chấn chỉnh hoạt động quảng cáo chưa thường xuyên
Căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở VH,TT&DL, cơ quan này không thực hiện chức năng quản lý nhà nước về nội dung quảng cáo trên báo chí, trên môi trường mạng, trên xuất bản phẩm và quảng cáo tích hợp trên các sản phẩm, dịch vụ bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin.
Nhiệm vụ quản lý nhà nước về quảng cáo trên báo chí, môi trường mạng trên xuất bản phẩm và quảng cáo tích hợp trên các sản phẩm, dịch vụ bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin do Bộ Thông tin và Truyền thông thực hiện theo quy định pháp luật.
Về nội dung hoạt động quảng cáo theo ý kiến đại biểu đã nêu chủ yếu xảy ra trên môi trường mạng internet, mạng xã hội, đài phát thanh, báo nói, báo hình.
Căn cứ quy định Luật Quảng cáo đối với hoạt động quảng cáo được đăng tải, phát thanh, phát hình, quảng cáo trong chương trình, sự kiện, hoạt động văn hóa, thể thao; quảng cáo trên mạng xã hội, cụ thể như sau:
Khoản 4, Điều 14 Luật Quảng cáo quy định về quyền và nghĩa vụ của người phát hành quảng cáo “thực hiện hợp đồng phát hành quảng cáo đã ký kết và chịu trách nhiệm trực tiếp về sản phẩm quảng cáo thực hiện trên phương tiện quản lý thuộc trách nhiệm quản lý của mình”.
Từ Điều 12 đến Điều 16 Luật Quảng cáo quy định các quyền và nghĩa vụ của người quảng cáo, người kinh doanh dịch vụ quảng cáo, người phát hành quảng cáo, người cho thuê địa điểm, phương tiện quảng cáo, người tiếp nhận quảng cáo.
Điều 21 và Điều 22 Luật Quảng cáo về việc quảng cáo trên báo in, báo nói, báo hình về diện tích tối đa quảng cáo trên báo in, thời lượng tối đa quảng cáo trên báo nói, báo hình, hình thức, tần suất quảng cáo trong các chương trình... và đồng thời phải tuân thủ các quy tắc ứng xử trong hoạt động quảng cáo được Bộ VH,TT&DL ban hành.
Năm 2024, Thanh tra Sở và UBND các huyện, thị xã, thành phố đã tổ chức kiểm tra 231 lượt cơ sở hoạt động quảng cáo trên địa bàn tỉnh. Kết quả, xử phạt vi phạm hành chính tổng số tiền 33.000.000 đồng với hành vi vi phạm “không thông báo về nội dung, thời gian, địa điểm quảng cáo, số lượng bảng quảng cáo”.
Công tác kiểm tra đã góp phần chấn chỉnh, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, mỹ quan đô thị, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động quảng cáo, thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ sản phẩm hàng hóa, dịch vụ, phát triển kinh tế xã hội của địa phương.
Tuy nhiên, công tác kiểm tra, chấn chỉnh hoạt động quảng cáo của Sở VH,TT&DL, UBND cấp huyện, UBND cấp xã theo chức năng, nhiệm vụ chưa thường xuyên, chưa tổ chức thanh tra chuyên đề, chỉ lồng ghép trong các cuộc thanh, kiểm tra chung.
Nguyên nhân được cho là do hoạt động quảng cáo hiện nay phát sinh tại các cơ sở thuộc nhiều địa bàn khác nhau, phạm vi rộng, lực lượng kiểm tra mỏng, do đó có lúc chưa phát hiện và xử lý kịp thời.
Sở đã tham mưu ban hành các văn bản: Quyết định số 2756/QĐ-UBND ngày 13.11.2018 của UBND tỉnh phê duyệ̣t quy hoạch quảng cáo ngoài trời trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2018-2025, tầm nhìn đến năm 2030; Quyết định số 433/QĐ-UBND ngày 5.3.2020 của UBND tỉnh quy chế phối hợp quản lý hoạt động quảng cáo ngoài trời trên địa bàn tỉnh và nhiều văn bản khác…